Hàng hải

Tổng thư ký IMO: Sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển hàng hải, bảo vệ môi trường

12/05/2023, 16:28

Tổng thư ký IMO làm việc với Bộ GTVT, khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế biển, hàng hải.

Hôm nay (12/5), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã tiếp và làm việc với ông Ki Tack Lim, Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) về thúc đẩy phát triển lĩnh vực hàng hải Việt Nam.

Cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã dành thời gian tiếp đoàn công tác IMO, Tổng thư ký IMO Ki Tack Lim gửi lời chúc mừng Chính phủ và nhân dân Việt Nam về những thành tựu trong phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế biển nói chung, lĩnh vực hàng hải nói riêng.

img

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tiếp và làm việc với Tổng thư ký IMO Ki Tack Lim, hai bên thống nhất tăng cường hợp tác lĩnh vực hàng hải

Chúc mừng Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Nhóm công tác giao thông hàng hải ASEAN lần thứ 44, Tổng thư ký IMO chia sẻ một số nội dung mà IMO đang triển khai và đề nghị Việt Nam tích cực ủng hộ. IMO đang quyết liệt triển khai chương trình giảm phát thải trong ngành hàng hải và IMO mong rằng Việt Nam nỗ lực thực hiện các cam kết của mình. Trong đó, IMO có sáng kiến thành lập quỹ về bảo vệ môi trường biển; các hãng tàu lớn sử dụng đội tàu lớn, phát thải nhiều sẽ đóng góp để có nguồn quỹ hỗ trợ các nước khác trong thực thi cam kết.

“Việt Nam là quốc gia rất giàu tiềm năng trong phát triển hàng hải và kinh tế biển. Mong rằng Việt Nam quan tâm sáng kiến này, là một trong các quốc gia tiên phong đi đầu trong các quốc gia đang phát triển. Việt Nam cũng nên cân nhắc vị trí tùy viên tại IMO để phụ trách toàn bộ lĩnh vực hàng hải từ cảng, vận tải, đội tàu, đóng tàu...

Việt Nam cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm mình với các quốc gia đang phát triển khác. IMO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển hàng hải, quan tâm nhiều hơn vào các công ước của IMO, đặc biệt chương trình giảm phát thải”, Tổng thư ký IMO Ki Tack Lim nói.

Chào mừng ông Ki Tack Lim và các đồng nghiệp đến thăm và làm việc với Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao chuyến thăm đầu tiên của Tổng thư ký IMO đến Việt Nam. Đặc biệt là trong bối cảnh năm 2024 đánh dấu 40 năm Việt Nam gia nhập IMO (1984-2024) và kỷ niệm chặng đường gần 60 năm hình thành và phát triển của ngành hàng hải Việt Nam (5/1965 - 5/2023), coi đây là minh chứng cho hợp tác giữa Việt Nam và IMO cũng như sự quan tâm của cá nhân ông Tổng thư ký và IMO đối với Việt Nam.

Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò quan trọng của Liên hợp quốc (LHQ) và các tổ chức trực thuộc LHQ, trong đó có vai trò tiên phong của IMO trong lĩnh vực hàng hải. IMO giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự hợp tác giữa các chính phủ trong lĩnh vực kỹ thuật và các lĩnh vực khác của giao thông đường biển, tiến tới thống nhất ở mức cao nhất các tiêu chuẩn về an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường biển và giao thông trên biển thông qua việc xây dựng các công ước quốc tế về hàng hải.

Trong chặng đường gần 40 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập IMO, Việt Nam đã gia nhập 24 công ước quốc tế và nghị định thư liên quan trong lĩnh vực hàng hải, bao gồm các công ước lớn/trụ cột của IMO. Bên cạnh việc gia nhập và thực thi nghiêm ngặt các công ước của IMO, Việt Nam cũng luôn chủ động tham gia tích cực và có trách nhiệm hơn, đóng góp thực chất hơn vào các hoạt động của IMO.

img

Tổng thư ký IMO khẳng định, sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển hàng hải, kinh tế biển và bảo vệ môi trường biển. Ảnh minh họa

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị IMO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả các công ước hàng hải của IMO mà Việt Nam đang là thành viên thông qua các chương trình hợp tác kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi chuyên gia, đào tạo, tập huấn.

“Mong rằng IMO quan tâm, ủng hộ Việt Nam tham gia sâu hơn nữa các hoạt động của IMO, trong đó có việc xem xét cử tùy viên hàng hải tại IMO, tiến tới tham gia tranh cử Nhóm C Hội đồng IMO. Cùng đó, nghiên cứu, có các chính sách hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam trong lộ trình hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050”, Bộ trưởng đề nghị.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam coi phát triển kinh tế biển là một trong những mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm xây dựng và phát triển đất nước để tới năm 2045 trở thành quốc gia mạnh về biển; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, ngăn chặn ô nhiễm môi trường biển.

Về cơ sở hạ tầng cảng biển, Việt Nam hiện có 34 cảng biển đang hoạt động, trong đó có 2 cảng biển cửa ngõ quốc tế. Tổng số bến cảng của hệ thống cảng biển là 299 bến cảng với khoảng 94km chiều dài cầu cảng. Tổng công suất thiết kế khoảng 700 triệu tấn hàng/năm. Hầu hết các cảng tổng hợp lớn của Việt Nam có thể cho phép tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 DWT.

Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị IMO tiếp tục quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện các chiến lược, kế hoạch, giải pháp phát triển kinh tế biển, trong đó có ngành hàng hải; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành hàng hải...

Kết thúc cuộc làm việc, hai bên thống nhất thời gian tới tăng cường hơn nữa hợp tác hai bên lĩnh vực hàng hải, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các công ước của IMO.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.