Xã hội

Cựu binh già kể về chiến dịch Điện Biên Phủ

06/04/2024, 17:13

Những người lính ngày nào đêm băng rừng, ngày vượt núi tham gia chiến đấu, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ đã cùng nhau tề tựu, kể lại những kỷ niệm khi tham gia chiến dịch này.

Ngày 6/4, Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức buổi lễ "Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ".

Cựu binh già kể về chiến dịch Điện Biên Phủ- Ảnh 1.

Buổi lễ "Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ".

Băng rừng, vượt núi đến Điện Biên

Cách đây 70 năm, ngày 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến Quyết thắng" của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm chỉ huy của tướng Đờ-Cát, báo hiệu chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi bằng vàng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Cựu binh già kể về chiến dịch Điện Biên Phủ- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Bá Viết (90 tuổi), người từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong cuộc chiến khốc liệt, đã có nhiều người con ưu tú của Thanh Hoá trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng trăm người tham gia du kích, dân công hỏa tuyến… một trong số những nhân chứng lịch sử ấy là ông Nguyễn Bá Viết, năm nay 90 tuổi, trú tại phố Ái Sơn 1, phường Đông Hải, thành phố Thanh Hoá.

Cựu binh già kể về chiến dịch Điện Biên Phủ- Ảnh 3.

Những cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ có mặt tại buổi gặp mặt.

Khi ấy, ông Viết mới chỉ là chàng thanh niên 18 tuổi tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ ra chiến trường chống giặc cùng hơn 10 thanh niên xã Đông Hải, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá lúc bấy giờ. 

Sau đợt tuyển quân, đoàn thanh niên xung phong bắt đầu hành quân từ Thanh Hoá đi Điện Biên Phủ, lúc đó chưa ai biết nhiệm vụ của mình là gì.

Ông Viết hồi tưởng lại, từ Thanh Hoá hành quân qua đường rừng núi vào Hoà Bình, vượt dốc Cun, xuống chợ Bờ, qua suối Rút vào Mộc Châu (Sơn La). Sau đó, băng qua đèo Pha Đin xuống Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ.

Cựu binh già kể về chiến dịch Điện Biên Phủ- Ảnh 4.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa phát biểu tại buổi lễ gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong.

Con đường hành quân gặp nhiều vất vả khi băng rừng, vượt suối, lội đèo, vượt các bãi vắt rừng già, qua những nơi mà chưa từng ai đặt chân tới, phải phá núi, mở đường để có đường hành quân. Đường đi đã khó khăn nhưng toàn đội chỉ hành quân vào ban đêm để đảm bảo bí mật. Cứ thế đêm đi, ngày nghỉ. Đêm nào cũng hành quân đến 1 - 2h sáng. Đến bữa chỉ có cơm với cá khô, có bữa chỉ là đậu xanh xay nhỏ nấu cháo loãng, nhiều bữa còn không có gì chỉ có chút rau rừng làm canh.

"Sau khi đến Ngã ba Cò Nòi, chúng tôi bắt gặp những đoàn quân từ các tỉnh, thành khác cùng hành quân về Điện Biên Phủ. Đường hành quân ban đêm lúc này cũng trở nên đông và vui hơn... Tuy gặp nhiều khó khăn, gian khổ nhưng không hề làm nhạt đi ý chí của những người thanh niên quyết tâm giành chiến thắng ở chiến trường Điện Biên Phủ", ông Viết nhớ lại ký ức.

Cựu binh già kể về chiến dịch Điện Biên Phủ- Ảnh 5.

Ông Nguyễn Trọng Áp cùng con trai và cháu nội xem lại những kỷ niệm năm xưa khi tham gia chiến dịch.

Lên đến Điện Biên Phủ, ông Viết được phân công vào Đại đội 388, Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 phụ trách thông tin, liên lạc của Đại đội 388; sau đó lên làm thông tin liên lạc của Tiểu đoàn 89. 

"Khi chuẩn bị bắt đầu chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 13/3/1954, sau khi nhận lệnh của đồng chí Lê Chí Thọ (Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 89) về mở cuộc tiến công mở màn chiến dịch là cuộc tiến công vào cụm cứ điểm Him Lam, tôi lập tức thông tin cho 3 đại đội thuộc tiểu đoàn của mình, tức tốc hành quân tấn công cụm cứ điểm Him Lam. 

