Xã hội

Cần ngăn chặn khai thác thủy hải sản quá mức, tận diệt

25/11/2023, 20:27

Tình trạng khai thác thủy hải sản quá mức đang diễn ra nhiều nơi trên vùng biển Việt Nam, làm cạn kiệt cá, tôm và các thủy hải sản khác.

Chiều 25/11, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức tọa đàm "Bảo vệ môi trường biển để phát triển kinh tế biển bền vững tại tỉnh Bình Thuận". Đây là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện "Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển".

Ngăn chặn khai thác thủy hải sản quá mức, tận diệt - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Tặng quà cho 5.600 ngư dân bám biển

Chương trình sẽ góp phần hiệu quả trong việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của bà con ngư dân khi tham gia đánh bắt trên biển, ý thức bảo vệ môi trường biển, bảo vệ nguồn nội sinh của biển. Qua đó góp phần đưa kinh tế biển của tỉnh nhà ngày càng phát triển gắn liền với những giá trị bền vững.

Qua đó, tỉnh Bình Thuận, bà con ngư dân của tỉnh nhà sẽ tiếp tục cùng Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương, cấp bách tháo gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt Nam theo Kế hoạch hành động mà Thủ tướng đã ban hành.

Chương trình "Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển" đã được tổ chức tại 8 tỉnh, thành, gồm: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Quảng Trị, Phú Yên, Bạc Liêu, Quảng Bình và gần đây nhất là tỉnh Bến Tre. Với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Hỗ trợ bà con ngư dân an tâm bám biển, khẳng định, gìn giữ chủ quyền biển đảo của tổ quốc.

Trong ba năm từ 2023 đến 2025, chương trình dự kiến thực hiện tại 28 tỉnh thành có biển trong cả nước. Tổng cộng có 5.600 ngư dân trong cả nước được nhận quà từ chương trình. Tổng kinh phí thực hiện chương trình dự kiến hàng chục tỷ đồng.

Ngăn chặn khai thác thủy hải sản quá mức, tận diệt - Ảnh 2.

Ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Danh dự của chương trình, cùng ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận trao tặng quà cho ngư dân.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng và các chuyên gia cũng sẽ thông tin đến bà con ngư dân những diễn biến mới nhất về hoạt động tháo gỡ thẻ vàng châu Âu đối với hải sản Việt. Vai trò của bà con ngư dân trong vấn đề này và các đối sách quan trọng khác...

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh có đường bờ biển dài 192km, dọc ven bờ có 6 cửa sông lớn đổ ra biển.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo vệ môi trường biển, Bình Thuận đã ban hành nhiều chương trình hành động, văn bản, kế hoạch nhằm giảm thiểu, ngăn chặn ô nhiễm môi trường biển.

Tỉnh Bình Thuận cũng sẽ ưu tiên tập trung đầu tư cho các nguồn lực, cơ sở hạ tầng, vật chất; tăng cường theo dõi, xử lý vi phạm; tuyên dương khen thưởng các giải pháp, sáng kiến, mô hình hay về bảo vệ môi trường.

Cần ngăn chặn đánh bắt hải sản kiểu hủy diệt

Tại buổi tọa đàm PGS.TS Vũ Thanh Ca - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, hiện nay, nguồn lợi thủy sản biển Việt Nam nói chung và nguồn lợi thủy sản biển tỉnh Bình Thuận đang bị cạn kiệt rất nhanh. Môi trường biển ngày càng bị ô nhiễm đặt ra nhiều thách thức.

Sự suy giảm nguồn lợi thủy sản và ô nhiễm môi trường biển đã gây ra những ảnh hưởng xấu tới thu nhập và đời sống người dân sống nhờ vào biển, đặc biệt là ngư dân và những người nuôi trồng thủy sản.

Ngăn chặn khai thác thủy hải sản quá mức, tận diệt - Ảnh 3.

PGS-TS Vũ Thanh Ca phát biểu tại tọa đàm.

Vậy chúng ta cần phải làm gì để ngăn chặn xu thế cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và ô nhiễm môi trường để đảm bảo khai thác nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản để nuôi sống, làm giàu cho chúng ta và con cháu chúng ta.

Chúng ta khai thác cả những loài hải sản khi chúng còn rất nhỏ, thí dụ con ghẹ chỉ nhỏ bằng đồng xu, con cá thu, cá hố chỉ nhỏ bằng hai ngón tay. Khai thác như vậy thì còn đâu hải sản để chúng ta đánh bắt?

Ngoài ô nhiễm môi trường, do hiện tượng đánh bắt quá mức, thậm chí đánh bắt bằng các hình thức hủy diệt, cùng với tác động của biến đổi khí hậu, nhiều hệ sinh thái biển quan trọng trên địa bàn tỉnh như rạn san hô, thảm cỏ biển bị suy thoái tới mức nghiêm trọng.

Hiện tượng đánh bắt quá mức cũng gây mất cân bằng sinh học của các hệ sinh thái biển, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Nếu không có các biện pháp quyết liệt, chúng ta sẽ chẳng còn gì để đánh bắt cho tương lai và con cháu chúng ta sẽ rất khó khăn.

Để đảm bảo sinh kế cho bà con ngư dân, các cơ quan quản lý Nhà nước phải làm tốt hơn việc quản lý nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Việc quản lý nguồn lợi thủy sản chỉ có thể thực hiện được nếu có sự tham gia tích cực của bà con ngư dân.

Theo Báo cáo của Tổng cục Thủy sản và Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong thời gian từ năm 1995-2020, tổng sản lượng thủy sản Việt Nam tăng trưởng với tốc độ trung bình khoảng 8%/năm.

Năm 2020, tổng lượng thủy sản đánh bắt ở nước ta là 3,85 triệu tấn; trong đó có 94,6%, hay hơn 3,64 triệu tấn là lượng hải sản đánh bắt từ biển. Đây là lượng hải sản được đánh bắt rất lớn nếu so với khả năng khai thác tiềm năng của biển Việt Nam. Việc đánh bắt quá mức nguồn lợi thủy sản đã làm biển Việt Nam cạn kiệt cá, tôm và các loại hải sản khác.

Ngoài đánh bắt quá mức, một số người còn sử dụng các ngư cụ và hình thức đánh bắt trái phép, bị cấm. Ngoài ra, nhiều loài thủy sản bị đánh bắt vào mùa chúng đẻ trứng, trứng nở ra con non nên tận diệt các thế hệ thủy sản mới.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.