Thị trường

Ùn ứ cửa khẩu: Bài học từ thị trường Trung Quốc

18/12/2021, 12:07

Sự lệ thuộc quá lớn vào một thị trường đã khiến chúng ta luôn nằm trong thế bị động, mỗi khi nước bạn chuyển trạng thái đóng mở thông quan…

Nông dân, doanh nghiệp lao đao vì cửa khẩu ùn ứ

Những ngày qua, dù các cửa khẩu tại Lạng Sơn vẫn đang tắc nghẽn, không thể thông thương nhưng mỗi ngày vẫn có gần 1.000 xe nông sản dồn về. Hiện có ít nhất 4.581 xe nông sản chưa thể xuất khẩu. Trong khi đó, 3 ngày nay, với lý do phòng chống dịch bệnh, cơ quan chức năng Trung Quốc đã tạm dừng thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh.

img

Cửa khẩu ùn ứ, doanh nghiệp giảm thu mua đã khiến giá nhiều loại nông sản giảm.

Tình trạng đó đã khiến nông dân vùng ĐBSCL lo "sốt vó", khi hàng nghìn tấn nông sản chưa có đầu ra. Trong khi đó, doanh nghiệp thu mua nông sản cũng đang phải tạm dừng.

Ghi nhận tại tỉnh Tiền Giang, Công ty TNHH Tâm Thùy đang tạm thời ngưng thu mua 2 loại trái cây gồm mít và sầu riêng bởi 5 container hàng còn đang kẹt tại cửa khẩu không biết đến bao giờ mới được thông quan. Không tấp nập lên xuống hàng, công nhân chỉ còn cách sơ chế mít cầm chừng.

Ông Trần Thanh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Tâm Thùy cho biết: “Bây giờ nếu 1 công (1.000 m2) sầu riêng mua vào, không bán được phải mang đi bỏ thì lỗ từ 1,3-1,5 tỷ đồng, còn 1 công mít thì lỗ gần 300 triệu đồng. Hết các, doanh nghiệp đành phải dừng hoặc giảm sản lượng thu mua”.

Tình trạng trên đã khiến các loại rau quả như: thanh long, mít, dưa hấu, sầu riêng… bắt đầu giảm giá từ 20 - 30% và khó tiêu thụ. Trong khi khả năng chế biến, lưu trữ nông sản ở các địa phương còn yếu và nhiều bất cập.

img

Thu hoạch trái cây ở ĐBSCL.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, một chủ vườn mít ở Tiền Giang cho biết: "Những ngày qua, tình trạng các cửa khẩu của Trung Quốc đóng cửa hoặc hạn chế phương tiện đưa trái cây xuất khẩu đã khiến giá mít giảm mạnh, có thời điểm giá chỉ từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng/kg.

Ngoài ra, các loại trái cây khác như khóm (dứa), mãng cầu Xiêm, Hồng Xiêm, xoài ...giá cũng giảm từ 10-15% so với tuần trước. Đối với trái thanh long ruột trắng hiện giảm còn trên dưới 8.000 đồng/kg; ruột đỏ khoảng 15.000 đồng/kg".

Bao giờ hết “mắc kẹt”?

Những năm gần đây, nông sản Việt Nam mặc dù đã xuất khẩu đi nhiều nước trong khu vực và thế giới, nhưng vẫn phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Chính vì vậy, mỗi khi xảy ra sự cố như ùn ứ cửa khẩu mấy ngày qua thì hàng nông sản Việt lại lao đao.

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) dự báo, trong quý I/2022, sản lượng 15 loại trái cây chính ở các tỉnh thành phía Nam đạt 1,606 triệu tấn. Trong đó, thanh long khoảng 297.000 tấn, chuối 250.000 tấn, xoài 244.000 tấn, mít 159.000 tấn, bưởi 144.000 tấn và cam 132.000 tấn… Ðiều lo ngại lúc này là sản lượng trái cây ở miền Nam trong tháng 12 khoảng 737.000 tấn, sẽ bán đi đâu cho hết?

img

img

Nông sản đang lệ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế vùng ĐBSCL cho rằng: "Câu chuyện ùn ứ, mắc kẹt hàng hóa tại các cửa khẩu với Trung Quốc vốn không có gì mới, và nó đã xảy ra thường xuyên và nhiều năm qua. Nếu để ý sẽ thấy, cứ vào dịp gần Tết Nguyên đán, khi vào vụ thu hoạch, hoặc khi nước bạn chuyển trạng thái đóng mở thông quan thì chúng ta luôn luôn nằm trong thế bị động".

