Thời sự Quốc tế

Chuyên gia phân tích nguyên nhân khiến tàu lặn Titan gặp nạn

25/06/2023, 09:54

Vật liệu, thiết kế không phù hợp có thể là nguyên nhân khiến tàu Titan bị nổ thảm khốc dưới đáy biển, khiến 5 người thiệt mạng.

Vật liệu và thiết kế tàu Titan không phù hợp?

Tàu Titan, do công ty OceanGate Expeditions sở hữu và vận hành, bắt đầu chở hành khách tham quan xác tàu Titanic dưới đáy Đại Tây Dương vào năm 2021. Tàu có thiết kế khoang hình trụ dài để chở hành khách, nhân viên và vỏ tàu sử dụng vật liệu sợi carbon. Đây là thiết kế khác biệt so với các tàu lặn thông thường đều có cabin hình cầu và sử dụng vật liệu hoàn toàn bằng titanium.

Ông Chris Roman - Giáo sư tại Đại học Rhode Island (Mỹ) cho biết, đa số tàu lặn đều có cabin hình cầu bởi đây là “hình dạng hoàn hảo, phù hợp nhất”, giúp áp lực của nước phân bố đồng đều trên tất cả khu vực của tàu.

“Thiết kế hình cầu giúp tránh được khả năng một bộ phận tàu chịu áp lực cao hơn các bộ phận khác”, theo ông Roman. Trong khi đó, cabin tàu Titan có dạng hình trụ dài và do đó, khiến tàu phải chịu thêm áp lực từ bên ngoài.

img

Tàu lặn Titan của công ty OceanGate Expeditions (Ảnh: Reuters)

Ông Jasper Graham-Jones - Phó giáo sư kỹ thuật cơ khí và hàng hải tại Đại học Plymouth (Anh) cho rằng thiết kế cabin hình trụ dài của tàu Titan làm tăng áp lực lên các bộ phận ở giữa. Ngoài ra, thân tàu Titan có thể đã xuất hiện những vết nứt nhỏ do chịu áp lực từ hơn 20 chuyến lặn biển trước đó.

“Mỗi chuyến đi chỉ để lại những vết nứt nhỏ, rất khó phát hiện trong cấu trúc vỏ tàu nhưng sẽ chuyển biến nghiêm trọng rất nhanh tới mức vượt ngoài tầm kiểm soát”, theo ông Graham-Jones.

Trên trang web, công ty OceanGate ca ngợi cấu trúc làm từ titanium và sợi carbon của tàu Titan giúp phương tiện có trọng lượng nhẹ, dễ dàng di chuyển hơn nhiều loại tàu lặn biển sâu khác. Công ty cũng khẳng định tàu đủ tiêu chuẩn an toàn để lặn xuống độ sâu 4.000m dưới đáy biển.

Tuy nhiên, ông Graham-Jones cho rằng vật liệu carbon có tuổi đời sử dụng khá hạn chế khi phải chịu tải trọng lớn hoặc do thiết kế không phù hợp dẫn tới phân bổ áp lực không đồng đều trên phương tiện. Ông Graham-Jones cũng cho biết đa số tàu lặn đều được chế tạo hoàn toàn bằng titanium.

Nhiều vấn đề trong quá trình phát triển

Theo truyền thông, trước đây, OceanGate không ít lần được cảnh báo chương trình phát triển tàu lặn thử nghiệm tiềm ẩn nhiều vấn đề và có thể trở thành thảm họa.

Trong đó, năm 2018, ông David Lochridge - cựu Giám đốc vận hành hàng hải của công ty, từng nêu quan ngại về an toàn trong thiết kế tàu lặn Titan chưa được kiểm chứng.

Ông Lochridge cho rằng quá trình thử nghiệm, xin cấp chứng nhận đối với tàu Titan chưa đáp ứng tiêu chuẩn của ngành công nghiệp tàu lặn, do đó, tiềm ẩn khả năng đặt hành khách vào tình huống nguy hiểm.

Hiệp hội Công nghệ Hàng hải từng bày tỏ quan ngại với công ty OceanGate về kích cỡ tàu Titan, vật liệu chế tạo và đặc biệt là vấn đề tàu chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định, cấp chứng nhận.

Năm 2018, ông Will Kohnen - Chủ tịch hiệp hội từng gửi thư cho OceanGate, cảnh báo cách tiếp cận trong việc thử nghiệm và phát triển tàu Titan của công ty có thể dẫn tới hậu quả tiêu cực với quy mô từ nhỏ cho tới mức thảm họa.

Ông Graham-Jones cho biết, theo quy trình tiêu chuẩn của ngành công nghiệp tàu lặn, các công ty chế tạo tàu cần mời bên thứ 3 nghiệm thu để đảm bảo tàu đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn.

Về phần mình, trong một bài đăng vào năm 2019, công ty OceanGate cho rằng quá trình bên thứ 3 kiểm định, cấp chứng nhận quá tốn thời gian và cản trở đổi mới sáng tạo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.