Đường bộ

Thông xe cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt, Cam Lâm-Vĩnh Hảo: Hành trình ngắn lại, cơ hội mở ra

26/04/2024, 06:07

Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo là hai đoạn tuyến cuối cùng thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1.

Được triển khai theo hình thức PPP, quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, tuy nhiên, với tinh thần "chỉ bàn tiến, không bàn lùi", thi công "3 ca, 4 kíp" hai dự án sẽ kịp thông xe phục vụ người dân đúng dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 tới.

Đường từ Hà Nội về Vinh ngắn lại

Sau khi tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu hoàn thành, thời gian di chuyển ô tô từ Hà Nội về Vinh, Nghệ An chỉ còn 3,5 giờ thay vì mất hơn 5 giờ như trước. 

Khoảng thời gian này sẽ được tiếp tục rút ngắn khi dịp 30/4, cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt được đưa vào khai thác đến quốc lộ 46B, ngay sát TP Vinh.

Thông xe cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt, Cam Lâm-Vĩnh Hảo: Hành trình ngắn lại, cơ hội mở ra- Ảnh 1.

Toàn cảnh 30km đầu tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt sắp thông xe.

Ngày 16/4, thời điểm chỉ còn chưa đầy nửa tháng trước khi diễn ra lễ thông xe, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trực tiếp kiểm tra hiện trường thi công cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. 

Tại đây, Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hai dự án Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo (2 dự án cao tốc cuối cùng của giai đoạn 1) thông xe và khánh thành vào dịp 30/4 - 1/5.

Vì vậy, tất cả phải phát huy tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", đề xuất giải pháp đưa dự án vào khai thác phục vụ người dân. 

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có nhiều chuyến kiểm tra công trường, chỉ đạo các giải pháp đảm bảo tiến độ. Đồng thời, ông yêu cầu các đơn vị liên quan quyết tâm đưa dự án Diễn Châu – Bãi Vọt và Cam Lâm – Vĩnh Hảo hoàn thành dịp 30/4, chào mừng ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Quá trình thi công dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cùng lãnh đạo Bộ GTVT liên tục có các chuyến kiểm tra công trường, đốc thúc tiến độ, trực tiếp tháo gỡ những vướng mắc, gợi mở cách làm để chủ đầu tư, nhà thầu đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án.

Ngày 25/4, trước thời điểm diễn ra lễ thông xe 3 ngày, có mặt tại đoạn 29km đầu tuyến dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, PV Báo Giao thông ghi nhận, cả nghìn công nhân cùng nhiều máy móc thiết bị đang khẩn trương hoàn thành các hạng mục cuối cùng.

Thông xe cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt, Cam Lâm-Vĩnh Hảo: Hành trình ngắn lại, cơ hội mở ra- Ảnh 2.

Cao tốc Bắc Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt là một trong ba dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn I (2017 – 2020) triển khai theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Ông Trương Đức Liên, Phó giám đốc Công ty CP Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) cho biết, dự án khởi công vào tháng 5/2021. 

Tuy nhiên, phải đến ngày 12/2/2022, hợp đồng tín dụng mới được ký kết với số vốn vay 3.560 tỷ đồng. 

Việc thi công đúng thời điểm giá nhiên vật liệu tăng phi mã; nhiều đoạn tuyến có nền đất yếu, địa chất phức tạp khiến nhà đầu tư, nhà thầu càng thêm khó khăn.

Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT, cùng với sự nỗ lực của nhà đầu tư và các nhà thầu, dự án đã về đích đúng hẹn.

Ông Phùng Thế Vinh, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT cho biết, dự án có tới 5 nhà đầu tư, giai đoạn đầu, việc kết nối của 5 nhà đầu tư có một số khó khăn. 

Tuy nhiên, rất nhanh sau đó các nhà đầu tư đã cùng nỗ lực để cùng nhau đưa dự án về đích đúng tiến độ.

Vượt khó về đích

Với tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đây là một trong ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Thông xe cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt, Cam Lâm-Vĩnh Hảo: Hành trình ngắn lại, cơ hội mở ra- Ảnh 3.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thông xe, đi ô tô từ TP.HCM về Nha Trang chỉ còn 5 giờ thay vì mất 8 giờ nếu đi quốc lộ 1.

Suốt quá trình triển khai thi công dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cùng lãnh đạo Bộ GTVT cũng rất nhiều lần trực tiếp thị sát, đốc thúc tiến độ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc giúp việc thi công đảm bảo tiến độ và chất lượng. Những chuyến thị sát công trường diễn ra bất kể ngày lễ, Tết hay cuối tuần.

