Vận tải

Siết quản lý xe đưa đón học sinh

03/10/2023, 14:00

Những quy định mới đề xuất tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ được kỳ vọng sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải đưa đón học sinh, giúp trẻ đến trường an toàn hơn.

Đưa đón học sinh vẫn mỗi nơi một kiểu

Có mặt tại trường THPT Chuyên Tiền Giang lúc 6h45 sáng 29/9, PV Báo Giao thông ghi nhận có hơn 10 ô tô khách loại 45 chỗ ngồi từ các hướng chạy vào và dừng lại trước cổng trường. Khi xe dừng hẳn, từng em học sinh lần lượt bước xuống xe.

Việc đưa đón học sinh do doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Văn Tuyến thỏa thuận với ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường. Phương án và địa điểm đưa đón được nhà trường, Sở GTVT, Ban ATGT tỉnh khảo sát, chấp thuận.

photo-1696255938469

Thời gian qua, hoạt động đưa, đón học sinh bằng xe ô tô vẫn còn nhiều bất cập do thiếu cơ chế để quản lý chặt chẽ (Trong ảnh: Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động xe đưa, đón học sinh trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Tạ Hải.

Ông Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc doanh nghiệp cho biết, mức giá cước 25.000 đồng/2 chuyến cho một buổi học, 35.000 đồng/4 chuyến cho 2 buổi học.

Doanh nghiệp đã bố trí 10 xe, loại 45 chỗ ngồi, có máy lạnh, camera giám sát, chạy cố định theo từng tuyến đường đến các điểm đã định sẵn, điểm xa nhất 15km, gần khoảng 5km. Xe có gắn logo của trường và mang dòng chữ "Xe đưa rước học sinh" hai bên hông xe. Tài xế có nhiệm vụ thay mặt nhà trường, phụ huynh quản lý các em suốt hành trình.

Tại Vĩnh Phúc, ông Hoàng Văn Bản, Chánh Thanh tra giao thông (Sở GTVT Vĩnh Phúc) cho biết, các xe đưa đón học sinh trên địa bàn chủ yếu là xe loại 16, 29 và 35 chỗ, có tuổi đời khoảng chục năm. Giá những xe này chỉ khoảng 200 triệu đồng, tuy không phải mới song qua nhiều đợt kiểm tra, các xe này đều đảm bảo đăng ký, đăng kiểm đầy đủ.

Tuy nhiên, thực tế không phải ở địa phương nào việc đưa đón học sinh cũng được tổ chức quy củ. Tại Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định… vẫn còn hiện tượng sử dụng xe ba bánh tự chế, độ từ chiếc xe máy, loại bỏ bớt các loại phụ kiện. Phía sau xe được thiết kế dạng thùng với 3 hàng ghế ngồi dành cho học sinh, quây kín bằng các khung sắt bên hông và có mái che sơ sài.

Tại Hà Nội, thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 9, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, qua kiểm tra, nhiều xe đưa đón học sinh không có tem hợp đồng, hết đăng kiểm, không đảm bảo điều kiện để lưu thông. Tuy nhiên, khi xử lý mất nhiều thời gian, một số xe bị tạm giữ ảnh hưởng đến giờ đến lớp của học sinh.

"Đáng lo ngại, đã xuất hiện tình trạng phụ huynh tự gom nhóm học sinh trong cùng khu chung cư, khu phố và chủ động thuê xe cá nhân để đưa đón con đến trường. Loại xe này rất khó kiểm soát vì không đăng ký kinh doanh vận tải", thiếu tá Chinh cho hay.

Những vụ TNGT đau lòng

Hậu quả của việc xe đưa đón học sinh không đảm bảo an toàn thì ai cũng đã thấy rõ. Điển hình là vào cuối năm 2019, cháu L.H.L (6 tuổi), học sinh lớp 1 Trường quốc tế Gateway (nay đổi tên thành Deway) có trụ sở tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội được phát hiện tử vong trên ô tô đưa đón của nhà trường. Chiếc xe này chưa có giấy phép, chưa được cấp phù hiệu xe kinh doanh vận tải.

