Thời sự Quốc tế

Sau thảm họa cháy rừng ở Hawaii, cướp bóc, bạo loạn bùng phát

Một vụ bạo động đã nổ ra giữa cảnh sát và khoảng 100 người dân sau khi giới chức chặn đường tới thành phố Lahaina, Hawaii.

Theo báo Business Insider nhiều người dân trên đảo Maui, bang Hawaii, Mỹ bức xúc với cách ban lãnh đạo địa phương kiểm soát phản ứng khẩn cấp sau thảm họa cháy rừng nghiêm trọng khiến nhiều nơi trên đảo bị thiêu rụi, làm ít nhất 93 người thiệt mạng.

Trong khi các đội cứu hộ đang tìm cách để hỗ trợ thực phẩm, nước, nhu yếu phẩm, một số người dân địa phương chia sẻ với Business Insider cho biết, nhiều hàng hóa cứu trợ được thả từ trực thăng xuống đã bị đưa đi nơi khác và những người dân thống khổ phải tự tìm cách giải quyết vấn đề.

“Một số nơi có cảnh sát hiện diện. Một số nơi có các nhóm nhỏ quân đội đảm bảo an ninh nhưng không đủ, đến đêm người dân bị nhiều kẻ mang súng cướp bóc”, ông Matt Robb - chủ sở hữu quán bar ở Lahaina mang tên The Dirty Monkey cho biết.

img

Cảnh tượng tan hoang sau cháy rừng tại Hawaii (Ảnh: SCMP).

“Nhiều người bị hãm hiếp và cướp bóc… Vậy hỗ trợ ở đâu? Tôi không nghĩ chính phủ và các nhà lãnh đạo của chúng tôi, tại thời điểm này, biết cách xử lý hoặc biết phải làm gì”, ông Robb nói.

Nhiều nơi, nỗi bức xúc, tức giận đã dâng lên cao trào. Tờ Honolulu Star Register của địa phương đưa tin, một vụ bạo động đã nổ ra giữa cảnh sát và khoảng 100 người dân sau khi giới chức chặn đường tới Lahaina – một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên đảo, ngăn người dân quay trở lại nhà để thu lượm đồ đạc sau vụ cháy.

Một số thành viên của quán bar The Dirty Monkey đang hợp tác với giới chức địa phương cùng các thành viên cộng đồng, tổ chức và nỗ lực vận chuyển hàng hóa được thả xuống từ trực thăng, đưa nhu yếu phẩm, thuốc men như thuốc insulin tới các gia đình cần.

Tuy nhiên, họ chỉ là nhóm nhỏ, chưa qua đào tạo về ứng phó với khủng hoảng trong khi giới chức địa phương không thông báo rõ tình hình và cách phản ứng - ông Robb và ông Alen Aivazian (người đồng sáng lập quán bar The Dirty Monkey) cho biết.

Hai ông Robb và Aivazian đều cho rằng thị trưởng thành phố đã lúng túng trong quá trình ứng phó.

“Tôi nghĩ đây là lỗi của Thị trưởng. Nếu Thị trưởng đề xuất thì họ đã có thủy quân lục chiến, lực lượng bảo vệ bờ biển đang ứng trực sẵn sàng lên đường hỗ trợ nhưng không hề có… Tôi rất bức xúc không biết họ đang làm gì lúc này?”, ông Aivazian nói.

Còn theo ông Robb, “rất nhiều máu đã đổ" chỉ vì cách sở cảnh sát chặn đường.

Bà Kami Irwin, một người dân Maui đang tham gia nỗ lực cứu hộ tại Công ty Maui Brewing ở Kihei cho biết, người dân địa phương đang chạy đua với thời gian, quên ăn, quên ngủ, lập các nhóm tuần tra trong khu vực để hỗ trợ đảm bảo an toàn cho những người khác đồng thời tìm kiếm hàng hóa thiết yếu như nước sạch, thuốc men.

Theo bà Irwin, các phi công vận chuyển thuốc men đã bị mắc kẹt trên đảo lớn vì Sở Y tế địa phương không cho phép họ vận chuyển thuốc insulin trong khi rất nhiều người trên đảo đều cần thuốc này.

Người dân trên đảo chọn cách tự xử lý vấn đề của mình khi chỉ nhìn thấy các tình nguyện viên địa phương, chứ không phải giới chức chính phủ, điều phối nỗ lực cứu trợ - bà Irwin thất vọng nói.

Hiện tại, đại diện Cục cảnh sát Maui và Văn phòng Thị trưởng Maui - Richard Bissen chưa bình luận.

Vụ cháy xảy ra trong tuần qua trên đảo Maui, bang Hawaii đã trở thành thảm họa tự nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử bang, vượt qua con số 61 người thiệt mạng trong trận sóng thần ập vào hòn đảo năm 1960, một năm sau khi Hawaii trở thành một bang của nước Mỹ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.