Kể về quá trình thi công dự án, ông Nguyễn Văn Ngợi, Phó tổng giám đốc Công ty 194 (thành viên Liên danh Đèo Cả - Công ty 194) cho biết, thời điểm khởi công dự án, dịch Covid-19 vẫn đang rất phức tạp. 

Quá trình đàm phán ký hợp đồng, lãnh đạo công ty không thể ra Hà Nội, toàn bộ quy trình đàm phán ký hợp đồng đều phải làm việc trực tuyến. 

Sau khi ký hợp đồng, công tác huy động thiết bị máy móc, nhân sự gặp nhiều trắc trở do dịch kéo dài các địa phương hạn chế đi lại.

Khi dịch qua đi, nhà đầu tư huy động dồn lực thi công, xác định các đường găng dự án. 

Trên tuyến có hai cầu rất lớn địa phận tỉnh Khánh Hòa, qua đồi núi trùng điệp nên đường vận chuyển vật tư, lương thực, thực phẩm rất khó khăn. 

Những khó khăn về địa chất, khan hiếm vật tư vật liệu cũng đòi hỏi nhà thầu phải có phương án thi công hợp lý.

Thông xe cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt, Cam Lâm-Vĩnh Hảo: Hành trình ngắn lại, cơ hội mở ra- Ảnh 4.

Công nhân hối hả thi công lắp đặt trạm dừng nghỉ tạm trên cao tốc.

Ông Đặng Tiến Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho rằng, khó khăn lớn nhất là đường găng hầm núi Vung (Tập đoàn Đèo Cả thi công). Đây là hầm dài hơn 2,2km có địa chất phức tạp dài nhất cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1.

Đặc biệt, địa chất tại hầm núi Vung thực tế sai khác rất nhiều so với hồ sơ thiết kế (một số vị trí có địa chất quá yếu...), các công trình cầu có trụ cao trên 50m, quá trình thi công phát sinh khối lượng lớn đào phá đá nền đường, nên nhiều thời điểm dự án có nguy cơ không thể hoàn thành theo đúng kế hoạch.

Tuy nhiên, với nỗ lực vượt khó của các nhà thầu thi công, cuối cùng dự án đã vượt qua khó khăn, về đích đúng theo cam kết.

Hoàn thiện kết nối, đón cơ hội

Ông Nguyễn Quang Tiêu, Phó chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An nhận định: "Năm nay sẽ là một thắng lợi lớn với du lịch biển Cửa Lò". 

Cơ sở để ông Tiêu tự tin như vậy là bởi hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông về với Nghệ An nói chung và về với Cửa Lò nói riêng đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ, bài bản.

Thông xe cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt, Cam Lâm-Vĩnh Hảo: Hành trình ngắn lại, cơ hội mở ra- Ảnh 5.

Với hai đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo được đưa vào khai thác dịp 30/4 (tổng chiều dài 129km), cả nước đã có 1.206km cao tốc trên trục Bắc - Nam. Đồ hoạ: Nguyễn Tường. Ảnh: Vĩnh Phú.

Ngoài các tuyến quốc lộ 1, sân bay, ga tàu về đến Vinh thì hệ thống đường cao tốc cũng đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng đến quốc lộ 7A đoạn Diễn Châu, từ ngày 30/4 sẽ thông xe đến TP Vinh. 

Hệ thống đường giao thông từ TP Vinh xuống Cửa Lò thời gian qua cũng đã được Bộ GTVT, tỉnh Nghệ An đầu tư rất nhiều.

Ngoài các tuyến quốc lộ 46A, 46C (đường ven sông Lam), đường tỉnh 535, tuyến đại lộ Vinh – Cửa Lò đã rút ngắn khoảng cách, thời gian từ Vinh xuống Cửa Lò chỉ còn khoảng 10 - 15 phút. 

Ngoài ra, du khách cũng từ Nghi Lộc theo các tuyến quốc lộ 48E, đường tỉnh 536 để về với Cửa Lò.

Đón đầu cơ hội, vừa qua Cửa Lò đã tập trung chỉnh trang các tuyến giao thông trọng điểm như đường Bình Minh, kè dạo bộ, bãi biển… 

Năm 2024, thị xã đặt mục tiêu đón 4,15 triệu lượt khách du lịch, tăng 15% so với năm 2023; khách lưu trú đạt 1,45 triệu lượt khách, tăng 15% so với năm 2023; doanh thu dịch vụ du lịch đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023.

