Xã hội

Chủ tịch Phan Văn Mãi: TP.HCM cần phát triển công nghiệp đường sắt để tự làm metro

31/08/2023, 13:33

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết TP đặt mục tiêu giai đoạn 1 hoàn thành 200km metro còn lại, giai đoạn kế, TP.HCM phải phát triển ngành công nghiệp đường sắt đô thị để có thể tự làm tiếp nhiều tuyến metro khác.

Sáng 31/8, Báo Sài Gòn giải phóng phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo TP tổ chức tọa đàm Lực đẩy phát triển từ Nghị quyết 98. Buổi làm việc có sự tham gia của nhiều chuyên gia, bộ ngành và TP.HCM diễn ra sau tròn một tháng Nghị quyết 98 có hiệu lực. 

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhận định bộ máy đã làm được nhiều việc, cùng những kết quả tích cực ban đầu, đóng góp vào sự phát triển và nâng cao đời sống tinh thần của người dân thành phố.

10.000ha đất có thể làm TOD

Đặc biệt trong quy hoạch, xây dựng hạ tầng, Nghị quyết 98 cho phép TP thí điểm mô hình TOD đối với các vùng phụ cận dự án metro số 1, 2, vành đai 2, 3, 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài... 

"TP.HCM đã rà soát quỹ đất dọc các nhà ga và vùng phụ cận nút giao thông những dự án này, có gần 10.000ha đất cùng nhiều đất công có thể huy động để khai thác, chuyển hóa nguồn lực để đầu tư các công trình khác", ông Mãi cho biết. 

Theo lãnh đạo TP.HCM, triển khai mô hình TOD không chỉ khai thác quỹ đất, mà còn là động lực để TP mạnh dạn điều chỉnh quy hoạch theo mô hình đô thị đa trung tâm. Nếu làm tốt TOD, TP vừa có kinh tế phát triển hạ tầng, vừa có thể đẩy nhanh mô hình đô thị đa trung tâm. 

Chủ tịch Phan Văn Mãi: TP.HCM cần phát triển công nghiệp đường sắt để tự làm metro - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi tọa đàm sáng 31/8. Ảnh: Quang Huy

"Ví dụ với khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7), từ đây vào trung tâm hơn 40 phút, từ Phú Mỹ Hưng đến sân bay khoảng 40 phút nữa. Điều này khiến TP chưa thể phát triển", lãnh đạo TP dẫn ví dụ. 

Transit Oriented Development, mô hình lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị sẽ là tương lai phát triển của TP.HCM.

Theo các chuyên gia, mô hình đô thị TOD được kỳ vọng giải quyết các vấn đề giao thông cấp bách trong nội đô, đồng thời, thúc đẩy việc mở rộng không gian phát triển cho thành phố ra khu vực ngoại vi. Thí điểm mô hình TOD cũng là cơ chế đặc biệt trong Nghị quyết 98 của Quốc hội áp dụng lần đầu cho TP.HCM.

Mở rộng gấp đôi hệ thống metro 

TP.HCM có 8 tuyến metro theo quy hoạch, nhưng sau 20 năm triển khai chưa có tuyến nào hoàn thành. Ngoài tuyến 2 đang triển khai bước đầu, các tuyến khác chưa được đầu tư. 

Với khó khăn về nguồn lực hiện nay, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết Nghị quyết 98 cũng cho phép TP huy động trái phiếu quốc tế, trong nước để xây hoàn thiện hệ thống metro.

"Lãnh đạo TP sắp ngồi với tổ metro bàn về việc huy động nguồn vốn đủ lớn để xây đồng bộ 200km metro còn lại", Chủ tịch Phan Văn Mãi thông tin.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết để hoàn thành hệ thống metro, TP cần nguồn lực rất lớn với mô hình tổ chức đột phá tương tự vành đai 3. Nếu tiến hành như cách làm thông thường, giai đoạn chuẩn bị cho metro phải mất 7-9 năm, hơn 20 năm mới có thể xong một tuyến. 

TP.HCM xác định cần rút ngắn thời gian chuẩn bị còn 3 năm. Đồng thời, thành phố chia rõ giai đoạn 1 hoàn thành 200km metro còn lại. Giai đoạn kế, TP phải phát triển ngành công nghiệp đường sắt đô thị để có thể tự làm tiếp nhiều tuyến metro khác.

Chủ tịch Phan Văn Mãi: TP.HCM cần phát triển công nghiệp đường sắt để tự làm metro - Ảnh 2.

Đoàn tàu metro số 1 chạy trình diễn trên toàn tuyến hôm 29/8. Ảnh: Chí Hùng

"Sau khi điều chỉnh quy hoạch, 8 tuyến metro dự kiến hoàn thành đồng bộ vào năm 2035 theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị. Sau đó, TP tiếp tục mở rộng hệ thống metro lên gấp đôi, tự vận hành", lãnh đạo TP đặt mục tiêu và cho biết điểm thuận lợi hiện nay là Nghị quyết 98 cho phép TP đề xuất với cấp thẩm quyền giải quyết các vấn đề lớn như trên.

Chủ tịch Phan Văn Mãi khẳng định tư duy của TP.HCM là không phải triển khai Nghị quyết 98 bằng nhân lực, tài lực của hệ thống chính trị. TP sẽ mời gọi sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, chuyên gia với những dự án, công trình cụ thể. TP xác định nghị quyết mở ra là để doanh nghiệp TP phát triển hơn, khi doanh nghiệp TP dẫn đầu, thành phố sẽ tự động nâng năng lực cạnh tranh quốc tế. Bên cạnh đó, việc thực hiện thành công nghị quyết còn đóng góp quan trọng vào thực thi thể chế quốc gia.

Ngày 24/6/2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Tròn một tháng kể từ ngày Nghị quyết 98 có hiệu lực, đến nay, thành phố đã thể chế hóa nhiều nội dung như: thí điểm thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Thủ Đức; thành phố bố trí vốn đầu tư công cho chương trình giảm nghèo bền vững; HĐND thành phố cũng thông qua nghị quyết bố trí ngân sách 2.900 tỷ để thực hiện dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; tăng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 lên gần 100.000 tỷ đồng...


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.