Doanh nghiệp

Vững bước vươn khơi

10/05/2024, 21:36

CTCP Vận tải và Tiếp vận Phương Đông Việt (PVT Logistics) là một trong những công ty hàng đầu cung cấp dịch vụ đại lý tàu biển tại Việt Nam, nhưng ít ai biết, doanh nghiệp này đã từng có thời gian như “con tàu mắc cạn”.

PVT Logistics là công ty vận tải được thành lập từ năm 2007 với nhiệm vụ là chở dầu cho PV Oil. Nhưng do nhiều yếu tố khách quan, nên tình hình sản xuất kinh doanh trở nên đáng báo động, đặc biệt vốn chủ sở hữu từ 130 tỷ xuống chỉ còn 30 tỷ.

Vững bước vươn khơi- Ảnh 1.

CTCP Vận tải và Tiếp vận Phương Đông Việt.

Năm 2010, đã có nhiều ý kiến bàn đến việc cho PVT Logistics phá sản thì lãnh đạo PVN quyết định đưa doanh nghiệp này về Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans). Nhưng PVTrans lúc này cũng như "con tàu sắp đắm" và chỉ có nhờ có sự lèo lái cực kỳ thông minh, sáng tạo, quyết đoán của Tổng giám đốc Phạm Việt Anh mà PVTrans đã từ bước thoát ra khỏi cảnh thua lỗ và vươn lên vững chắc. 

Nhờ đó, PVT Logistics cũng từng bước thoát ra khỏi khó khăn và phục hồi được vị thế là doanh nghiệp vận tải chuyên chở xăng dầu, hóa chất, sắt thép, khoáng sản có uy tín.

Nhưng đến năm 2017, PVT Logistics lại lâm vào khó khăn bởi đội tàu đã quá cũ, trọng tải lại nhỏ; cùng lúc đó là thị trường đi xuống, hàng trong nước ít, có tàu tải trọng 8000 tấn nhưng chỉ đủ hàng cho 5000 tấn; giá thuê tàu giảm từ 3.500USD/ngày…

Với giá này thì chỉ đủ nuôi tàu… nằm bờ, chứ chưa bàn đến chuyên chở; cổ phiếu giảm giá thê thảm chỉ còn ngang bằng …ly trà đá. Dòng tiền không có, đơn vị bị mất thanh khoản, mà theo cơ chế quản lý tài chính mới, công ty mẹ không thể rót tiền "cứu" công ty con, bên cạnh đó là một số con tàu đã hết hạn sử dụng…

Trong bối cảnh đó lãnh đạo PV Trans đã quyết định đưa ông Hồ Sĩ Thuận, Trưởng ban Kinh doanh về làm Giám đốc PVT Logistics.

Sau khi nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng, Giám đốc Hồ Sĩ Thuận cùng tập thể lãnh đạo thấy phải chuyển sang vận chuyển các loại hàng khác mà tập trung vào vận chuyển hóa chất như Benzen, Acid, Methanol… Chuyên chở loại hàng này không bị cạnh tranh nhiều và thị trường tương đối ổn định và đang có mức tăng trưởng từ 5 đến 6% hàng năm. 

Hơn nữa, việc đầu tư mua các con tàu chuyên chở hóa chất không đòi hỏi quá nhiều tiền, thậm chí có thể mua trước trả sau… May mắn là vào thời điểm này, giá tàu đang xuống đáy, có những con tàu trị giá khoảng hơn chục triệu đô nhưng được rao bán với giá chỉ 7 triệu.

Về vấn đề tài chính, PVT Logistics đưa ra phương án kinh doanh mới, trong đó quan trọng nhất là phải mở rộng đội tàu chuyên chở hóa chất, thì một số cổ đông chiến lược đã nhìn thấy tương lai và cũng hoàn toàn tin tưởng vào sự điều hành của lãnh đạo mới PVT Logistics, cho nên họ đã đóng góp thêm hơn 100 tỷ…

Có tiền, việc mua và thuê tàu mới được tiến hành ngay. Một quyết định cực kỳ táo bạo của Giám đốc Hồ Sĩ Thuận là đầu tiên, mua những con tàu nhỏ, giá rẻ bất ngờ để tạo điều kiện cho thuyền viên có điều kiện làm quen với việc vận hành tàu chở hóa chất. Khi đã vận hành tốt, làm chủ được tàu thì bắt đầu mua những con tàu lớn hơn. Và những con tàu của PVT Logistics đã có mặt trên các đại dương và vận chuyển hóa chất cho một số nước Trung Đông.

Đúng lúc này, Itochu, một công ty vận tải của Nhật đang lâm vào cảnh kinh doanh khó khăn nên họ phải tìm cách cho thuê tàu… Tuy nhiên, Itochu cũng rất chú trọng lựa chọn đối tác cho thuê: Phải là doanh nghiệp vận tải có uy tín, có trình độ quản trị tốt, có đội ngũ thuyền viên chuyên nghiệp và quan trọng nữa là phải có kết quả kinh doanh tốt…

Với những điều kiện như vậy, nên họ đã chọn PVTrans. Thế là PVTrans thuê 2 con tàu của Itochu rồi cho PVT Logistics thuê lại… Nhưng thật bất ngờ, giá thuê tàu cứ tăng "như lên đồng". Chỉ sau hơn một năm, giá thuê đã tăng gấp đôi và chỉ với hai con tàu đi thuê lại, PVT Logistics đã kinh doanh lãi hơn 100 tỷ.

