Thế giới giao thông

Tranh cãi đề xuất kiểm soát tốc độ ô tô ở Mỹ

03/02/2024, 08:25

Để giảm thiểu tai nạn giao thông, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) kiến nghị dùng công nghệ để kiểm soát tốc độ đối với ô tô. Tuy nhiên, đề xuất này đang vấp phải nhiều ý kiến phản đối.

Những con số đáng báo động

Theo số liệu thống kê gần nhất, ước tính tại Mỹ đã có hơn 12.000 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông liên quan tới tốc độ. Chưa kể còn có hàng trăm nghìn người khác bị thương.

Tranh cãi đề xuất kiểm soát tốc độ ô tô ở Mỹ- Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng liên quan tới xe Dodge Challenger chạy quá tốc độ tại Mỹ.

Đáng chú ý là vụ tai nạn liên quan tới người điều khiển chiếc xe Dodge Challenger. Tài xế đã chạy quá tốc độ lên tới hơn 160km/h và vượt đèn đỏ rồi va chạm với một chiếc xe tải, cướp đi sinh mạng của 9 người.

Những con số này đã đặt nước Mỹ vào tình trạng báo động đỏ, buộc giới chức cần có động thái quyết liệt để khắc phục.

Một trong những giải pháp nhiều lần Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) đưa ra là trang bị công nghệ hỗ trợ tốc độ thông minh trên xe.

Loại công nghệ này có thể dùng để cản trở hoặc gây khó khăn cho việc tăng tốc trên phương tiện, từ đó ngăn những vụ tai nạn thương tâm liên quan tới tốc độ.

Công nghệ hỗ trợ tốc độ thông minh (hay ISA) sẽ sử dụng công nghệ định vị GPS và nhận dạng biển báo để ngăn các phương tiện vượt quá giới hạn tốc độ trong một khu vực nhất định.

Công nghệ hỗ trợ tốc độ thông minh sẽ khác với các thiết bị giới hạn tốc độ truyền thống ở chỗ không có giới hạn tốc độ cố định. Công nghệ này sẽ giới hạn tốc độ tùy thuộc vào nơi phương tiện đang di chuyển qua. Chẳng hạn, khi qua đường nội đô, khu vực trường học bị giới hạn tốc độ 30km/h, công nghệ này sẽ tự động định vị và nhận diện biển báo trên đường để hạn chế tốc độ phương tiện.

Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia đã đưa ra khuyến cáo với Cục Quản lý An toàn Giao thông đường cao tốc Quốc gia, cũng như tất cả 50 tiểu bang và các nhà sản xuất ô tô lớn trong nước.

Khi đưa ra kiến nghị này, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Mỹ Jennifer Homendy đã dẫn lại vụ tai nạn thương tâm ở Las Vegas kể trên, cho biết đây chính là một trong những lý do thôi thúc cơ quan này phải hành động.

"Vụ tai nạn này là sự việc mới nhất trong một loạt thảm kịch mà chúng tôi đã điều tra trong đó nguyên nhân chính là chạy quá tốc độ", Jennifer Homendy bà nói.

Bà Isabella Chu, Phó giám đốc phụ trách về dữ liệu cốt lõi tại Trung tâm Khoa học Sức khỏe Dân số Stanford, cho biết: "Có rất nhiều việc có thể điều chỉnh để giảm nguy cơ xảy ra tai nạn gây chết người. Nhưng một trong những hành động mạnh mẽ nhất mà chúng tôi có thể làm kéo giảm tốc độ của ô tô".

Dự kiến, báo cáo cuối cùng về kiến nghị này sẽ được công bố trong vài tuần tới. Không rõ khi nào hoặc liệu những kiến nghị này có được thực hiện hay không. Nhưng theo các chuyên gia, khả năng thực thi là không cao vì vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Nhiều tranh cãi

Theo bà Sarah Sulick, chuyên gia quan hệ công chúng của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ, tổ chức này không có quyền quản lý hoặc thực thi. Rất nhiều lần cơ quan này khuyến nghị ứng dụng công nghệ hỗ trợ tốc độ thông minh với Cục Quản lý An toàn giao thông cao tốc quốc gia nhưng bị gạt sang một bên.