Năm 2021, liên tiếp xảy ra những vụ học sinh bị văng khỏi xe đưa đón gây hậu quả thương tâm tại Sơn La và Đắk Lắk khiến 2 học sinh tử vong.

Mới đây nhất, khoảng 12h35 ngày 8/2/2023, xe ô tô BKS 60B-043.93 chở học sinh đến Trường Tiểu học Hà Huy Giáp (phường Trảng Dài, TP Biên Hòa), tài xế trong lúc lùi xe vào khu vực vỉa hè trước cổng trường để các em xuống xe đã thiếu quan sát, cán tử vong một học sinh lớp 3.

Sau vụ tai nạn, Sở GD&ĐT Đồng Nai đã yêu cầu các phòng giáo dục quận, huyện chỉ đạo các trường làm nghiêm trong công tác lựa chọn, hợp đồng xe đưa rước. Người đứng đầu các đơn vị, trường học phải chịu trách nhiệm trong việc tổ chức, quản lý xe đưa rước học sinh.

Ngoài việc liên tục tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động đưa rước, các đơn vị được yêu cầu không sử dụng xe hết hạn đăng kiểm, xe có niên hạn trên 20 năm; Chấm dứt hợp đồng với xe không có phù hiệu "xe hợp đồng".

Chị Nguyễn Thị An, ngụ phường Trảng Dài, cho biết do chị làm công nhân nên 8 năm qua hai con gái của chị đều đến trường bằng xe đưa rước. Tuy nhiên, sau vụ việc vừa qua, chị khá lo lắng.

"Theo tôi, một là ngành giáo dục nên tổ chức dạy học cả ngày để giảm việc đưa rước các cháu. Còn không nếu chỉ học một buổi, hiệu trưởng nên là người đứng ra tìm kiếm, hỗ trợ việc lựa chọn xe để có trách nhiệm hơn trong quản lý", chị góp ý.

Chị Nguyễn Thị Thoa, ngụ phường Long Bình, TP Biên Hòa cũng chia sẻ: "Nhà tôi cách chỗ con học 12km nên cháu phải đi xe đưa đón. Tôi yêu cầu trường đón cháu bằng xe đảm bảo chất lượng, tôi sợ nhất phải nói hai từ "giá như" nên cẩn thận ngay từ đầu", chị Thoa nói.

Đề xuất nhiều quy định để quản chặt

photo-1696255939159

Theo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ô tô đưa đón học sinh phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm. Ảnh: Tạ Hải.

TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho biết, xe đưa đón học sinh hiện nay được coi như xe dịch vụ hoạt động trên cơ sở hợp đồng vận tải ký giữa nhà trường và doanh nghiệp. Các phương tiện được sử dụng là xe chở khách thông thường, không phải xe buýt chuyên dụng chở học sinh (school bus) như ở nước ngoài, học sinh được đối xử không khác những hành khách thông thường.

Lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ VN) cho hay, thời gian qua, hoạt động đưa đón học sinh xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc, do thiếu cơ chế để quản lý chặt chẽ. Dịch vụ này vẫn diễn ra tự phát, chất lượng xe không bảo đảm, chưa gắn trách nhiệm của cơ sở giáo dục đào tạo.

Tại dự thảo Luật TTATGT đường bộ đang được lấy ý kiến đã đề xuất quy định riêng một Điều về bảo đảm TTATGT đối với xe ô tô đưa đón học sinh.

Theo đó, ô tô đưa đón học sinh phải đáp ứng các yêu cầu: Bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn để nhận diện.

Xe ô tô sử dụng để đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc phải sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Trước khi tổ chức thực hiện, cơ sở giáo dục đào tạo tổ chức hoạt động đưa đón học sinh phải thông báo đến cơ quan chuyên môn về GTVT thuộc UBND cấp tỉnh các thông tin cần thiết như hành trình đưa đón, các điểm dừng đón, trả học sinh; Hình ảnh của phương tiện và màu sơn đặc trưng (nếu có)...

