Tài chính

Việt Nam cần chuẩn bị gì để đón FDI công nghệ cao?

04/01/2024, 10:00

Việt Nam được coi là điểm đến của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhưng những năm qua, FDI vẫn dừng lại ở mức gia công lắp ráp. Giờ Việt Nam đang dọn đường để thu hút "đại bàng" ngành công nghiệp bán dẫn.

Nhen nhóm hy vọng sản xuất chip

Đầu tháng 12, ông Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ), công ty sản xuất chip đắt giá nhất thế giới với giá trị thị trường gần 1,2 nghìn tỷ USD đã tới Việt Nam.

Việt Nam cần chuẩn bị gì để đón FDI công nghệ cao?- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (bìa trái), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh (thứ 2 từ phải qua) cùng ông Jensen Huang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn NVIDIA thăm Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Với quan điểm coi Việt Nam là ngôi nhà thứ hai, Chủ tịch NVIDIA mong muốn thiết lập một trung tâm, cứ điểm tại Việt Nam để thu hút nhân tài trên khắp thế giới, qua đó góp phần phát triển hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy các công ty khởi nghiệp, thiết kế, phát triển các siêu máy tính, sản xuất các phần mềm của tương lai…

Chuyến thăm của người đứng đầu NVIDIA diễn ra không lâu sau khi Việt Nam nâng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, mở ra cơ hội rộng lớn trong việc thu hút các "đại bàng Mỹ" vào những ngành công nghệ cao.

Ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) khẳng định: "Các doanh nghiệp thành viên của SIA, nhiều công ty có mặt tại đây ngày hôm nay, có các khoản đầu tư đáng kể vào Việt Nam, bao gồm Intel, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere, Infineon...

Nhiều doanh nghiệp đang tăng gấp đôi số tiền đầu tư của họ. Những khoản đầu tư này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Chúng tôi nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu".

Việt Nam cũng luôn được điểm tên trong danh sách các quốc gia tiềm năng để đầu tư lâu dài. Theo khảo sát của tổ chức thương mại Nhật Bản (JETRO), Việt Nam là điểm phát triển kinh doanh hấp dẫn nhất trong ASEAN, hơn 60% công ty Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới. Nhiều tập đoàn nước ngoài như Intel, Amkor Technology, Samsung đã mở những nhà máy sản xuất chip ở Việt Nam và có kế hoạch nâng dòng vốn này lên hàng tỷ USD.

Nhưng Việt Nam có thể tham gia được đến đâu vào ngành công nghiệp lõi này là điều cần được tính đến. Bởi suốt mấy chục năm nay, dòng vốn đầu tư nước ngoài đã ồ ạt chảy vào Việt Nam, từ dệt may, da giày, cho đến sản xuất điện tử, điện thoại, máy tính, song chúng ta vẫn không thoát khỏi cái mác "gia công, lắp ráp", nhận lại phần giá trị gia tăng ít ỏi.

Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao giá trị gia tăng vẫn chỉ là những ước mơ của những người làm chính sách và của các doanh nghiệp Việt muốn đứng trên vai những "người khổng lồ" FDI.

Thực trạng này được TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại và Công nghiệp (Bộ Công thương) nhắc đến. Ông Phương cho rằng, trên 70% hàng xuất khẩu của Việt Nam là hàng công nghiệp chế biến chế tạo, nhưng chủ yếu do khối doanh nghiệp FDI và chỉ dừng lại ở gia công lắp ráp là chính. Lợi ích thu được thực sự từ xuất khẩu rất thấp vì khâu gia công lắp ráp có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi sản xuất.

"Để thu hút FDI chất lượng cao, chúng ta phải làm, phải tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng, chứ không phải chỉ thu hút các dây chuyền tự động. Để làm được điều đó, đầu tiên, Việt Nam phải chuẩn bị nguồn nhân lực và nền tảng công nghiệp cho sự phát triển đó. Ví dụ, đối với sản xuất ô tô, xe máy, nền tảng là phải có công nghiệp sắt thép, công nghiệp cơ khí rất phát triển.

Chúng ta không làm từ A-Z và không một nước nào làm như vậy, nhưng chúng ta phải tiến vào những khâu có giá trị gia tăng cao. Muốn vậy phải có nền tảng công nghiệp cơ bản, có nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, công nghiệp hỗ trợ phải phát triển", ông Phương nói.

Khẩn trương đào tạo nhân lực chất lượng cao

Khi được hỏi về tiềm năng của công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip của Việt Nam, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam cho rằng, có thể Việt Nam không bắt đầu bằng những con chip phức tạp với quy trình sản xuất mới nhất. Chúng ta có thể bắt đầu với những con chip có nhu cầu ở Việt Nam và khu vực. Như vậy, chúng ta cần phải có những hỗ trợ để các start-up có thể tham gia được.

Cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn, ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, Việt Nam có khoảng 40 trường đại học đang đào tạo các lĩnh vực liên quan đến bán dẫn. Nếu nhu cầu ngành chip bán dẫn tăng lên, sinh viên sẽ chuyển sang quan tâm lĩnh vực này. Chúng ta có thể đào tạo mới hoàn toàn hoặc đào tạo thêm kỹ năng để nhân lực đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, từ đó tham gia sâu hơn vào hệ sinh thái bán dẫn.

Thực tế, bên cạnh các dự án nước ngoài, Việt Nam cũng có một số đơn vị, doanh nghiệp công nghệ đã nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip như FPT Semiconductor, Viettel... Đây sẽ là con đường để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành chip bán dẫn toàn cầu.

Ông Nguyễn Đức Long, đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cũng nhận định, Việt Nam đang chuẩn bị sẵn sàng để đón một làn sóng đầu tư mạnh về công nghệ cao, bán dẫn chỉ là một trong số đó. Việt Nam cần nhiều sự chuẩn bị từ giờ đến 2024 như nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và các chính sách.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng dự thảo chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 để đề ra tầm nhìn, khẳng định quyết tâm, mục tiêu, lộ trình, các nhiệm vụ giải pháp cũng như các chính sách ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nhằm phát triển công nghiệp điện tử nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh việc tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực, thu hút các doanh nghiệp bán dẫn trên toàn cầu hiện diện và sản xuất, nghiên cứu phát triển tại Việt Nam.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, các nhà sản xuất chip đòi hỏi một môi trường đầu tư rất tốt, từ hạ tầng, nguồn nhân lực cho đến các thủ tục hành chính, thông quan, hải quan... Việt Nam đã hội tụ các yếu tố này, đã có một số dự án, bắt đầu hình thành một hệ sinh thái sản xuất chip.

Để hiện thực hóa mục tiêu sản xuất chip, Việt Nam đang thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra định hướng tập trung đào tạo 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030, khẩn trương xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, trong đó dự kiến đào tạo khoảng 30.000-50.000 nhân lực, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.