Ông Lê Tiến Trị, Trưởng ban Khu Kinh tế Nghệ An cũng bày tỏ, cùng với các dự án cao tốc đã đưa vào sử dụng trước đó, cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt sẽ mở ra nhiều kỳ vọng phát triển cho tỉnh Nghệ An. 

Đầu tiên phải kể đến là rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển cho người dân xứ Nghệ với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. 

Ngoài ra, 2 nút giao lên xuống quốc lộ 7C (đường N5) và 46B đều kết nối trực tiếp với các khu công nghiệp như VSIP, WHA, Nam Cấm; hay các khu công nghiệp gần đó là Thọ Lộc và VSIP 2… tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư.

Cũng theo ông Trị, vừa qua tỉnh Nghệ An cũng đã đề xuất xây dựng thêm 1 nút giao lên xuống tại đường N2 (huyện Diễn Châu) để kết nối trực tiếp với khu công nghiệp Thọ Lộc, VSIP 2…

Động lực phát triển các tỉnh Nam Trung Bộ

Ghi nhận của PV, sau thông xe đoạn cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và Phan Thiết – Vĩnh Hảo qua hai tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận đã hút lượng lớn xe trên quốc lộ 1 đi vào cao tốc.

Thông xe cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt, Cam Lâm-Vĩnh Hảo: Hành trình ngắn lại, cơ hội mở ra- Ảnh 6.

Hầm núi Vung trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẵn sàng thông xe.

Vào các ngày nghỉ lễ, Tết, tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây trở nên quá tải bởi hầu hết ô tô đều chọn lộ trình đi cao tốc, do tiết kiệm thời gian so với trước, chỉ còn khoảng 2 giờ thay vì 4 - 5 giờ, rút ngắn đáng kể lộ trình từ TP.HCM đi Bình Thuận.

Tại Ninh Thuận, trước đây nếu đi theo quốc lộ 1 để đến biển Cà Ná, các khu du lịch trên trục đường ven biển qua địa bàn tỉnh này phải mất 7 – 8 giờ chạy xe. 

Theo giới tài xế, sau thông xe đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, thời gian được rút ngắn chỉ còn khoảng 4 giờ.

Ông Lê Diệp Thanh Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, sự kiện thông xe cao tốc là dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của du lịch tỉnh Ninh Thuận.

Từ ngày thông xe đoạn cao tốc từ TP.HCM đến Vĩnh Hảo, lượng du khách đến hai tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận ngày càng tăng cao. 

Nay đoạn cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo được thông xe sẽ kéo thêm lượng khách đến các khu du lịch ven biển nổi tiếng ở Ninh Thuận như vịnh Vĩnh Hy, Vườn Quốc gia Núi Chúa, các khu du lịch sinh thái.

Ông Lê Huyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định, việc thông xe đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo khớp nối đoạn cao tốc từ TP.HCM đến Khánh Hòa là sự kiện có dấu mốc có ý nghĩa quan trọng các tỉnh Nam Trung Bộ nói chung và Ninh Thuận nói riêng.

Trước đây từ TP.HCM đến Ninh Thuận phải mất từ 7 - 8 giờ. Nay thông xe cao tốc thời gian rút ngắn chỉ còn khoảng 3,5 giờ. 

Đoạn cao tốc nối dài từ TP.HCM đến Khánh Hòa hình thành sẽ thúc đẩy mạnh hoạt động vận tải thông suốt, rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận chuyển từ tỉnh Ninh Thuận đến TP.HCM và ngược lại.

"Giao thông thuận lợi, tỉnh đang tập trung kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm như dự án cảng cạn và trung tâm dịch vụ logistics, dự án tổng kho xăng dầu Cà Ná, tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối, nhà máy sản xuất Hydrogen", ông Lê Huyền thông tin.

Rút ngắn thời gian di chuyển

Tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt dài hơn 49km đi qua tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, thông xe khoảng 30km từ đầu tuyến đến nút giao với quốc lộ 46B dịp 30/4. Đoạn còn lại 19km có nền đất yếu cần thời gian chờ gia tải nên hoàn thành sau.

Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt được khởi công tháng 5/2021, với tổng vốn đầu tư hơn 11.150 tỷ đồng, đoạn qua Nghệ An dài 44,4km, Hà Tĩnh dài 4,9km.

