Tài chính

Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8%

09/04/2023, 16:10

Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) một số hàng hoá, dịch vụ từ 10% xuống còn 8%.

Theo Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, tại dự thảo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương khẩn trương xử lý, giải quyết vấn đề hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét tiếp tục chính sách giảm 2% thuế GTGT.

Trên cơ sở đó, Vụ Chính sách thuế đưa ra hai phương án giảm 2% thuế GTGT năm 2023.

Phương án 1, giảm 2% mức thuế suất GTGT đối với nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%).

Phương án 2, giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất GTGT 10%, trừ một số nhóm hàng hoá, dịch vụ như đã áp dụng trong năm 2022 theo Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

img

Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án giảm thuế giá trị gia tăng (Ảnh minh hoạ)

Về thời gian thực hiện, Vụ Chính sách thuế đề xuất kể từ khi chính sách được ban hành (dự kiến 1/7) đến hết ngày 31/12/2023.

Năm 2022, sau khi thực hiện chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%, doanh nghiệp đã có phản ánh gặp nhiều khó khăn về thực hiện. Cụ thể, việc quy định phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế VAT mới được áp dụng thuế suất 8% làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Trước đó, Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính tham gia ý kiến về dự thảo Nghị định Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2023.

Để giúp doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng và hồi phục sau đại dịch, VTCA đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội để tiếp tục áp dụng biện pháp giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% áp dụng trong cả năm 2023.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.