Từ năm 2020, con tàu PVT Logistics đã thoát cảnh mắc cạn, trả gần hết nợ nần… Và đúng như câu " thuận buồm xuôi gió" , khi thấy doanh nghiệp ăn nên làm ra thì các Ngân hàng cũng mở rộng hầu bao và PV Logistics đã có cơ hội mở rộng đầu tư. Đội tàu của PVT Logistics từ 3 chiếc nay đã lên 8 chiếc. Có những những con tàu đơn vị mua được với giá khá mềm, nay nếu bán đi cũng lãi hàng triệu USD.

PVT Logistics đã được các tổ chức vận tải biển có uy tín trên thế giới chú ý và một trong số đó là Liên minh các chủ tàu chở hóa chất ( Womar POOL) đã kết nạp PVT Logistics vào liên minh. Wormar POOL chiếm 15% số tàu chở hóa chất trên toàn thế giới và là một Liên minh rất có sức mạnh. Tham gia liên minh này, uy tín và thương hiệu của PVT Logistics tăng lên vượt bậc và kèm theo đó là các hợp đồng vận chuyển cũng tới tấp bay về, và dĩ nhiên, giá vận chuyển cũng tăng nhanh.

Năm 2022 là năm đánh dấu bước tiến vượt bậc của PVT Logistics. Công ty đã có lãi 160 tỷ trên 300 tỷ vốn chủ sỡ hữu. Đây là mức lợi nhuận trên vốn chủ sỡ hữu cao vào bậc nhất.

Vào năm 2023, Công ty phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do suy thoái kinh tế, các quốc gia tăng lãi suất và cắt giảm chi tiêu công để chống lạm phát, nhu cầu tiêu dùng giảm, xung đột gữa Nga – Ukraine kéo dài; cùng với những diễn biến tiêu cực trong năm của cuộc xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas – Israel làm cho tình hình địa chính trị căng thẳng.

Giá cước tàu dầu/ hóa chất với size tàu 13.000 DWT giảm so với kỳ vọng. Đặc biệt là tàu hàng rời, sau thời gian đạt cực thịnh 2021 đến hết quý III năm 2022 thì giảm mạnh cho đến hết năm 2023 do nhu cầu vận chuyển thấp đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, hiệu quả cho thuê tàu...

Đặc biệt, Công ty phải dừng sửa chữa docking định kỳ cho 06 tàu trong tổng số 08 tàu công ty đang sở hữu và khai thác không những làm giảm mạnh doanh thu vận tải mà cũng là một khó khăn, thách thức rất lớn khi khối lượng công việc tăng lên một cách đột biến.

Vượt qua không ít những khó khăn, năm 2023, PVT Logistics đã đạt được kết quả kinh doanh khá khả quan, với doanh thu đạt 1.115 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 80 tỷ đồng, lần lượt vượt 6% và 43% kế hoạch; nộp ngân sách 16,7 tỷ đồng, vượt 33% so kế hoạch. PVT Logistics đã hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 120 tỷ đồng và dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm 230 tỷ đồng trong năm 2024.

Giám đốc PVT Logistics Hồ Sĩ Thuận chia sẻ, với sự nỗ lực không mệt mỏi của cả một tâp thể đoàn kết, trong năm qua, PVT Logistics đã đầu tư, thuê bareboat và đưa vào khai thác hai tàu: PVT Jupiter và PVT Pearl, nâng tổng trọng tải lên gần 210.000 DWT, tăng 421,1% so năm 2018. Việc này giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa cả về kích cỡ, loại tàu mà doanh nghiệp sở hữu để đáp ứng nhu cầu vận tải khác nhau của khách hàng.

Năm 2024 tiếp tục là năm có nhiều thách thức, biến động, khó đoán định do căng thẳng địa chính trị gia tăng. Không chỉ vậy, tình trạng hạn hán làm kênh đào Panama hiện chỉ có thể tiếp nhận khoảng 60-70% lượng tàu đi qua ở giai đoạn bình thường đã tác động tiêu cực chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng trưởng kinh tế toàn cầu (hiện được dự báo ở mức thấp, khoảng 2,3%/năm).

Trong bối cảnh khó khăn này, PVT Logistics xác định, cần có giải pháp ứng phó phù hợp và đồng bộ, như: bảo đảm dòng tiền hoạt động trong trường hợp khó khăn; kịp thời đánh giá, dự báo thị trường để có phương án khai thác tàu tối ưu; trên cơ sở ưu tiên tính an toàn, cần có quyết định đầu tư chính xác và quyết liệt.

Năm nay, ngoài việc mạnh dạn đầu tư một tàu hàng rời Handysize và hai dự án đầu tư tàu chở dầu/hóa chất trọng tải 19.000-25.000 DWT, hoặc tàu hàng rời trọng tải 25.000-75.000 DWT…, PVT Logistics sẽ xem xét bán tàu cũ để bổ sung vốn đối ứng đầu tư thêm các tàu mới. Việc tái cấu trúc sẽ góp phần nâng cấp năng lực vận tải, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.