Thi viết về GTVT

Những ngày gian khổ xóa đường đất vùng biên viễn Gia Lai

19/06/2023, 13:33

Là tuyến giao thông rất quan trọng ở vùng biên, dẫu gọi là quốc lộ nhưng thực ra, việc xóa đường đất chỉ mới hoàn thành chưa lâu.

Từ một con đường mòn giữa trùng điệp núi rừng, tuyến đường 14C dần được kiên cố hóa. Đường hoàn thành đến đâu, bộ mặt nông thôn vùng biên phía Tây tỉnh Gia Lai khởi sắc đến đó.

Từ tuyến đường lịch sử

img

QL14 C đoạn qua huyện Đức Cơ - Gia Lai

QL14C đoạn qua tỉnh Gia Lai từ cầu Sê San (Ia Grai) đến giáp Ia Mơ (Chư Prông), có chiều dài gần 90km đều giáp vùng biên giới. Nếu cắt ngang đường rồi đi khoảng vài km là đến đất Campuchia.

Là tuyến giao thông huyết mạch, có vai trò rất quan trọng ở vùng biên, dẫu gọi là quốc lộ nhưng thực ra, việc xóa đường đất chỉ mới hoàn thành từ đầu năm 2023.

“Đó là cả một quá trình dài”, ông Lê Văn Hạnh, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai hào hứng kể về những ngày bắt đầu nhận công tác trong ngành GTVT Gia Lai - Kon Tum.

Ông kể, 14C vốn là con đường vận tải hàng hóa, đưa bộ đội vào chiến trường miền Nam. Tuyến đường luồn sâu trong rừng, nằm bí mật ở Tây Trường Sơn. Những nơi con đường đi qua không có người dân sinh sống.

“Thời điểm đó, tuyến đường chỉ đơn giản là để xe ô tô có thể chạy suốt được vào miền Nam. Xe tới đâu được thanh niên xung phong hỗ trợ tới đó. Cứ thế, con đường nối dài vào Đông Nam Bộ phục vụ chiến trường”, ông Hạnh kể.

Rồi chiến tranh đi qua, đường 14C ít ai lui tới. Chỉ thi thoảng những cán bộ biên phòng vẫn men theo để bảo vệ vùng biên.

Năm 1987, sau khi tốt nghiệp đại học ngành GTVT, ông Hạnh vào Gia Lai (lúc đó tỉnh Gia Lai - Kon Tum chưa chia tách) công tác tại Công ty Tư vấn xây dựng giao thông Gia Lai - Kon Tum (thuộc Ty giao thông Gia Lai - Kon Tum). 36 năm trước, tỉnh có chủ trương khảo sát toàn tuyến 14C đoạn từ Bờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum đến Ea Sup, Đăk Lắk), lúc này 14C có tên gọi là tỉnh lộ 661.

Đi bộ, lội rừng cả tháng khảo sát tuyến

Năm 1987, ông Hạnh là cán bộ tham gia đoàn khảo sát, tuyến đường hầu như chỉ là đường mòn giữa rừng... Nhiệm vụ của đoàn khảo sát là đánh giá hiện trạng và báo cáo phương án đảm bảo giao thông.

Theo ông Đoàn Hữu Dũng, Giám đốc Sở GTVT Gia Lai, quốc lộ 14C kết nối tỉnh Gia Lai với Kon Tum và Đắk Lắk, góp phần thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh.

Tuyến còn tạo động lực lớn để các doanh nghiệp, người dân mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế ở vùng biên.

Có vị trí, tầm quan trọng đặc biệt nên khi tuyến đường hoàn thành đến đâu thì nơi đó gần như lột xác đến đấy, bộ mặt nông thôn vùng biên giới ngày càng khởi sắc.

“Tỉnh Gia Lai mong muốn các cấp thẩm quyền nghiên cứu để sớm tiếp tục đầu tư hoàn thiện tuyến đường này để đảm bảo tiêu chí đường cấp 4”, ông Dũng chia sẻ.


“Quá trình khảo sát tuyến vô cùng khó khăn, phức tạp, hầu như đoàn phải đi bộ, lội rừng cả tháng trời. Vất vả nhất là việc tính phương án làm ngầm đá để xe cơ giới có thể đi vượt sông Sê San, vượt các suối đèo. Và sau chuyến đi ấy, đường tỉnh 661 dần thành hình hài như bây giờ”.

Năm 1987, sông Sê San chưa bị ngăn đập để làm thủy điện. Đoạn giáp ranh giữa địa phận Gia Lai và Kon Tum bấy giờ bị chia cắt bởi một nhánh lớn đổ về sông mẹ Mê Kông ở đất Campuchia.

