Y tế

Nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh "nhà giàu"

05/01/2024, 12:00

BV Nội tiết Trung ương thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh đái tháo đường type 2 trẻ tuổi. Phần lớn bệnh nhân thường có thói quen dùng đồ ăn nhanh, ít vận động...

Hệ lụy do lười vận động, lạm dụng đồ ăn nhanh

Mới đây, Khoa Thận tiết niệu – Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận nữ bệnh nhân tên P.T.T, (16 tuổi, Hà Nội) được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới sau 7 ngày dùng thuốc nhưng đường huyết không ổn định.

Trước đó, T đau đầu, chóng mặt khoảng 10 ngày thì đi khám tại bệnh viện tỉnh và được chẩn đoán mắc đái tháo đường. Khi được chuyển về Bệnh viện Nội tiết Trung ương, T được kết luận mắc đái tháo đường – rối loạn chuyển hóa, kháng insulin, béo phì độ 2 (cao 1m70 và nặng 90 kg), gai đen vùng cổ, buồng trứng đa nang.

Ngày càng nhiều người trẻ mắc căn bệnh "nhà giàu", bất chấp nguyên nhân ai cũng biết- Ảnh 1.

Lối sống hiện đại, lười vận động, ăn đồ ăn nhanh... dễ dẫn tới béo phì, rối loạn chuyển hóa. (Ảnh minh họa).

Theo chia sẻ, bà nội và bà ngoại bệnh nhân đều mắc đái tháo đường. Thiếu nữ này thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh, chiên rán, ít vận động và ngồi hàng giờ đồng hồ. Hai năm gần đây, bệnh nhân tăng cân nhanh bất thường.

Ngoài thuốc điều trị, các bác sĩ cũng đã hướng dẫn bệnh nhân thay đổi chế độ ăn uống và tăng cường luyện tập thể lực để cải thiện cân nặng; hỗ trợ tốt hơn cho quá trình điều trị bệnh đái tháo đường – rối loạn chuyển hóa đang gặp phải.

Cùng thể trạng béo phì hơn 90kg và đang điều trị tại đây, N.H.A (27 tuổi, Hà Nội) cho biết tình cờ một hôm, cô gái này đi tiểu nhiều lần trong ngày. Vài ngày sau, bệnh nhân bị phát ban, ngứa khắp người nên đã đi khám da liễu. Bác sĩ nói chỉ số đường huyết của cô cao quá nên đã giới thiệu sang bệnh viện nội tiết.

Khi đó, chỉ số đường huyết của H.A ở mức rất cao nên được chỉ định điều trị nội trú. Trong 2 tuần ở đây, H.A đã chứng kiến không ít hình ảnh bệnh nhân mắc đái tháo đường gặp biến chứng phải tháo khớp, đoạn chi, suy thận mạn, biến chứng tim mạch…

"Vào đây nghe bác sĩ giải thích cơ chế bệnh, em mới biết chính thói quen thích ăn đồ ăn nhanh, đồ nướng, gà rán cộng thêm tính chất công việc chỉ ngồi văn phòng, nặng ký nên lười vận động thể dục thể thao… là nguyên nhân gây bệnh rối loạn chuyển hóa này", H.A chia sẻ.

Thay đổi thói quen để phòng đái tháo đường

BS Lâm Mỹ Hạnh, Phó trưởng Khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho hay nếu trước đây đái tháo đường type 2 hay gặp ở người lớn tuổi, thì nay tỷ lệ bệnh nhân trẻ tuổi mắc đái tháo đường chiếm khoảng từ 20-30%.

"Chính việc ăn uống thiếu tiết chế dẫn tới thừa cân béo phì và lối sống tĩnh tại là 2 yếu tố nguy cơ khiến cho người trẻ tiến gần đến căn bệnh đái tháo đường", BS Hạnh cho biết.

Các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh đái tháo đường type 2 ở người trẻ thường là thể trạng thừa cân, béo phì; Có yếu tố gia đình, có thành viên trong nhà như bố, mẹ, anh em mắc đái tháo đường; Có lối sống tĩnh tại, lười vận động và ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo, giàu năng lượng. Nữ giới trẻ tuổi nếu mắc hội chứng buồng trứng đa nang có thể gây ra tình trạng kháng insulin, tăng nguy cơ mắc đái tháo đường.

Để nhận diện sớm căn bệnh này, BS Hạnh cho biết cần lưu ý các dấu hiệu như khát nước nhiều, tiểu nhiều, sút cân nhiều, vết thương lâu liền, mệt mỏi, tê bì tay chân cảm giác như kiến bò, kim châm hoặc nhìn mờ

Đái tháo đường type 2 có thể phòng ngừa bằng việc thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống hàng ngày. Theo khuyến cáo từ Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới, để phòng bệnh cần lưu ý:

- Chọn nước lọc, cà phê hoặc trà thay vì chọn nước ép trái cây có đường, nước ngọt, hoặc đồ uống có đường khác.

- Ăn ít nhất 3 suất rau mỗi ngày, kể cả rau xanh lá.

- Ăn tối đa 3 suất trái cây tươi mỗi ngày.

- Ăn trái cây tươi, hoặc sữa chua không đường cho bữa ăn nhẹ.

- Hạn chế đồ uống có cồn.

- Chọn thịt nạc trắng, thịt gia cầm hoặc hải sản thay vì thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn.

- Chọn bơ đậu phộng thay vì sô cô la hoặc mứt.

- Chọn bánh mì, gạo hoặc mì ống nguyên cám thay vì bánh mì trắng, gạo hoặc mì ống.

- Chọn chất béo không no (dầu ô liu, dầu canola, dầu ngô, hoặc dầu hướng dương) thay vì chất béo bão hòa (bơ, chất béo động vật, dầu dừa hoặc dầu cọ).


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.