Xã hội

Tăng lương để ngăn tham nhũng vặt, sách nhiễu

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng), những tiêu cực xã hội có nguyên nhân rất lớn là thu nhập không bảo đảm cho đời sống, dẫn đến những hành vi tham nhũng vặt, sách nhiễu.

Lương mới ra trường 3-3,5 triệu đồng/tháng thì sống sao?

Khi thực hiện cải cách tiền lương, khu vực công sẽ không tính lương theo hệ số nữa mà có bảng chức vụ, chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị (bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp công lập) từ Trung ương đến cấp xã; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo và bảng lương đối với lực lượng vũ trang.

Tăng lương để ngăn tham nhũng vặt, sách nhiễu - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng).

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 là điều mong mỏi nhất đối với đội ngũ công chức, viên chức. 

Đại biểu đặc biệt lưu ý, từ kinh nghiệm trước đây có thể thấy, những tiêu cực xã hội có nguyên nhân rất lớn là thu nhập không bảo đảm cho đời sống, dẫn đến những hành vi không chuẩn mực như tham nhũng vặt hay gây sách nhiễu.

"Khi tiến hành xử lý kỷ luật đã phát hiện một nguyên nhân lớn và hết sức quan trọng liên quan đến thu nhập. Một sinh viên ra trường, với 6-7 năm của ngành y hay hơn 4 năm với một cử nhân các ngành bình thường ra, nhưng lương chỉ 3-3,5 triệu đồng/tháng. Lương như vậy thì làm sao để sống tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM", đại biểu Nguyễn Tạo nêu vấn đề.

Theo đại biểu đoàn Lâm Đồng, cải cách tiền lương hướng tới lương, mức độ thưởng, mức độ phân công công việc đảm bảo công bằng. Từ đó, tạo ra sự công bằng trong thu nhập của những lao động cùng nhóm. 

Điều này sẽ là một luồng chính sách tạo dựng sự an tâm rất lớn cho các cán bộ, công chức hiện nay. Đồng thời, các bộ máy Nhà nước sẽ tính đến việc tinh giản biên chế sao cho gọn nhẹ và phát huy từng cá nhân một. Từ đó, bảo đảm vị trí việc làm, đúng người đúng việc, đúng hưởng thụ.

Chính phủ đã có nguồn lực chuẩn bị cho cải cách tiền lương, khoảng 500.000 tỷ đồng, cho lộ trình từ nay đến năm 2030. Ngoài cải cách, điều này tạo ra một sân chơi rất công bằng để thu hút lực lượng lao động có trí tuệ.

Đề cập phụ cấp đặc thù, đại biểu Nguyễn Tạo nêu cụ thể, công chức, viên chức sẽ có 70% lương cứng, còn lại là 20% của chuyên trách chuyên ngành và 10% là khen thưởng.

"Chúng ta có ngành đặc thù và có phụ cấp. Ví dụ, chính tôi có phụ cấp của người làm nghị sĩ chuyên trách. Với những ngành đặc thù khác như bác sĩ y học hạt nhân, thì hàng ngày tiếp xúc như vậy phải có phụ cấp tương xứng với công việc. Hay những công việc phải thực hiện trong điều kiện khắc nghiệt thì những người đó phải có chế độ tương quan, phụ cấp độc hại... chứ không thể cào bằng phụ cấp. Như vậy mới có thể đảm bảo công bằng”, ông Nguyễn Tạo nói.

Tăng lương để ngăn tham nhũng vặt, sách nhiễu - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương).

Cải cách tiền lương không đơn thuần là tăng lương

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đánh giá, nội dung cải cách tiền lương nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri và nhân dân.

Đặc biệt, với bộ phận cán bộ, công chức viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thì đây là nội dung được kỳ vọng rất lớn. Theo đánh giá với cách tính lương hiện nay thì tiền lương của những đối tượng này đang rất ít ỏi, lạc hậu so với mặt bằng giá cả và cuộc sống nói chung.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, cải cách tiền lương không đơn thuần là tăng lương, mà đây là cách tính lương mới không theo thang bảng lương cũ. Tiền lương sẽ không được xếp theo thang bảng lương cũ và tăng dần theo thời gian cán bộ, công chức viên chức làm việc. Điều quan trọng là lương được xếp theo yêu cầu công việc.

"Với một vị trí việc làm nhất định, tiền lương sẽ được ấn định là bao nhiêu và không phụ thuộc vào việc cán bộ, công chức viên chức đó đã có bao nhiêu năm kinh nghiệm, bao nhiêu năm công tác", đại biểu Việt Nga cho biết.

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa, ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho hay, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét về việc cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024. Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ được tăng lương từ 1/7/2024.

"Vậy còn khu vực ngoài nhà nước thì sao?", đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đặt vấn đề, đồng thời cho rằng, mức lương của người lao động hiện tại chưa đáp ứng được điều kiện sống của phần lớn người lao động hiện nay, cũng như chưa bù đắp được phần trượt giá trong thời gian qua.

Vì vậy, đại biểu bày tỏ mong muốn Hội đồng tiền lương quốc gia sớm thương lượng để trình Chính phủ việc tăng mức lương cơ sở và tốt nhất là thực hiện từ ngày 1/1/2024, nếu không được thì cần phải thực hiện đồng thời với việc tăng lương trong khu vực công (từ 1/7/2024) để đảm bảo sự cân đối, hài hòa giữa các khu vực.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.