Chuyện dọc đường

Thấy gì từ phiên đấu giá biển số xe đầu tiên?

19/09/2023, 05:58

Kết thúc phiên đấu giá 11 biển số xe ô tô lần đầu tiên vào ngày 15/9 vừa qua, Bộ Công an công bố tổng số tiền trúng đấu trả giá là hơn 82,3 tỷ đồng.

Trong đó, biển số 51K-888.88 đấu giá cao nhất với 32,34 tỷ đồng. Con số này khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Sau khi người tham gia đấu giá hoàn tất thủ tục và thanh toán chi phí, toàn bộ số tiền hơn 82,3 tỷ đồng trên sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước. Đây là một thành công bước đầu khi triển khai việc đấu giá biển số xe.

photo-1695046607469

Biển số 51K-888.88 được chốt ở mức 32,34 tỷ đồng, giá cao nhất trong 11 biển số xe trong phiên đấu giá đầu tiên.

Pháp luật không có quy định cụ thể nào định nghĩa biển số đẹp hay biển số xấu. Tuy nhiên, nhiều người có nhu cầu sở hữu biển số xe theo sở thích. Họ tự định nghĩa ra biển số đẹp như: "ngũ quý", "lộc phát", "độc nhất vô nhị" hay "tiến dần đều"…

Biển số xe là một loại hình tài sản mà mọi người dân đều có quyền sở hữu. Riêng với biển số đẹp, nhiều người có quan niệm đây là một dạng tài nguyên có giá trị cao về mặt tinh thần.

Khi việc bấm ngẫu nhiên ít có cơ hội chọn được biển số đẹp, thì họ chọn biển số theo sở thích thông qua hoạt động đấu giá, trả tiền để sở hữu biển số đáp ứng sở thích của nhiều người. 

Điều này có sức hút rất lớn đối với những ai muốn sở hữu biển số theo nhu cầu. Do đó, phải khẳng định, việc đấu giá biển số xe mang lại rất nhiều lợi ích cho Nhà nước.

Có thể thấy, sở hữu biển số đẹp là nhu cầu có thực trong xã hội. Và nếu được triển khai sớm hơn, có lẽ Nhà nước đã thu được một khoản tiền lớn hơn rất nhiều.

Với nhu cầu về biển số đẹp như hiện nay, dự kiến nguồn thu từ đấu giá biển số là không hề nhỏ. Số tiền này nếu được sử dụng hợp lý, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông sẽ rất ý nghĩa và hiệu quả.

Triển khai đấu giá biển số xe còn triệt tiêu những tiêu cực (nếu có) trong công tác đăng ký, cấp biển số xe. Hiện việc cấp biển số xe thực hiện bằng hình thức ngẫu nhiên, nhưng nếu vì động cơ vụ lợi, cán bộ có thẩm quyền vẫn có thể can thiệp.

Điển hình là vụ việc 3 cựu cán bộ CSGT ở tỉnh An Giang bị bắt vì can thiệp vào phần mềm để cấp biển số xe đẹp. Hay như lùm xùm về việc 4 biển số xe đẹp được cấp cùng ngày tại Đồng Tháp, hiện đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ…

Có thể thấy, sau thành công của hoạt động đấu giá biển số xe, các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể nhân rộng mô hình, áp dụng việc đấu giá các tài sản khác, như SIM số đẹp chẳng hạn. Điều đó sẽ giúp ngân sách có thêm nguồn lực không nhỏ để thực hiện nhiều việc.

Tuy nhiên, để các hoạt động đấu giá tài sản hiệu quả và tránh thất thoát, nhà chức trách phải đảm bảo hai yếu tố cốt lõi, đó là công khai và minh bạch.

Bên cạnh đó, cần phải có biện pháp ngăn chặn vấn nạn gian lận trong đấu giá. Điển hình là việc bỏ cọc hoặc dìm giá, cố tình trả giá cao rồi từ chối thanh toán trong thời hạn quy định. Giả sử người trúng đấu giá biển số hơn 32 tỷ đồng kia bỏ cọc, họ cũng chẳng mất gì ngoài 40 triệu đồng đã đặt.

Một trong những biện pháp trước mắt, có thể xem xét nâng mức chi phí đặt cọc cao hơn hiện nay, hoặc yêu cầu người đấu giá chỉ được trả giá theo số tiền thực tế mà họ sở hữu (có bao nhiêu tiền thì trả giá tối đa bấy nhiêu). Điều này sẽ giúp người tham gia có trách nhiệm hơn trong mỗi cuộc đấu giá.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.