Đường bộ

Tài xế bớt hồi hộp khi qua đèo Ngoạn Mục

02/04/2024, 10:40

Đèo Ngoạn Mục (đèo Sông Pha) trên tuyến quốc lộ 27 có nhiều vị trí hàng năm thường xuyên sạt lở. Sau khi được cải tạo nâng cấp, tài xế lưu thông qua đây đã yên tâm hơn, song nguy cơ sạt lở vẫn hiện hữu, nhất là vào mùa mưa bão.

Lo nguy cơ sạt lở rình rập

Đèo Ngoạn Mục là cung đường nối hai tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng với những khúc cua tay áo ngoặt liên tục. Chính vì thế nó cũng là con đường có nhiều nguy cơ mất ATGT.

Tài xế bớt hồi hộp khi qua đèo Ngoạn Mục- Ảnh 1.

Một khúc cua tay áo trên đèo Ngoạn Mục đoạn qua huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận).

Sau khi Báo Giao thông có loạt bài phản ánh về tình trạng mất an toàn giao thông do tình trạng "xẻ thịt" hành lang đường, lấn chiếm làm hàng quán trên tuyến đèo, cơ quan chức năng địa phương đã vào cuộc quyết liệt. Đến nay, các vị trí cơi nới, lấn chiếm đã được rào hộ lan. Hành lang đường bộ được giải tỏa, mặt đường thoáng hơn, chưa phát sinh các trường hợp tái lấn chiếm so với hồi cuối tháng 3.

Ghi nhận của PV cho thấy, tuyến đèo được mở rộng hai làn xe chạy, mặt đường êm thuận. Tuy nhiên, với đặc điểm đường đèo với một bên vực sâu, một bên vách đá, nỗi lo sạt lở luôn thường trực với các tài xế thường xuyên lưu thông qua đây.

Theo anh Lê Hiền, tài xế xe tải chuyên chạy tuyến Phan Rang – Đà Lạt, cung đường đèo Ngoạn Mục có bốn khúc cua tay áo rất gấp, một bên là bờ vực dốc dựng đứng. Khi đường đèo chưa được sửa chữa, mở rộng, hầu hết phương tiện gặp nạn đều rơi xuống vực sâu.

Đến nay, sau khi đường đèo được mở rộng, các vị trí khúc cua gắt đều có hốc cứu nạn, cơ quan chức năng mạnh tay xử lý giải tỏa lấn chiếm các trường hợp buôn bán lấn chiếm dưới chân đèo nên tài xế đã bớt căng thẳng, hồi hộp hơn trước rất nhiều.

"Đường được mở rộng, ô tô, xe khách du lịch nườm nượp qua lại. Nhưng vào mùa mưa, nguy cơ sạt lở vẫn khiến chúng tôi lo lắng. Dọc tuyến có thể quan sát nhiều đoạn các tảng đá, gốc cây trơ gốc chực chờ lao xuống đường khi gặp mưa to, gió lớn. Rất nguy hiểm", tài xế Hiền bày tỏ.

Khẩn trương gia cố, xử lý nhiều vị trí

Theo ông Đặng Đức Nhã, Phó giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Phan Đình (đơn vị bảo trì tuyến), vào mùa mưa, đoạn đèo qua địa phận tỉnh Ninh Thuận rất hay xảy ra sạt lở. Riêng cơn mưa vào giữa tháng 10/2023 đã khiến 13 vị trí trên đèo bị sạt lở đất đá, làm hư hại ta luy. Cụ thể mưa lớn đã làm sạt lở đất đá taluy dương, taluy âm tại các vị trí Km 207+260, Km 208+930, Km 211+140, Km 214+050, Km 217+350...

Tài xế bớt hồi hộp khi qua đèo Ngoạn Mục- Ảnh 2.

Một vị trí tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đoạn qua xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn.

Đoạn xảy ra sạt lở thuộc địa phận xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận). Khối lượng đất đá sạt lở ước tính hơn 2.200m3. Đất đá sạt tràn xuống đường tuy không gây ách tắc giao thông nhưng tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Để đảm bảo an toàn, đơn vị bảo trì đã lắp đặt thêm biển báo, cọc tiêu, tăng cường báo hiệu và lắp đặt hơn 3.000 trụ hộ lan mềm có dán giấy phản quang, cảnh báo các điểm sạt lở.

Ngoài ra, trên đèo có 3 vị trí đường lánh cứu nạn. "Qua khảo sát, đơn vị bảo trì đã đề xuất Khu quản lý đường bộ IV cần gia cố, xử lý nhiều vị trí tiềm ẩn, trong đó 7 vị trí có nguy cơ sạt lở cao cần được triển khai ngay để phòng chống nguy cơ sụt trượt trong trong mùa mưa bão sắp tới", ông Nhã nói.

Thiếu tá Lê Trường Vinh, Phó trưởng trạm tuần tra kiểm soát giao thông số 1 (Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Thuận) cho biết, mới đây, Trạm đã kiến nghị đơn vị quản lý tuyến xử lý các vị trí có nguy cơ sạt trượt đất, đá, cây xanh xuống đường đèo như Km 214+050, Km 217+350, Km 217+410.

Ông Bùi Duy Anh, Trưởng văn phòng Quản lý đường bộ IV.1 (QLĐB IV.1) cho biết, trước năm 2015 đường đèo Ngoạn Mục xuống cấp, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Thậm chí, có xe lao xuống vực sâu gây thương vong lớn. Khi dự án cải tạo, mở rộng tuyến đèo hoàn thành đã cơ bản đảm bảo an toàn. Đến nay chưa ghi nhận thêm vụ tai nạn nghiêm trọng nào.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, mưa bão bất thường, tình trạng sạt lở gây ách tắc giao thông có nguy cơ lớn. "Trên tuyến đã đưa vào hoạt động 3 vị trí đường lánh nạn tại các vị trí đường cong, biển báo được lắp đầy đủ. Để phòng chống sạt lở vào mùa mưa bão, chúng tôi đã lên kế hoạch bố trí nhân sự phối hợp đơn vị quản lý tuyến để kịp thời ứng phó giải quyết các sự cố", ông Duy Anh cho hay.

Đèo Ngoạn Mục (đèo Sông Pha) trên quốc lộ 27 kết nối huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) và huyện Đơn Dương (Lâm Đồng). Trên đèo có 4 khúc cua tay áo, được coi là một trong những con đèo đẹp và nguy hiểm nhất Việt Nam.

Đây là tuyến giao thông quan trọng kết nối Đà Lạt và các tỉnh Tây Nguyên với vùng duyên hải Nam Trung Bộ.



Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.