Thị trường

Trung Quốc là bạn hàng lớn của Việt Nam

27/06/2023, 06:43

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng bậc nhất của nhiều mặt hàng Việt Nam. Đây cũng là nơi cung cấp nhiều tư liệu sản xuất cho nước ta.

Thị trường quan trọng cho hàng Việt

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến ngày 15/6/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc là 20,32 tỷ USD, đứng thứ hai sau Mỹ (36,32 tỷ USD). Thị trường EU với 27 quốc gia cũng chỉ đứng thứ ba với 17,79 tỷ USD.

Những con số trên đã cho thấy tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Tính chung cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với năm 2021. Trong đó: Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm 2021. Xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc chiếm tỷ trọng 15,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

img

Xuất khẩu liên tiếp tăng trưởng

Điều đáng chú ý là, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã có sự tăng trưởng đột biến về sản lượng và giá trị, điển hình là sầu riêng.

Trong năm 2022, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết nhiều Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với hàng loạt nông sản, hoa quả của Việt Nam, bao gồm sầu riêng, chanh leo, tổ yến, khoai lang.

Các loại nông sản, hoa quả vừa được mở cửa thị trường là những sản phẩm mà thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, từng bước nâng cao thị phần và có chỗ đứng vững chắc tại thị trường này.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến nay, Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng.

Số liệu của Tổng cục Hải quan ghi nhận: Xuất khẩu sầu riêng tăng đột biến trong tháng 5/2023, đưa trị giá xuất khẩu sầu riêng 5 tháng năm 2023 lên hơn nửa tỷ USD.

Đóng góp chính cho tăng xuất khẩu nhóm hàng rau quả là xuất khẩu quả sầu riêng (mã HS 0810.60.00) tăng cao đột biến. Trong tháng 5/2023, trị giá xuất khẩu quả sầu riêng đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với 332 triệu USD, gấp hơn 10 lần so với tháng trước.

Tính chung lũy kế trong 5 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu quả sầu riêng đạt tới 503,4 triệu USD, tăng 475,8 triệu USD, gấp hơn 18 lần so với con số 27,6 triệu USD của cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu quả sầu riêng sang Trung Quốc lên tới 477 triệu USD, chiếm 95% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

img

Năm 2022, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc vẫn lên tới 60,2 tỷ USD. Điều này đòi hỏi cần có giải pháp để giảm nhập siêu từ Trung Quốc trong thời gian tới

Từ cuối tháng 12/2022, Trung Quốc nới lỏng các biện pháp quản lý người và hàng hóa nhập cảnh trong đó gỡ bỏ toàn bộ các biện pháp xét nghiệm PCR và cách ly tập trung sau khi nhập cảnh vào Trung Quốc từ ngày 8/1/2023, gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm axit nucleic phòng chống Covid-19 tại cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu (bao gồm cả hàng hóa đông lạnh).

Việc Trung Quốc nới lỏng các thủ tục xét nghiệm nêu trên là tiền đề quan trọng giúp thuận lợi thông quan và giảm chi phí cho cả doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và nhà nhập khẩu Trung Quốc, góp phần khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực sau 03 năm đại dịch Covid-19 bùng phát.

Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính

Tại hội nghị “Triển vọng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới” hồi cuối tháng 4/2023, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên lưu ý: Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính như trước, không phải hàng hóa nào thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận.

Mặt khác, kinh tế Trung Quốc dù lớn nhưng chủ yếu vẫn xuất khẩu, vì Trung Quốc đã và đang sẽ là công xưởng của thế giới. Mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc rất tương đồng với Việt Nam, điều này vừa tạo ra lợi thế và thách thức đối với hàng hóa Việt Nam.

Từ thực tế thị trường nước sở tại, ông Lương Văn Tài, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh thông tin, trong tháng 4/2023, Quốc vụ Viện Trung Quốc ban hành “Ý kiến về thúc đẩy ổn định quy mô và cơ cấu ngoại thương”, trong đó đáng chú ý là việc sửa đổi “Biện pháp quản lý thương mại cặp chợ biên giới” nhằm tạo môi trường, chính sách đa dạng hóa thương mại cặp chợ biên giới, tăng cường nhập khẩu từ các nước lân cận.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng quy định về đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài (Lệnh 248) yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài hoàn thiện hồ sơ gia hạn trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER).

Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc tiếp tục có những động thái siết chặt quản lý kiểm soát các đợt dịch (dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu phi, dịch đậu mùa khỉ...).

Do đó, các Hiệp hội cần tích cực nắm bắt thông tin, diễn biến dịch trên thế giới và nguy cơ lây lan trong nước để kịp thời cảnh báo doanh nghiệp sản xuất có các biện pháp tránh lây nhiễm và đẩy mạnh công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc năm 2022 đạt 117,9 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2021. Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng 32,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Song, vấn đề cần lưu ý là nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc vẫn lên tới 60,2 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2021. Đây là điều cần phải có giải pháp cải thiện thời gian tới để giảm nhập siêu từ Trung Quốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.