Đường bộ

Tiết kiệm hơn 30 tỷ đồng nhờ đấu thầu bảo dưỡng quốc lộ qua mạng

17/01/2024, 14:21

Năm 2024, nhu cầu vốn dành cho công tác quản lý bảo dưỡng thường xuyên hơn 22.000 km quốc lộ là 1.700 tỷ đồng.

Tiết kiệm hơn 30 tỷ đồng nhờ đấu thầu bảo dưỡng quốc lộ qua mạng- Ảnh 1.

San nề, khơi thông rãnh thoát nước là một trong những công việc trong công tác quản lý bảo dưỡng thường xuyên quốc lộ mà nhà thầu phải thực hiện.

180 triệu đồng/km/năm bảo dưỡng thường xuyên cao tốc

Trong văn bản báo cáo Bộ GTVT công tác đấu thầu bảo dưỡng thường xuyên (BDTX) giai đoạn 2021 - 2024, phương hướng triển khai giai đoạn 2024 - 2027, Cục Đường bộ VN cho biết, ngày 31/3/2024, các gói thầu quản lý, BDTX sẽ hết thời gian thực hiện.

Để công tác quản lý, BDTX hệ thống quốc lộ được thực hiện thường xuyên, liên tục, cần tiếp tục tổ chức đấu thầu qua mạng để lựa chọn nhà thầu cung ứng dịch vụ này trong giai đoạn từ 1/4/2024 trở đi.

Năm 2024, kinh phí quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống quốc lộ, đường cao tốc sử dụng ngân sách Trung ương khoảng 1.766 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này sẽ không cố định mà sẽ điều chỉnh tăng, giảm cụ thể trong quá trình thực hiện khi các đoạn tuyến từ các dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo, từ đường địa phương nâng thành quốc lộ hoặc bàn giao để thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo, điều chuyển đường quốc lộ thành đường địa phương.

Năm 2023, Cục Đường bộ VN được giao gần 12.000 tỷ đồng cho công tác bảo trì đường bộ, đã giải ngân gần 10.200 tỷ đồng, đạt 84%. Cục Đường bộ cũng đã trình Bộ GTVT kế hoạch bảo trì năm 2024 với tổng kinh phí hơn 13.000 tỷ đồng.

Các năm sau mỗi năm tăng thêm 3,5% so với năm trước liền kề để bù chênh lệch do tăng tiền lương, do nguyên, nhiên, vật liệu tăng giá, chỉ số giá xây dựng, chỉ số giá tiêu dùng và dự phòng cho phần khối lượng các đoạn tuyến phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Về hạn mức kinh phí, Cục Đường bộ VN cho hay, đối với QL1 sẽ được bố trí trung bình 106 triệu/km/năm, đường Hồ Chí Minh trung bình 84 triệu đồng/km/năm.

Đối với các tuyến quốc lộ khác, hạn mức kinh phí bố trí cho đường bê tông nhựa dao động từ 55 - 65 triệu đồng/km/năm, đường láng nhựa 60 - 70 triệu đồng/km/năm, đường bê tông xi măng từ 50 - 65 triệu đồng/km/năm theo từng cấp đường.

Đối với các cầu có chiều dài nhỏ hơn 300m, kinh phí trung bình 420 nghìn/m/năm; các cầu có dài hơn 300m, kinh phí trung bình 550 nghìn/km/năm.

Đối với các tuyến cao tốc như TP.HCM - Trung Lương, Lào Cai - Kim Thành, Hà Nội -Thái Nguyên giữ mức kinh phí như hiện nay. Đối với 564km của các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 đã và chuẩn bị đưa vào khai sử dụng khoảng 101 tỷ đồng (180 triệu đồng/km).

Cục Đường bộ VN cũng cho biết, thời hạn của hợp đồng BDTX giai đoạn tiếp theo trong thời gian 3 năm (từ 1/4/2024 đến hết ngày 31/3/2027), tổng thời gian thực hiện là 36 tháng, nội dung này phù hợp với quy định tại Thông tư số 48/2019 của Bộ GTVT.