Khi thông tuyến, thời gian từ Hà Nội về TP Vinh (Nghệ An) còn 3,5 giờ thay vì mất 5 giờ nếu đi quốc lộ 1.

Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng, hoàn thành sớm hơn một tháng so với kế hoạch.

Sau khi thông xe, quãng đường từ TP.HCM đến thành phố du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) được rút ngắn còn gần 5 giờ đi ô tô, thay vì mất 8 giờ nếu đi quốc lộ 1.

Dự án có chiều dài 78,5km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa (gần 5km), Ninh Thuận (63km), Bình Thuận (gần 12km), do liên doanh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty 194 làm nhà đầu tư.

Đi cao tốc, dừng nghỉ ở đâu?

Bộ GTVT vừa có văn bản chỉ đạo cơ quan đơn vị tổ chức các điểm dừng nghỉ tạm dọc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Thông xe cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt, Cam Lâm-Vĩnh Hảo: Hành trình ngắn lại, cơ hội mở ra- Ảnh 7.

Trạm dừng nghỉ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo phục vụ wifi, phát nước suối miễn phí cho tài xế ghé trạm.

Trong đó, đoạn từ Hà Nội đến Vinh chiều dài khoảng 280km đã có 5 trạm dừng nghỉ với khoảng cách trung bình 50 - 60km bố trí một trạm dừng nghỉ/trạm tạm.

Cụ thể, đoạn từ cao tốc Pháp Vân đến Cao Bồ đã có 2 trạm dừng nghỉ đang khai thác của VEC (Km 227+000 tỉnh Hà Nam) và Xuân Khiêm (Km 269 tỉnh Ninh Bình).

Từ trạm Xuân Khiêm đến QL46B bố trí 3 vị trí trạm đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 (Km 329+700); đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu tại cửa hầm Trường Vinh (Km 386+360) và đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt tại cửa hầm Thần Vũ (Km 438). Mỗi vị trí bố trí trạm trái tuyến và phải tuyến.

Đối với đoạn từ Nha Trang đến TP.HCM có chiều dài khoảng 400km đã có 5 trạm/nút giao với khoảng cách trung bình 70 - 80km bố trí một trạm.

Cụ thể, 3 vị trí trạm dừng nghỉ tạm được bố trí trên các đoạn: Nha Trang - Cam Lâm tại Km 33; Cam Lâm - Vĩnh Hảo tại Km 113; Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại Km 199 bên trái tuyến và 1 điểm chỉ dẫn ra/vào cao tốc tại nút giao ĐT765 trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây để đi ra trạm dừng nghỉ Đại Phú.

Theo hướng từ TP.HCM - Nha Trang, có 2 vị trí trạm dừng nghỉ tạm đã được bố trí trên các đoạn: Cam Lâm - Vĩnh Hảo tại Km 113; Nha Trang - Cam Lâm tại Km 33.

Đoạn Cam Lộ - La Sơn nối Quảng Trị với Thừa Thiên Huế có chiều dài khoảng hơn 98km, hiện được bố trí trạm dừng nghỉ tạm tại Km 64+200 trái tuyến (diện tích 3.600m2) và Km 77+800 phải tuyến (diện tích 4.200m2).

Song song với việc bố trí các trạm dừng nghỉ/trạm dừng nghỉ tạm/nút giao hướng dẫn, các vị trí trạm dừng nghỉ, cây xăng trên các tuyến đường kết nối với cao tốc thông qua các nút giao cũng được rà soát để sử dụng tạm trước mắt.

Cụ thể, trên cao tốc đoạn Mai Sơn - QL45 tại các nhánh ra/vào của nút giao Gia Miêu (Km 295+507 giao với đường QL217B), Hà Lĩnh (Km 306+318 giao với đường QL217), Đông Xuân (Km 327+800 giao với tuyến nối QL45 - QL47), Đồng Thắng (Km 335+400 giao với đường nối TP Thanh Hóa đi đường Thọ Xuân Nghi Sơn) đều có các cây xăng/dầu phục vụ nhu cầu.

Trên cao tốc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, cây xăng/dầu và khu vực dừng nghỉ tạm đã có ở các nút giao: Quỳnh Vinh (Km 390+200) giao với QL48D; Quỳnh Mỹ (Km 405+500) giao với QL48B; Nút giao Diễn Cát (Km 429+700) giao với QL7.