Chính vì thế, đoạn ngầm Sê San của tỉnh lộ 661 là ngầm lớn nhất, khó tính toán thi công nhất, do dòng nước đổ về rất mạnh. Lúc đó, chỉ có phương án làm cầu tràn bắc qua các ngọn của đá giữa dòng để vượt sông, nhịp dài nhất tới 24m.

Cũng theo ông Hạnh, thời điểm thi công đường 14C gặp rất nhiều khó khăn. Lúc đó, khu vực dọc đường 14C không có người dân ở. Việc vận chuyển vật liệu xây dựng rất khó khăn.

Rồi cứ thế, đến năm 1990, các ngầm đá vượt suối Đôi ở Đức Cơ, suối Ea Drăng (Chư Prông) và hơn chục ngầm khác được ngành GTVT hoàn thành, giao thông đảm bảo. Tuy nhiên, đó vẫn là con đường đất nhỏ hẹp.

“Tuyến đường hoàn toàn là đường đất nên mùa khô bụi mù, mùa mưa thì lầy lội. người dân đi lại rất vất vả. Và cũng chính điều đó đã thôi thúc ngành GTVT tỉnh Gia Lai phải sớm triển khai nâng cấp tuyến đường, góp phần phát triển kinh tế vùng biên”, ông Hạnh nói.

Niềm vui đường mới

Ông Hà Anh Thái, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai kể, năm 1993, ông bắt đầu đặt chân đến mảnh đất Tây Nguyên này.

Nhiệm vụ đầu tiên ông được giao là cùng đoàn khảo sát toàn tuyến đường 14C để làm cầu. Và phải tới năm 2010, toàn bộ 15 cây cầu trên tuyến mới được thi công xây dựng, góp phần nối mạch một dải biên giới. Ngoại trừ cầu, suốt toàn tuyến cũng chỉ có đường đất. Phải tới đầu năm 2023, toàn bộ gần 90km đường 14C đoạn qua tỉnh Gia Lai mới được trải nhựa.

Gần 10 năm trước (năm 2014), 24km đầu tiên do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, triển khai thi công thảm nhựa với 3 đoạn cấp bách tại Ia Grai (Km115 - Km121), Đức Cơ (Km143 - Km151), Chư Prông (Km 186+500 - Km190).

“Khi đó, chúng tôi vui mừng khôn xiết vì khi con đường hình thành sẽ tạo sức bật giúp người dân vùng biên thuận lợi trong đi lại, phát triển kinh tế”, ông Hạnh kể. Dù vậy, nhiều người vẫn không khỏi trăn trở khi vẫn còn 66km của đường 14C là đường đất.

Sau đó, Sở GTVT Gia Lai đã làm việc với Tổng cục Đường bộ VN (nay là Cục Đường bộ VN) để bàn cách kiên cố hóa con đường, dần xóa đường đất.

Tổng cục Đường bộ VN đã đồng ý để Sở GTVT tỉnh Gia Lai triển khai nhưng vấn đề khó là kinh phí đầu tư lớn. Tổng cục đã thống nhất để tỉnh Gia Lai sử dụng nguồn ngân sách bảo trì đường bộ. Ngặt nỗi, nguồn này không lớn nên chỉ triển khai ở mức giải phóng hành lang quy hoạch chỉ giới 30m, thi công làm nền đường và mặt đường là 5,5 - 6m.

“Từ năm 2016, mỗi năm Gia Lai triển khai kiên cố được khoảng 12 - 15km. Và tháng 1/2023, chính thức toàn tuyến quốc lộ 14C qua Gia Lai không còn đường đất”, ông Hạnh nói và cho biết, việc này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với phát triển kinh tế địa phương và đời sống người dân.

Từ năm 2016 đến nay, 66km đường đất qua vùng biên giới được kiên cố hóa. Đường giao thông tới đâu, nhà mới khang trang mọc lên tới đó, phương tiện đi lại nườm nượp khiến những người tham gia mở đường từ những ngày đầu như ông Hạnh, ông Thái vô cùng hạnh phúc.

Quốc lộ 14C là một trong những nhánh quan trọng của hệ thống đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tuyến đường này có chiều dài 566km (chưa tính đoạn qua tỉnh Tây Ninh và Long An), nối các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Sau năm 1975, tại Gia Lai - Kon Tum tuyến đường được gọi là tỉnh lộ 661. Đến tháng 6/1996, Bộ GTVT quyết định chuyển thành quốc lộ 14C. Quốc lộ 14C có điểm đầu tại ngã tư Plei Kần (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), chạy qua các tỉnh Kon Tum - Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và kết thúc tại huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.