Bất động sản

Xây chung cư phải đánh giá tác động giao thông?

04/04/2024, 06:38

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đánh giá tác động giao thông trước khi triển khai các dự án cao ốc, khu đô thị tại nội đô là cần thiết.

Ùn tắc, ô nhiễm là những hệ lụy từ mật độ xây dựng công trình chung cư, cao ốc dày đặc ở nội đô, song việc đánh giá tác động giao thông lại chưa được xem xét đúng mức.

Nhồi chung cư nội đô, "bức tử" giao thông

Chuyển về sinh sống tại một tòa chung cư trên đường Lê Văn Lương, Hà Nội từ năm 2021, anh Bùi Văn Hoàng (một nhân viên văn phòng ở quận Cầu Giấy) luôn bị ám ảnh và mệt mỏi bởi tình trạng tắc đường vào giờ cao điểm. "Đối mặt với cảnh ùn tắc triền miên khiến tôi rất mệt mỏi. Hàng chục tòa chung cư mọc lên trên tuyến đường này, không tắc mới lạ", anh Hoàng nói.

Xây chung cư phải đánh giá tác động giao thông?- Ảnh 1.

Hàng loạt tòa chung cư được xây dựng đã đè nặng lên hạ tầng giao thông, khiến tuyến đường Nguyễn Tuân (Hà Nội) thường xuyên xảy ra ùn ứ (Ảnh: Tạ Hải).

Theo khảo sát, trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu chỉ dài 2km nhưng có đến 40 dự án chung cư. Gần đó, đường Nguyễn Tuân dài chưa đến 1km cũng có 20 chung cư với 6.000 căn hộ. Các tuyến đường Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Trãi… cũng dày đặc cao ốc. Những con đường này trở thành "điểm đen" ùn tắc và ngập nặng khi mưa lớn.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của thực trạng trên là lâu nay, tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, việc cấp phép dự án chung cư, nhà cao tầng trong nội đô ồ ạt nhưng không được đánh giá về tác động giao thông.

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN cho rằng, tác động của việc "nhồi" chung cư vào nội đô khiến hạ tầng quá tải. Mật độ xây dựng tăng quá nhanh kéo theo gia tăng dân số và nhu cầu đi lại, trong khi không gian công cộng lại giảm.

"Quy hoạch đô thị và giao thông thiếu thống nhất, chưa có sự điều phối chung giữa các cơ quan quản lý. Ngành xây dựng cấp phép dự án dựa trên chỉ tiêu quy hoạch, hệ số sử dụng đất, quy mô tầng cao. Tuy nhiên, việc kết nối công trình với bên ngoài lại thiếu đồng bộ, đặc biệt là giao thông", ông Nguyên cho hay.

Cấp thiết đánh giá tác động giao thông

Trong văn bản gửi Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tham gia ý kiến về dự thảo Luật Đường bộ, Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, các đô thị lớn trên cả nước, đặc biệt là hai đô thị trung tâm Hà Nội và TP.HCM thường xuyên đối mặt với tình trạng mất trật tự ATGT. 

Điển hình là tình trạng ùn tắc trên tuyến đường Lê Văn Lương tại Hà Nội, hay tình trạng ùn tắc, tai nạn diễn biến trong thời gian dài trên các tuyến đường nối với các cảng biển, cảng cạn trong nội thành TP.HCM, Hải Phòng.

Do gia tăng về quy mô dân số và mức độ đô thị hóa, mật độ xây dựng các công trình phục vụ hoạt động kinh tế - xã hội của đô thị cũng tăng trưởng theo cấp số nhân. Các khu vực phát triển sẽ đồng thời thu hút và phát sinh thêm lưu lượng giao thông trong suốt quá trình xây dựng và vận hành.

Việc phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy phép xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, các công trình cao ốc thương mại, văn phòng… làm phát sinh nhu cầu giao thông rất lớn, gia tăng mật độ phương tiện, là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc, tai nạn sau khi các công trình đưa vào khai thác.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đánh giá tác động giao thông trước khi triển khai các dự án cao ốc, khu đô thị tại nội đô là cần thiết. PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt - Đức, Trường đại học Việt Đức cho rằng: "Chúng ta mới chỉ có báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó có phần giao thông, hạ tầng, nhưng rất đơn giản và không có sự thuyết phục".

Theo ông Tuấn, cần sớm cụ thể hóa đánh giá tác động giao thông thành các văn bản quy phạm pháp luật; Quy định về triển khai các dự án phát triển đô thị, đưa ra các công thức, phương pháp… nhằm đánh giá tác động giao thông hài hòa với các trục đô thị liên quan, với không gian và môi trường xung quanh.

Phải tính được lưu lượng, nhu cầu

Đề xuất bổ sung quy định đánh giá tác động giao thông đối với công trình xây dựng lớn kết nối với đường bộ tại dự thảo Luật Đường bộ, Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, chủ đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu dân cư, thương mại dịch vụ, khu hành chính, nơi làm việc của cơ quan, tổ chức… làm phát sinh nhu cầu giao thông lớn có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá tác động giao thông trình cơ quan có thẩm quyền thẩm tra.

Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND cấp tỉnh, thành phố nơi có công trình lớn, thẩm tra và chấp thuận báo cáo đánh giá, tác động giao thông của các công trình lớn kết nối vào quốc lộ. UBND cấp tỉnh, thành phố chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan thẩm tra báo cáo đánh giá tác động giao thông của các công trình lớn kết nối vào đường tỉnh, đường huyện và đường đô thị.

Chính phủ quy định cụ thể về quy mô công trình, trình tự, thủ tục lập, thẩm tra và chấp thuận báo cáo đánh giá tác động giao thông.

Quy định lập báo cáo đánh giá tác động giao thông nhằm yêu cầu chủ đầu tư công trình kết nối vào đường bộ dự tính lưu lượng và mật độ phương tiện phát sinh tương ứng với quy mô công trình khi đưa vào khai thác. Từ đó, đánh giá nhu cầu giao thông và mật độ phương tiện có vượt quá năng lực thông hành của tuyến đường mà công trình dự kiến sẽ kết nối vào hay không.

Trên cơ sở đó, chủ đầu tư phải điều chỉnh quy mô công trình hoặc đề xuất phương án phòng, tránh, khắc phục ùn tắc, tai nạn có thể gia tăng do lượng phương tiện phát sinh.

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, từ nhiều thập niên trước, các quốc gia châu Mỹ, châu Âu và châu Úc đã ban hành tiêu chuẩn và hướng dẫn đánh giá tác động giao thông. Một số quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Singapore đã có quy định, ban hành quy chuẩn hoặc sổ tay hướng dẫn đánh giá giao thông.

Tại Việt Nam, việc thể chế hóa cũng như việc xem xét vai trò của đánh giá tác động giao thông trong việc chủ động ngăn ngừa nguy cơ mất ATGT chưa được chú trọng đúng mức.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.