Khi đưa đón học sinh tiểu học và mầm non phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe. Trường hợp sử dụng xe ô tô có sức chứa trên 24 chỗ phải bố trí tối thiểu 2 người.

Cơ sở giáo dục, đào tạo có trách nhiệm xây dựng, tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh; Chịu trách nhiệm về việc đón, trả học sinh của đơn vị mình bảo đảm an toàn.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh đối với các xe này.

Trước khi được quy định tại dự thảo Luật TTATGT đường bộ, nội dung này cũng được quy định tại dự thảo Luật Đường bộ.

Theo ban soạn thảo, với những đề xuất mới này sẽ giúp xác định rõ và phân biệt loại phương tiện đưa đón học sinh với các loại hình kinh doanh vận tải hành khách khác. Từ đó, có cơ chế để quản lý chặt chẽ hơn.

"Đây là những điểm mới rất cần thiết, có thể coi là bước đột phá trong xây dựng hệ thống xe buýt trường học ở Việt Nam, là cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển dịch vụ vận tải mới chuyên biệt", thiếu tá Trần Quang Chinh đánh giá.

Hướng đến phát triển dịch vụ chuyên nghiệp

Theo ông Hoàng Văn Bản, thực tế hiện nay xe đưa đón học sinh hoạt động giống như xe buýt, hành trình di chuyển, khung giờ hoạt động cố định, thậm chí cả con người cũng cố định, chỉ khác là không có bến. Những quy định mới như đề xuất sẽ giúp loại hình xe này hoạt động chuyên nghiệp hơn theo hướng xe school bus.

TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, nên quy định màu sơn, đèn nhận diện chung cho xe đưa đón học sinh, hoặc có thể thay bằng việc dán chữ xe đưa đón học sinh ở thân xe để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện. Bởi hiện số lượng xe đưa đón học sinh rất lớn, việc phải sơn lại màu, trang bị đèn sẽ tốn kém nhiều chi phí.

Theo ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, nếu so sánh với việc tự đưa con đi học, hoặc thuê xe ôm chắc chắn mô hình xe buýt trường học đem lại hiệu quả cao hơn, lại tiết kiệm thời gian cho các bậc phụ huynh. Mô hình này còn góp phần quản lý chặt hơn việc học sinh tự đi xe máy tới trường.

Ông Lê Tuấn Giang, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Yên Bái cho rằng, để loại hình vận tải này phát triển chuyên nghiệp, an toàn, cần có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp trong đầu tư phương tiện, vận hành.

Đồng quan điểm, TS Hiếu cho biết nên có cơ chế hỗ trợ đặc thù, thậm chí trợ giá đối với các đơn vị vận tải để khuyến khích họ. Ngoài ra, cần có lộ trình thực hiện rõ ràng, có thể xem xét thí điểm để điều chỉnh hợp lý.

Xe chở học sinh chỉ được chở học sinh?

Ông Lê Hoàn, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM thông tin, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 22 trường ký kết với Trung tâm tổ chức xe đưa rước học sinh. Ông cho rằng, xe đưa đón học sinh không cần có màu sơn riêng vì sẽ gây khó khăn cho các đơn vị vận tải.

"Họ không chỉ đưa đón học sinh mà còn kinh doanh vận tải, ký hợp đồng chở thuê. Nếu quy định màu sơn, có thể ảnh hưởng đến mức giá ký kết với các trường", ông Hoàn góp ý.

Tuy nhiên, theo thượng tá Phạm Việt Công, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, thời gian tới, nhu cầu sử dụng dịch vụ xe đưa, đón học sinh sẽ ngày càng nở rộ. Do đó, cần thiết phải có những quy định cụ thể để quản lý về an toàn, chất lượng phương tiện, người lái với những đặc thù riêng.

"Những phương tiện này chỉ được phục vụ học sinh, không được tham gia kinh doanh vận tải nào khác. Khi các xe hoạt động có luồng tuyến rõ ràng, cơ quan quản lý, lực lượng chức năng dễ dàng giám sát vi phạm", ông Công nói.

Yến Chi


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.