Đô thị

Vỉa hè trước nhà, người khác đến thuê tính sao?

09/08/2023, 14:21

Trước nhà có vỉa hè khá rộng, đủ tiêu chí cho thuê nhưng không có nhu cầu kinh doanh, liệu người khác có được đến thuê không?

Nội dung trên được lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí quan tâm, đặt câu hỏi với ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) trong buổi họp thường kỳ tại cơ quan Thường trực khu vực miền Nam của Ban Tuyên giáo Trung ương vào sáng 9/8.

img

Tình trạng sử dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh khá phổ biến tại TP.HCM

Dân tại chỗ không thuê sẽ để trống

Ông Ngô Hải Đường cho biết, theo Quyết định 32 của UBND TP.HCM, không phải vỉa hè, lòng đường nào cũng được sử dụng vào mục đích cho thuê mà phải đủ các tiêu chí nhất định. Với vỉa hè, đầu tiên là diện tích sau khi cho thuê phải còn hơn 1,5m.

Đối với lòng đường, diện tích sau khi cho thuê đủ để bố trí 2 làn ô tô cho một chiều lưu thông. Tuy nhiên, từng trường hợp cụ thể, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức phải tổng hợp trình sở GTVT. Sau đó sở GTVT cùng ban ATGT, công an địa phương hối hợp với chính quyền địa phương rà soát thêm một lần nữa mới đề xuất cho thuê.

Phóng viên đặt câu hỏi, nếu diện tích vỉa hè đủ tiêu chí cho thuê nhưng nhà dân ở đó không có nhu cầu thuê kinh doanh thì người ở nơi khác có được thuê hay không?

Ông Đường cho biết quan điểm là ưu tiên những hộ gia đình có vỉa hè trước mặt nhà được thuê để kinh doanh. Ai có thu cầu thuê để kinh doanh hoặc giữ xe thì phải đăng ký với quận, huyện, xác định diện tích, sơn kẻ vạch cụ thể.

Nếu nhà nào không có nhu cầu sẽ để trống, không để tình trạng lấn chiếm, xung đột lợi ích giữa người thuê và người dân đang ở. Vì vậy, các quận huyện phải lên chi tiết cụ thể từng vị trí, trao đổi với từng hộ dân để có thông tin chính xác.

“Mục đích của đề án là để quản lý vỉa hè, lòng đường tốt hơn, không đặt nặng mục tiêu thu tiền”, ông Đường nhấn mạnh và cho biết nguồn thu từ cho thuê vỉa hè, lòng đường sẽ nộp vào ngân sách thành phố, có trích lại 30% cho công tác quản lý.

Trong quá trình người dân sử dụng lòng đường, vỉa hè, nếu có hư hỏng thành phố sẽ dùng ngân sách để sửa chữa hàng năm theo kế hoạch của các quận huyện.

img

Tại TP.HCM vẫn còn nhiều điểm lấn chiếm vỉa hè kinh doanh ăn uống.

Vi phạm 2 lần sẽ bị thu hồi giấy phép

Nếu người thuê cố tình chiếm dụng diện tích lớn hơn diện tích thuê, ai sẽ giám sát quản lý, xử lý?

Trả lời câu hỏi này, ông Đường cho biết, theo đề án thì các lực lượng quận, huyện sẽ quản lý. Trước khi cho thuê, cơ quan chức năng sẽ sơn kẻ vạch, tính tiền thuê theo diện tích.

“Nếu người thuê cố tình vi phạm, lấn chiếm… sẽ nhắc nhở. Trường hợp vi phạm 2 lần sẽ thu hồi giấy phép”, ông Đường nói và cho biết thêm, khi những người thuê vỉa hè là các hộ dân sống ở đó, việc sử dụng nước, vệ sinh, rác thải là dùng chung với gia đình họ. Trường hợp ở những khu vực khác sẽ có phương án cụ thể trước khi ký hợp đồng cho thuê.

Mức phí cho thuê lòng đường, vỉa hè được chia theo 5 khu vực và dựa theo giá đất tại tuyến đường đó.

Trong đó, khu vực 1 (các quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, khu a khu đô thị mới Nam thành phố, khu đô thị mới Thủ Thiêm) giá thuê để kinh doanh từ 50.000 - 100.000 đồng/m2/tháng; thuê trông giữ xe từ 180.000 - 350.000 đồng/m2/tháng.

Thấp nhất là khu vực 5 (huyện Cần Giờ) 20.000 đồng/m2/tháng để kinh doanh và 50.000 đồng/m2/tháng để trông giữ xe.

Hiện, trên địa bàn thành phố có 4.869 tuyến đường có bề rộng từ 5m trở lên. Theo tính toán của, TP.HCM sẽ có thêm 1.522 tỷ đồng mỗi năm từ thu phí vỉa hè, lòng đường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.