360° xe

Nổ máy xe bằng nguồn điện ngoài thế nào mới an toàn?

16/10/2015, 09:59

Kích nổ xe từ nguồn điện ngoài thông qua cáp dự phòng luôn là giải pháp hiệu quả, nhưng thế nào mới an toàn?

20

Quy trình thực hiện kích nổ xe bằng cáp dự phòng không khó, nhưng thao tác phải đảm bảo an toàn - Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Minh Phương, Kỹ sư trưởng Bộ phận dịch vụ sửa chữa của một hãng xe lớn tại Hà Nội cho rằng, quy trình thực hiện kích nổ xe bằng cáp dự phòng không khó, nhưng thao tác đảm bảo an toàn thì không phải ai cũng biết.

Để thực hiện điều này, người sử dụng xe nên chuẩn bị sẵn một bình ắc-quy dự phòng và một bộ cáp nối điện trên xe. Trong trường hợp không có ắc-quy dự phòng thì phải nối điện từ xe khác.

Theo ông Phương, khi nối cáp dự phòng vào ắc-quy trên xe phải tuyệt đối không được để dây lửa (dây nối với cực dương ắc-quy) chạm vào thân xe vì sẽ gây nguy hiểm cho hệ thống điện. Nối một đầu dây đỏ với cực dương của ắc-quy (ký hiệu (+) hoặc nắp cực màu đỏ), đầu còn lại của dây đỏ với cực dương (+) của ắc-quy trên xe khác.

Tương tự, dây đen sẽ được nối vào cực âm (-) với một đầu trên ắc-quy của xe khác và đầu còn lại nối với chi tiết bằng kim loại trên thân/động cơ xe hỏng ắc-quy, chứ không nối vào cực âm của ắc-quy hỏng.

Tuyệt đối không để hai đầu dây nối chạm vào nhau khi kích nổ. Sau khi nổ được máy xe, nên để động cơ chạy không tải vài phút sẽ giúp nạp thêm điện vào ắc-quy và giảm dòng điện phóng từ ắc-quy kích nổ, trước khi ngắt kết nối dây với nguồn điện kích nổ.

Lưu ý, đừng để xe bị tắt máy sau khi đề nổ, nên duy trì động cơ chạy tối thiểu 30 phút trong điều kiện tắt đèn, điều hòa và các thiết bị cần sử dụng điện trên xe.