Ở dự án đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, các cây xăng/dầu và khu vực dừng nghỉ tạm ở nút giao đường N5 (Km 446+000); Nút giao 46B (Km 459+270).

Tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, tại khu vực nút giao Km 30+260 (lối ra Trạm thu phí Cam Lâm) có hai vị trí cây xăng, gồm: 1 vị trí hướng ra Bắc đường Lập Định - Suối Môn (khoảng cách 1,9km); 1 vị trí hướng vào Nam đường quốc lộ 1A (khoảng cách 5,5km).

Tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo, theo hướng Hà Nội - TP.HCM, khi đi ra vị trí nút giao Phan Rang tại Km 93 (cách 20km trước khi vào tới trạm tạm) có hai cây xăng cách nút giao từ 2,5 - 4,5km.

Theo hướng TP.HCM - Hà Nội, khi đi ra nút giao Vĩnh Hảo (thuộc dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết) tại Km 135 (cách 22km trước khi vào tới trạm tạm) có hai cây xăng cách nút giao từ 4,5 - 4,7km.

Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, cây xăng nằm ở các khu vực: Nút giao Vĩnh Hảo - Km 135+00 (cao tốc); Nút giao Chợ Lầu - Km 162+777 (cao tốc); nút giao Đại Ninh - Km 178+800 (cao tốc); nút giao Ma Lâm - Km 208+700 (cao tốc) và nút giao Phan Thiết - Km 234+700 (cao tốc).

Tại cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, bên cạnh trạm dừng nghỉ Đại Phú tại nút giao ĐT765 còn có cây xăng trên ĐT765 khoảng 1,6km theo hướng ra QL1A và khoảng 3km theo hướng ra Vũng Tàu.N. Khánh

Những bài học thu hút đầu tư từ 2 dự án PPP

Thực tiễn triển khai các dự án Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho thấy nhiều bài học quý về thu hút đầu tư dự án PPP.

Theo diện Ban QLDA 6, dự án PPP muốn thực hiện hiệu quả, một trong những yếu tố quan trọng là phải thẩm định kỹ lưỡng, lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực. Quyết định tiến độ của dự án là vốn. Vì thế, cần chọn được nhà đầu tư "mạnh về gạo, bạo về tiền".

Đại diện Cục Đường cao tốc VN cho biết, tài chính là vấn đề cốt lõi của dự án đầu tư theo phương thức PPP. Nếu nhà đầu tư không có thế mạnh về tài chính, quá trình triển khai sẽ gặp rất nhiều khó khăn, chưa kể các phát sinh.

Như dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, bên cạnh tiềm lực sẵn có, nhà đầu tư đã chủ động đề xuất, huy động các nguồn vốn hợp pháp, duy trì ổn định dòng tiền cho công trường hoạt động xuyên suốt.

Để có thêm nhiều nhà đầu tư PPP giao thông, ông Đặng Tiến Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho rằng, hai yếu tố quan trọng nhất là bình đẳng và đồng hành.

Quá trình triển khai, cơ quan có thẩm quyền cần phân công đầu mối phối hợp cụ thể, song hành cùng doanh nghiệp dự án đẩy nhanh thủ tục các hạng mục điều chỉnh, phát sinh (nếu có).

Các hạng mục điều chỉnh thay đổi so với hợp đồng ký kết cũng cần sớm xác định rõ đâu là trách nhiệm của nhà đầu tư.

Là một trong hai nhà đầu tư lớn tham gia dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, ông Nguyễn Văn Ngợi, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194 cho rằng, trong đầu tư dự án PPP, Nhà nước cần giao quyền nhiều hơn cho các nhà đầu tư, từ khâu nghiên cứu dự án, thiết kế, thi công. Nói cách khác, Nhà nước chỉ ra đầu bài dự án, tiêu chuẩn kỹ thuật sau đó nghiệm thu theo quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật.

Giải pháp thi công thế nào, ứng dụng công nghệ ra sao sẽ do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chủ động.

Đại diện Cục Đường cao tốc VN cho biết, dự án PPP giao thông muốn hiệu quả cả về tiến độ và chất lượng, các nhà đầu tư phải có sự đồng điệu và "chia lửa".

N. Khánh

Toàn cảnh cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo ngày đầu thông xeToàn cảnh cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo ngày đầu thông xe

Đúng 7h sáng 26/4, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo chính thức thông xe. PV Báo Giao thông có mặt ghi nhận dòng xe qua cao tốc này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.