Kinh tế

Vì sao Ngân hàng Nhà nước liên tiếp hủy đấu thầu vàng?

26/04/2024, 07:58

Đây là lần thứ hai Ngân hàng Nhà nước hủy thầu vàng miếng chỉ trong vài ngày.

Lại hủy phiên đấu thầu vàng

Chiều 24/4, NHNN phát đi thông báo về việc tổ chức phiên đấu thầu vàng vào lúc 9h sáng 25/4 với tổng khối lượng đấu thầu dự kiến là 16.800 lượng vàng miếng SJC.

Mức giá tham chiếu để đặt cọc là 82,3 triệu đồng/lượng, cao hơn 1,6 triệu đồng/lượng so với phiên đấu thầu hôm 23/4. Khối lượng đấu thầu mà một đơn vị tham gia tối thiểu là 1.400 lượng và tối đa là 2.000 lượng.

Tuy nhiên, NHNN lại phát đi thông báo hủy thầu vàng miếng đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, thông báo nêu rõ lý do hủy phiên thầu sáng (25/4) do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Vì sao Ngân hàng Nhà nước liên tiếp hủy đấu thầu vàng?- Ảnh 1.

Phiên đấu thầu vàng miếng sáng 25/4 lại bị hủy do chỉ có 1 đơn vị tham gia dự thầu.

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng. Trước đó, ngày 22/4, NHNN đã hủy lịch đấu thầu vàng miếng lần thứ nhất do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trong cuộc họp ngày 24/4 đã yêu cầu NHNN phải đảm bảo cung cầu vàng với giá hợp lý trước diễn biến khó lường của thị trường thế giới.

NHNN là đơn vị độc quyền sản xuất vàng miếng và nắm quyền nhập khẩu nên việc này chắc chắn không khó khăn gì. Nhưng dù kết quả thế nào thì đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế.

Không đủ tiền để mua 1.400 lượng vàng?

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định nguyên nhân chính khiến chỉ có một đơn vị tham gia và Ngân hàng Nhà nước phải hủy thầu phiên sáng 25/4 là khối lượng tối thiểu đặt thầu cũng như mức giá đặt cọc rất bất hợp lý.

"Cả nước hiện có 38 đơn vị kinh doanh vàng nhưng có rất ít doanh nghiệp có đủ tiềm lực để mua một lần 1.400 lượng vàng, tương đương hơn 110 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mức giá đặt cọc quá cao trong bối cảnh giá vàng thế giới 3 ngày gần đây giảm khá sâu", ông Long nói.

Theo ông Long, các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng như tổ chức tín dụng phải cân nhắc rất thận trọng trước khi tham gia dự thầu.

"Doanh nghiệp phải tính đến lợi nhuận, nếu trúng thầu thì doanh nghiệp phải bán cao hơn mức giá trúng thầu. Trong khi đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, mục tiêu là nhằm ổn định thị trường vàng trong nước, kéo chênh lệch giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới, nhưng qua phiên đấu thầu vàng đầu tiên, mục tiêu này chưa đạt được", ông Long nhận định.

Các chuyên gia cũng nhận định việc NHNN đưa ra mức giá đặt cọc cũng như giá sàn quá cao khiến giá vàng trên thị trường "té nước theo mưa" và doanh nghiệp vàng cũng không dám tham gia, nhất là ở trước kỳ nghỉ lễ dài vì sức mua yếu và rủi ro rất lớn nếu trong thời gian nghỉ lễ giá vàng thế giới sập mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Duy Phương so với lần đấu thầu 11 năm trước NHNN quy định khối lượng tối thiểu là 500 lượng. Như vậy, sẽ vừa sức và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vàng cùng tham gia, qua đó tăng nguồn cung vàng miếng SJC ra thị trường.

"Theo tôi ở lần đấu thầu này cũng nên áp dụng quy định khối lượng tối thiểu như vậy. Nếu không các doanh nghiệp vàng sẽ rất cân nhắc", chuyên gia Trần Duy Phương nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.