Theo ông Hiệp, hàng hóa nông sản của chúng ta đang lệ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Ngay cả đầu vào nông nghiệp như vật tư, phân bón… gần như 90% phải nhập từ Trung quốc để sản xuất, chúng ta phụ thuộc cả đầu vào lẫn đầu ra.

Đối với tình trạng ùn ứ hiện nay, cơ quan chức đã đưa ra nhiều nguyên nhân lý giải. Như từ khi có Nghị quyết 128 đã khơi thông kinh tế, dẫn đến hàng hóa nhiều. Rồi dịch bệnh phải tăng cường kiểm soát, các khu vực cửa khẩu khan hiếm nhân lực bốc dỡ… nên hàng hóa thông quan nên chậm…

Trong bối cảnh đó, cơ quan chức năng cũng đã có biện pháp để tháo gỡ, như yêu cầu các địa phương phải phối hợp, các doanh nghiệp phải lên lịch, theo dõi tiến độ các cửa khẩu để lên hàng không bị ùn ứ…

“Tuy nhiên đây cũng chỉ là những giải pháp nhất thời và trước mắt, câu hỏi lớn đặt ra là bao giờ các cửa khẩu thôi mắc nghẹn, bởi như đã nói - nó đã xảy ra nhiều năm. Để giải bài toán này, cần có giải pháp căn cơ với sự vào cuộc của đa ngành, chứ không thể riêng lẻ một địa phương hay từng doanh nghiệp.

Đơn cử như doanh nghiệp muốn giữ hàng phải phát triển hệ thống kho lạnh, logistics, rồi nâng cao năng lực chế biến… bởi hàng nông sản không thể để lâu. Những yêu cầu đó đòi hỏi phải có những chính sách tổng thể, đồng bộ, ít nhất cũng không lệ thuộc quá lớn vào một thị trường. Như trong lĩnh vực kinh tế có câu nói rằng: Không nên để tất cả quả trứng vào cùng một rổ”, ông Hiệp nói.

Và ông Hiệp cho biết thêm: "Ngay thời điểm này, đã có nhiều doanh nghiệp “thoát ra” khỏi thị trường Trung Quốc, và tìm được những thị trường mới như Mỹ, EU… thì họ không có gì bận tâm, lo lắng, thậm chí là giá bán hàng hóa nông sản vẫn rất cao".

img

Cần có giải pháp căn cơ và đồng bộ để đưa nông sản Việt Nam vươn xa trên thị trường thế giới.

Phát biểu tại "Tọa đàm thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc" diễn ra vào hồi tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nền nông nghiệp của chúng ta xưa nay thiên về sản xuất, kế hoạch đầu vào chứ không phải kế hoạch đầu ra; lo nâng cao năng suất, sản lượng còn thị trường thì… vẫn phải giải cứu.

"Bây giờ, phải đi từ đầu ra để giải quyết đầu vào. Thị trường cần hàng gì, sản lượng bao nhiêu, chất lượng như thế nào, tiêu chuẩn ra sao, giao hàng như thế nào… phải chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Chuyển từ theo đuổi giá sang vừa tạo ra giá trị gia tăng vừa giảm chi phí sản xuất, chi phí xã hội, chi phí môi trường. Bài toán kinh tế hợp tác giúp giảm chi phí đầu vào” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nói.

Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc mà chưa chuẩn bị tâm thế để tìm hiểu thị trường này cũng như về nhu cầu, xu hướng và đặc tính tiêu dùng của thị trường thì rất khó thành công. Hiện nay nông sản Việt chỉ mới bán qua cửa khẩu biên giới Trung Quốc, trong khi nông sản Thái Lan đã thâm nhập sâu vào nội địa. Việt Nam cần phải giải quyết vấn đề này…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.