Y tế

Xét nghiệm dấu ấn ung thư khiến nhiều người mất ăn, mất ngủ

18/10/2023, 16:42

Sau khi nhận kết quả xét nghiệm tầm soát ung thư với dấu ấn ung thư CA72-4 tăng cao, chị Xuân hoang mang, nghĩ mình mắc ung thư dạ dày.

Lo sợ vì dấu ấn ung thư tăng vọt

Nhiều bệnh viện đang tầm soát ung thư sớm với gói xét nghiệm chỉ điểm khối u. Từ xét nghiệm máu, có thể tầm soát ung thư đường tiêu hóa, mật, tụy qua chỉ số CA 19-9, ung thư gan với chỉ số AFP, ung thư dạ dày CA 72-4, ung thư tuyến giáp Tg, ung thư vú CA 15-3…

Chị Nguyễn Thanh Xuân (35 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã liên hệ với bác sĩ chuyên về ung thư sau khi nhận kết quả xét nghiệm máu tầm soát với chỉ số CA72-4 tăng cao (38.3 U/ml), trong khi khoảng tham chiếu 0-6.9 U/ml. Với chỉ số này, chị lo sợ mình mắc ung thư dạ dày.

Chị Xuân vốn không có triệu chứng, tuy nhiên sau khi xem quảng cáo về tầm soát sớm ung thư trên, chị đã đi xét nghiệm 8 chỉ điểm u huyết thanh. Rồi không ít người giống chị Xuân đã mất ăn, mất ngủ khi cầm trên tay kết quả xét nghiệm máu tầm soát ung thư.

Mập mờ xét nghiệm dấu ấn ung thư khiến nhiều người "mất ăn, mất ngủ" - Ảnh 1.

Kết quả xét nghiệm chỉ số CA72-4 tăng cao 38.3 U/ml khiến chị Xuân lo lắng.

Trao đổi với Báo Giao thông, TS.BS Phạm Thị Việt Hương, chuyên ngành Ung thư (hiện công tác tại BV Vinmec) cho biết: Dấu ấn ung thư (chỉ điểm khối u, tumor markers) được sản xuất một lượng lớn bởi khối u, đôi khi có thể phân biệt u lành với ung thư hoặc phát hiện được khối u bằng xét nghiệm máu. Một số dấu ấn ung thư đặc hiệu với một loại ung thư nào đó, số khác gặp trong nhiều loại ung thư. Phần lớn các dấu ấn ung thư còn tăng trong những bệnh không phải là ung thư. Do đó, dấu ấn ung thư sử dụng đơn lẻ không phải là công cụ chẩn đoán ung thư.

"Phần lớn các dấu ấn ung thư có ở mô bình thường, u lành và u ác và không đủ đặc hiệu để dùng cho sàng lọc ung thư.

BS Hương phân tích thêm, ví dụ nhiều người cho rằng nồng độ CA 72-4 trong máu cao hơn mức bình thường chắc chắn là dấu hiệu của ung thư dạ dày. Quan điểm này là hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế chỉ số CA 72-4 có thể tăng cả trong một số bệnh lành tính như: trong viêm tụy (3%), xơ gan (4%), bệnh phổi (17-19%), bệnh khớp (21%), bệnh phần phụ (0-10%), bệnh buồng trứng lành tính (3-4%), kén buồng trứng (25%), bệnh tuyến vú (10%), các bệnh đường tiêu hóa lành tính (5%).

Độ đặc hiệu của CA 72-4 là 60% có nghĩa 100 người mắc ung thư dạ dày thì chỉ có 60 người có nồng độ CA 72-4 tăng trong máu. Do đó, chỉ dựa vào 1 chỉ số CA 72-4 tăng cao hơn so với giá trị bình thường thì chưa khẳng định được là đã bị ung thư dạ dày, nhưng cần kiểm tra sâu hơn để loại trừ bệnh ác tính đó.

Cũng tương tự, với CEA là protein trên bề mặt tế bào, chỉ điểm cho ung thư đại trực tràng, dạ dày ruột, phổi và vú. Tuy nhiên, CEA còn tăng ở người nghiện thuốc lá, xơ gan, polyp trực tràng, viêm loét trực tràng, bệnh tuyến vú lành tính. Không dùng CEA cho sàng lọc ung thư. Ngược lại một người ung thư dạ dày nhưng không nhất định phải có CEA tăng.

CA 19.9 là dấu ấn của ứng thư biểu mô đại trực tràng và tụy. Tuy nhiên nó cũng có thể tăng ở bệnh nhân ung thư gan mật, dạ dày, tế bào gan và nhiều bệnh lành tính như viêm tụy, bệnh dạ dày ruột.

Mập mờ xét nghiệm dấu ấn ung thư khiến nhiều người "mất ăn, mất ngủ" - Ảnh 2.

Theo khuyến cáo của BS Phạm Thị Việt Hương, việc lạm dụng xét nghiệm dấu ấn ung thư hại nhiều hơn lợi.

Không tự xét nghiệm sàng lọc

BS. Hương khẳng định: "Dấu ấn ung thư chỉ tham gia vào công việc tiếp cận chẩn đoán chứ một mình nó không dùng để chẩn đoán ung thư, càng không dùng để sàng lọc phát hiện sớm ung thư. 

Dấu ấn ung thư ở bệnh nhân ung thư tương ứng với kích thước khối u hoặc hoạt động của khối u. Nhưng không phải ung thư nào cũng tăng dấu ấn ung thư khi xét nghiệm. Dấu ấn ung thư chủ yếu được dùng để phân nhóm nguy cơ, tiên lượng, theo dõi đáp ứng điều trị, nghi ngờ tái phát của bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định ung thư".

Với những phân tích trên, BS Hương khuyến cáo, việc lạm dụng xét nghiệm dấu ấn ung thư hại nhiều hơn lợi. Bởi, có bệnh nhân ung thư rồi, nhưng kết quả xét nghiệm không thấy dấu ấn ung thư tăng thì chủ quan nghĩ chỉ bị u lành, chậm trễ điều trị. Hoặc người khoẻ mạnh thấy kết quả xét nghiệm cao hơn chỉ số tham chiếu thì hoảng sợ mất ăn mất ngủ suy sụp, thậm chí lập tức theo lang băm, uống thuốc nam, thuốc bắc gây hại cho bản thân.

"Vì vậy, chẩn đoán ung thư bao gồm hỏi bệnh sử, nhóm tuổi nguy cơ cao bị ung thư đó, các yếu tố nguy cơ, tiền sử phơi nhiễm, khám lâm sàng kỹ lưỡng tìm kiếm triệu chứng và tổn thương, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh như CT scans, MRI..., sinh thiết làm giải phẫu bệnh, sử dụng những dấu ấn ung thư phù hợp nghĩ đến cơ quan hay khối u nào đó. Ngoài ra, cần phải chẩn đoán phân biệt với rất nhiều bệnh lành tính, bệnh không khối u. Không đơn giản là người dân tự mình đi xét nghiệm máu, lãng phí tiền của, gây hoang mang và thậm chí bỏ sót những bệnh thường gặp hơn là bệnh ung thư", BS Hương khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.