Tranh cãi đề xuất kiểm soát tốc độ ô tô ở Mỹ- Ảnh 2.

Một đoạn đường hạn chế tốc độ.

Lần đầu tiên cơ quan này đề xuất là vào năm 2017. Tuy vậy, kiến nghị này bị liệt vào trạng thái "không khẩn cấp".

Về phía cơ quan quản lý của Mỹ, hồi tháng 3/2022, Cục Quản lý An toàn giao thông đường cao tốc Quốc gia đã yêu cầu lấy ý kiến công chúng về việc liệu có nên đưa công nghệ hỗ trợ tốc độ thông minh vào chương trình đánh giá ô tô mới – chương trình cấp nhãn an toàn cho các phương tiện mới hay không.

Song đến nay, đã gần hai năm, cơ quan này vẫn chưa có báo cáo đánh giá phản hồi của người dân. Bản thân các nhà sản xuất ô tô cũng có vẻ thờ ơ với việc áp dụng công nghệ này.

Trong một tuyên bố, Liên minh Đổi mới ngành ô tô - đại diện cho đa số các nhà sản xuất ô tô tại Mỹ, cho biết: "Mặc dù công nghệ có thể đóng một vai trò nào đó, nhưng chúng tôi vẫn ủng hộ việc tập trung vào các chính sách giao thông vận tải, tập trung vào giáo dục và nhận thức của người lái xe".

Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ dư luận xã hội Mỹ lại cho rằng việc nâng cao ý thức, giáo dục đã được thực hiện từ lâu đến nay vẫn chưa đủ mạnh để buộc người điều khiển phương tiện thay đổi hành vi. Do đó cần phải dùng tới công nghệ.

Ông David Zipper, một thành viên thỉnh giảng tại Trường Kennedy của Đại học Harvard, chuyên nghiên cứu các chính sách giao thông và xã hội, cho biết: "Cách giáo dục để thay đổi hành vi đã được thực hiện hàng thập kỷ qua nhưng rõ ràng cho thấy không hiệu quả. Những lời tha thiết kêu gọi mọi người tuân thủ tốc độ chỉ thỉnh thoảng mới có tác dụng. Do đó tốt nhất nên tập trung vào thiết kế ô tô".

Ông Zipper cho biết, nếu có công nghệ, người điều khiển phương tiện rất khó để có thể vượt quá tốc độ và những nguy hiểm liên quan đến kiểu chạy quá tốc độ hoàn toàn có thể tránh được.

Còn theo bà Chu, có nhiều cách để làm cho ô tô an toàn hơn, chẳng hạn như cách mạng hóa thiết kế đường bộ theo hướng ưu tiên sự an toàn của con người lên trên phương tiện. Nhưng đó là các giải pháp dài hạn, còn ngay lúc này giới hạn tốc độ là biện pháp tạm thời hợp lý.

Viện Nghiên cứu An toàn giao thông Quốc gia Mỹ (IIHS), đơn vị tiến hành các thử nghiệm va chạm độc lập và nghiên cứu về an toàn ô tô, cùng với các thành viên của Tổ chức phi lợi nhuận "Road to Zero" kêu gọi các nhà sản xuất ô tô và chính phủ Mỹ thúc đẩy giải pháp lắp công nghệ hỗ trợ tốc độ thông minh (ISA) cũng như các bộ giới hạn tốc độ trên các phương tiện mới sản xuất.

Để từng bước ứng dụng công nghệ vào đời sống, IIHS cho rằng, ban đầu nên ứng dụng công nghệ có tính năng cảnh báo sau đó dần dần mới ứng dụng tính năng tự động điều chỉnh tốc độ.

Ngoài ra IIHS kêu gọi Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (NHTSA) nhanh chóng đặt ra tiêu chuẩn cho công nghệ này.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.