Quản lý

Gia Lai: Đột phá trong quy hoạch, giao thông được ưu tiên

31/12/2023, 20:45

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung của Gia Lai đến năm 2050 dựa trên phát triển hạ tầng theo hướng đồng bộ và hiện đại, tập trung đảm bảo cho các ngành lĩnh vực ưu tiên đi trước một bước...

Ngày 31/12, ông Trương Công Hoài, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh này vừa được Chính phủ phê duyện Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Gia Lai: Đột phá trong quy hoạch, giao thông được ưu tiên- Ảnh 1.

Thủ tướng thống nhất quy hoạch chung đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa tỉnh Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên. Trong ảnh: Hàng thông trăm tuổi tại xã Nghĩa Hưng, Chư Păh, Gia Lai (Ảnh: Ngọc Hòa).

Năm 2030, thu nhập 5,5 nghìn USD/năm

Theo quy hoạch, Gia Lai có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 9,57%/năm. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân 9,20%/năm và giai đoạn 2026-2030 đạt bình quân 9,92%/năm.

Tỷ trọng kinh tế số so với GRDP khoảng 30%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 133 triệu đồng, tương đương 5.500 USD. 

Để đạt mục tiêu trên, Gia Lai định hướng phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; Nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh; Là trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Là tỉnh tiên phong trong vùng về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số và kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh; Nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu. 

Gia Lai cũng chú trọng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, phục vụ nông nghiệp. Phát triển dịch vụ logistics, khoa học công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp. 

Chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân. Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa tỉnh Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên. 

Gia Lai cũng quan tâm xây dựng năng lực đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng bản sắc văn hóa Gia Lai, trọng tâm là con người Gia Lai, chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Đảm bảo quốc phòng, giữ gìn an ninh trật tự, cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Gia Lai: Đột phá trong quy hoạch, giao thông được ưu tiên- Ảnh 2.

Thủ tướng thông qua quy hoạch đường HCM tuyến tránh TP Pleiku trở thành cao tốc.

Nền tảng hạ tầng giao thông kiến tạo phát triển

Thủ tướng thông qua quy hoạch Gia Lai sẽ có hai tuyến cao tốc đi qua gồm: Cao tốc Pleiku - Quy Nhơn dài 104km. Cao tốc Bắc - Nam phía tây, đoạn đường Hồ Chí Minh, tuyến tránh TP Pleiku, Gia Lai dài 97km gồm (Ngọc Hồi, Kon Tum đi Pleiku và Pleiku đi Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).

Đối với cửa ngõ quốc tế, gồm hai cửa ngõ: Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh là cửa ngõ quan trọng trên Hành lang Đông - Tây kết nối vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng tại khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, là đầu mối kết nối hàng hóa, du lịch, dựa trên các dịch vụ về thương mại, du lịch cửa khẩu, logistics, kho bãi, sản xuất nông cụ, chế biến nông, lâm sản và trao đổi văn hóa, triển lãm quốc tế.

Cảng hàng không Pleiku hướng tới là cửa ngõ quốc tế trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hóa của tiểu vùng Bắc Tây Nguyên, kết nối tỉnh Gia Lai với các vùng động lực quốc gia, các trung tâm kinh tế lớn trong nước và mở rộng kết nối quốc tế. Hình thành các chức năng, dịch vụ tiện ích tiêu chuẩn cao như đô thị, logistics, du lịch, thương mại, y tế, thể thao.

Ba hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh (gắn với quốc lộ 14 - Đường Hồ Chí Minh): Kết nối khu vực phía Bắc với tỉnh Kon Tum, khu vực phía Nam với các tỉnh Tây Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh. Là hành lang thương mại - dịch vụ - công nghiệp của tỉnh, liên kết các đầu mối hạ tầng cơ sở cấp vùng, các cơ sở công nghiệp dọc tuyến và các khu chức năng khác.

Hành lang kinh tế Đông - Tây (gắn với quốc lộ 19): Kết nối từ cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đến thành phố Quy Nhơn, liên kết phát triển địa bàn các đô thị: Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, thị trấn Chư Ty, thành phố Pleiku, Đak Đoa, Mang Yang, Đak Pơ và thị xã An Khê. Là thành lang phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, trung tâm trung chuyển logistics, thông thương hàng hóa giữa Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) với cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).

Hành lang kinh tế quốc lộ 25: Kết nối với tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa, liên kết phát triển các địa bàn đô thị thành phố Pleiku, huyện Chư Sê, huyện Chư Pưh, huyện Phú Thiện, thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa. Kết nối tỉnh Gia Lai với Khu kinh tế Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Khu kinh tế Nam Phú Yên (tỉnh Phú Yên). Đây là hành lang phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.