Tiết kiệm hơn 30 tỷ đồng nhờ đấu thầu qua mạng

Đánh giá về kết quả BDTX giai đoạn 2021 - 2024, Cục Đường bộ VN cho biết, giai đoạn đấu thầu năm 2021, hệ thống quốc lộ gồm 154 tuyến quốc lộ chính và một số tuyến đường gom, đường dẫn với tổng chiều dài hơn 22.200 km và 244 km đường cao tốc.

Nguồn vốn sử dụng ngân sách Trung ương quản lý bảo trì số km quốc lộ nêu trên (không bao gồm các đoạn tuyến do các nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án BOT quản lý), được chia thành 126 gói thầu, tất cả các gói thầu đều được tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng, số tiền tiết kiệm sau đấu thầu trên 34 tỷ đồng.

Giai đoạn thực hiện vừa qua đã hoàn thành mục tiêu xã hội hóa lĩnh vực quản lý, BDTX quốc lộ, tạo cơ hội tham gia bình đẳng của các nhà thầu. Nhà thầu được giao quản lý tuyến theo các tiêu chí, yêu cầu về chất lượng, được chủ động lựa chọn phương án, cách thức, thời gian để thực hiện các hạng mục công việc mà không cần sự cho phép, giám sát từ cơ quan quản lý đường bộ, nâng cao hiệu quả, tiết giảm được chi phí.

Bên cạnh đó, giảm nhân lực, thời gian của cơ quan quản lý đường bộ do thực hiện đánh giá, nghiệm thu theo chất lượng thực hiện.

Tuy nhiên, Cục Đường bộ cho biết, kinh phí trên mới chỉ đáp ứng khoảng 40% định mức BDTX đường bộ, tiêu chuẩn BDTX đường bộ, dẫn đến một số đoạn tuyến mặt đường vẫn còn hư hỏng cục bộ, hằn lún vệt bánh xe, việc sơn dặm trên mặt đường còn hạn chế chưa được thực hiện kịp thời.

Từ thực tế này, một số đơn vị kiến nghị tăng kinh phí để thực hiện công tác quản lý, BDTX. Tuy vậy, trong điều kiện ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và thiên tai nặng nề nên nguồn ngân sách Nhà nước bố trí cho công tác quản lý, bảo trì còn nhiều khó khăn nên kinh phí thực hiện năm 2024 cơ bản giữ nguyên như giai đoạn hiện nay.

Thời gian thực hiện hợp đồng là 36 tháng nên còn hạn chế trong việc khuyến khích các nhà thầu đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ, đào tạo nhân lực để nâng cao chất lượng BDTX. Do đó có nhiều đơn vị đề nghị tăng thêm thời gian thực hiện hợp đồng.

Theo quy định, công tác bảo trì đường bộ có hai nội dung chính là: Quản lý BDTX và sửa chữa vừa, sửa chữa lớn.

Đối với BDTX đường bộ, Tiêu chuẩn kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên đường bộ (TCCS 07:2013/TCĐBVN) quy định 22 hạng mục công việc nhà thầu phải thực hiện như: Trám các vệt nứt đơn trên mặt đường nhựa và mặt đường BTXM; vá láng mặt đường nhựa, vá ổ gà trên mặt đường nhựa; vá ổ gà trên mặt đường bằng vật liệu không gia cố; làm vệ sinh mặt đường, mặt cầu, phát quang cây cỏ, dọn sạch rác lề đường, dải phân cách, taluy nền đường; khơi thông hệ thống rãnh ngang, rãnh dọc để đảm bảo thoát nước, dọn sạch cây cỏ, rác, bùn đất lắng đọng... trong cống, rãnh thoát nước dọc; làm sạch, sơn lại, sửa chữa, bổ sung, thay thế các biển báo hiệu giao thông...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.