Đăng kiểm

Sửa quy định về phân cấp và đóng tàu thủy cao tốc

17/10/2023, 12:01

Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa cao tốc.

Đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp

Bộ GTVT cho biết, quy phạm phân cấp và đóng tàu thủy cao tốc do Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) biên soạn. Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường chất lượng đề nghị Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường ban hành vào năm 1998 có số hiệu tiêu chuẩn là TCVN 6541. Qua thời gian bộ quy phạm này được bổ sung, sửa đổi và ban hành lại vào năm 2004.

Sửa quy định về phân cấp và đóng tàu thuỷ cao tốc - Ảnh 1.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa cao tốc được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong sản xuất kinh doanh của cá nhân và doanh nghiệp (ảnh minh họa).

Đến năm 2006, quốc hội thông qua Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Theo yêu cầu của luật này, quy phạm phân cấp và đóng tàu thủy cao tốc thuộc đối tượng phải chuyển đổi sang quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Ngày 22/05/2013, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu thủy cao tốc có số hiệu QCVN 54:2013/BGTVT đã được Bộ GTVT ban hành theo Thông tư số 11/2013 thay thế cho Quy phạm phân cấp và đóng tàu thủy cao tốc.

Từ khi chuyển đổi vào năm 2015, Cục ĐKVN đã biên soạn và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển cao tốc có mã số QCVN 54:2015/BGTVT.

Do đó, kể từ năm 2015, QCVN 54:2013 chỉ còn được áp dụng cho phương tiện thủy nội địa. Đến năm 2017, QCVN 54: 2013 được đưa vào kế hoạch cập nhật, bổ sung, xây dựng mới tiêu chuẩn, quy chuẩn của Bộ GTVT.

Hiện tại, bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển đã ban hành phiên bản năm 2019 trong khi đó phương tiện thủy nội địa vẫn đang áp dụng phiên bản năm 2013, dẫn đến nhiều quy định tiên tiến liên quan đến nội dung thiết kế và kiểm tra tàu thủy cao tốc chưa được cập nhật.

Vì vậy, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa cao tốc cần phải được xây dựng và ban hành sớm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong sản xuất kinh doanh của cá nhân và doanh nghiệp.

Ban soạn thảo cho biết thêm, xác định mục tiêu phải nâng cao chất lượng thiết kế và đóng tàu thông qua công tác thẩm định thiết kế, chế tạo sản phẩm công nghiệp và kiểm tra tàu trong đóng mới cũng như trong quá trình khai thác, việc đầu tiên phải xây dựng được bộ quy chuẩn vừa phù hợp thực tế đóng tàu trong nước vừa đảm bảo các yếu tố về an toàn và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Để thực hiện các mục tiêu trên, tổ biên soạn đã tham khảo các quy định các tổ chức đăng kiểm tiên tiến trên thế giới như Na Uy, Balan, Pháp, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, các tiêu chuẩn của tổ chức tiêu chuẩn quốc tế ISO để làm căn cứ bổ sung sửa đổi.

Tại lần sửa đổi này, quy chuẩn mới được sửa đổi, bổ sung các yêu cầu chi tiết hơn đối với các động cơ đặt ngoài tàu, động cơ sử dụng nhiên liệu có điểm chớp cháy thấp, yêu cầu đặc biệt đối với các tàu có kích thước nhỏ được thiết kế theo tiêu chuẩn của Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế ISO nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp liên quan đến việc sản xuất, nhập khẩu và vận hành các loại tàu này.

Sửa quy định về phân cấp và đóng tàu thuỷ cao tốc - Ảnh 2.

Quy chuẩn mới đề xuất bổ sung khái niệm và yêu cầu đối với tàu cao tốc hở (ảnh minh họa).

Bổ sung quy định về tàu hở

Tại quy chuẩn mới, Bộ GTVT đề xuất bổ sung khái niệm tàu hở. Theo đó, tàu hở là tàu không có boong hoặc không có mui che phía trên, nước có thể lọt vào được trong tàu khi có sóng và mưa.

Đồng thời, bổ sung yêu cầu đối với tàu hở, chỉ được phép hoạt động trong vùng SI trở xuống nhằm hạn chế phạm vi áp dụng đối với các tàu cao tốc hở.

Quy chuẩn mới cũng bổ sung chi tiết một số quy định về thử đường dài; Yêu cầu cho phép bố trí vách chống va dạng khác (theo yêu cầu của Đăng kiểm RINA – Ý); Sửa đổi công thức tính toán gia tốc thẳng đứng thiết kế, đổi cách tính toán sức bền của cửa sổ (theo sửa đổi mới nhất của Đăng kiểm DNV – Na Uy); Sửa đổi cách tính toán lựa chọn sức bền xích neo, dây buộc và kéo tàu theo sửa đổi của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển cao tốc QCVN 54:2019/BGTVT.

Tham khảo Quy phạm tàu ven biển của CCS (Trung Quốc), quy chuẩn mới cũng bổ sung yêu cầu đối với động cơ ngoài; Yêu cầu với két dầu đốt có nhiệt độ chớp cháy dưới 43 độ C; Yêu cầu về phòng phát hiện và chữa cháy đối với tàu có trang bị động cơ ngoài và Sửa đổi trang bị chữa cháy.

Theo đó, phương tiện thủy nội địa cao tốc phải trang bị hệ thống tự động phát hiện cháy và báo cháy cố định trong không gian buồng máy đối với không gian buồng máy không có người trực, ngoài ra, bên ngoài không gian buồng máy, trong không gian công cộng, trạm điều khiển, khu vực sinh hoạt thuyền viên đối với tàu có chiều dài lớn hơn 30m phải trang bị thiết bị báo cháy bằng tay.

Ngoài ra còn sửa đổi yêu cầu đối với thiết bị cứu sinh, các thiết bị tín hiệu theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa QCVN 72:2022/BGTVT. Sửa đổi định mức trang bị thiết bị vô tuyến điện theo thực tế vùng hoạt động của tàu nhằm đảm bảo việc thông tin liên lạc và trợ giúp trong quá trình hàng hải cũng như hỗ trợ công tác báo nguy, tìm kiếm cứu nạn.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này áp dụng để phân cấp và kiểm tra phương tiện thủy nội địa cao tốc (viết tắt là tàu) hoạt động trên đường thủy nội địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Cục Đăng kiểm VN kiểm tra và phân cấp.

Quy chuẩn này không áp dụng cho các tàu dầu, tàu chở xô khí hóa lỏng, tàu chở xô hóa chất nguy hiểm, tàu phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh và tàu cá.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.