Sau một đêm giành giật 3 lần, đến gần sáng thì quân ta tiêu diệt toàn bộ quân địch ở đồi Him Lam. Cũng sáng hôm đó, khi nghe tin chiến thắng cũng là khi tôi nghe tin đồng chí Lê Chí Thọ đã anh dũng hy sinh cùng nhiều anh em khác trong Tiểu đoàn 89. Sự hy sinh của đồng chí Thọ đã làm cho tôi cảm thấy đau lòng, bối rối vì một người anh em, một người đồng chí thân cận cùng mình chia sẻ những gian khổ bấy lâu nay. Mãi đến sau chiến thắng Điện Biện Phủ, tôi mới biết anh Thọ cùng quê với mình", cựu binh Nguyễn Bá Viết nói trong xúc động.

Còn ông Nguyễn Trọng Áp (91 tuổi, quê xã Đông Quang, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) xúc động nhớ lại những ngày cùng lực lượng công binh tiến hành mở đường vào Điện Biên Phủ.

"Hôm nay, tôi rất xúc động khi được gặp lại chiến sĩ tham gia chiến dịch năm xưa. Nhìn lại những hình ảnh quý giá, những trận đánh năm xưa, tôi như trở về một thời ký ức hào hùng", ông Áp xúc động nói.

Cựu binh già kể về chiến dịch Điện Biên Phủ- Ảnh 6.

Chương trình nghệ thuật, phác họa lại những đóng góp của quân dân Thanh Hóa, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Hậu phương vững chắc

Tại chương trình gặp mặt tri ân, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí Thư tỉnh ủy Thanh Hoá cho biết: Với vị trí điểm đầu vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, Thanh Hóa là nhịp cầu nối giữa chiến trường Bắc bộ và Bình - Trị - Thiên, là địa bàn tiếp giáp với Tây Bắc, Thượng Lào. 

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa đã thể hiện rõ vai trò hậu phương chiến lược quan trọng. Mặc dù đời sống Nhân dân còn hết sức khó khăn, thiếu thốn, nhưng với tinh thần "cả nước cùng ra trận", "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Theo lời kêu gọi của Đảng và Mặt trận Liên Việt, trong 3 đợt phục vụ chiến dịch, toàn tỉnh đã huy động 200 ngàn dân công dài hạn và ngắn hạn, hơn 3.500 xe đạp thồ, 1.126 thuyền ván các loại, 31 ô tô, 180 xe bò, 42 ngựa thồ, 3 voi thồ hàng và nhiều phương tiện vận chuyển khác, cung cấp hơn 4.500 tấn gạo, 350 tấn thực phẩm, 2.000 con lợn, 350 con trâu, bò và hàng trăm tấn rau các loại. Hậu phương Thanh Hóa đã huy động cao nhất sức người, sức của, bảo đảm hậu cần cho thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Dù Điện Biên Phủ nằm ở xa hậu phương, địa hình hiểm trở, địch tập trung đánh phá ác liệt, nhưng không ngăn được từng đoàn dân công nối nhau từ miền Tây Thanh Hoá xuyên rừng, vượt núi, trèo đèo, bí mật đưa hàng tới đích an toàn. 

Trong những ngày tháng ác liệt ấy, đã xuất hiện nhiều những tấm gương anh hùng, "Dù bom đạn, xương tan thịt nát. Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh", họ đã sống đẹp, sống hết mình vì độc lập, tự do của tổ quốc, đó là đồng chí Đới Sỹ Trầu, quê huyện Quảng Xương, liên tục gánh đôi bồ nặng 60 kg, dẫn đầu về gánh bộ phục vụ chiến dịch; là những chiến sĩ xe đạp thồ Cao Văn Tỵ, Trịnh Ngọc, quê thị xã Thanh Hoá, đã đạt kỷ lục thồ từ 160 kg lên 195 kg, rồi trên 300 kg mỗi chuyến; là người nông dân Trịnh Đình Bầm, quê xã Định Liên, huyện Yên Định, với lòng yêu nước nồng nàn đã không chút đắn đo khi quyết định tháo dỡ chiếc bàn thờ gia tiên để làm bánh xe cút kít, phục vụ vận chuyển hàng hóa...

70 năm đã trôi qua kể từ ngày quân và dân ta dệt nên bản anh hùng ca Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Thời gian càng lùi xa, ý nghĩa, tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại này không bao giờ phai mờ, mà ngày càng tỏa sáng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chương trình gặp mặt tri ân có sự tham gia của hàng trăm đại biểu là chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình; thân nhân các gia đình liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ... Đây là chương trình có quy mô lớn do tỉnh Thanh Hóa tổ chức


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.