Đường bộ

Hậu trường lo mặt bằng làm đường kết nối sân bay Long Thành

16/09/2023, 06:07

Để có mặt bằng thi công hai tuyến đường T1 - T2 kết nối sân bay Long Thành, nhiều tháng qua, Đồng Nai cật lực huy động các lực lượng từ tỉnh, huyện, xã, ấp đến vận động từng hộ gia đình nhường đất triển khai dự án.

Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà

Những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9, tỉnh Đồng Nai đang tăng tốc, chạy đua về đích bàn giao mặt bằng tuyến giao thông kết nối sân bay Long Thành.

Lãnh đạo, cán bộ các địa phương đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, đồng thời vận động người dân sớm nhường đất triển khai dự án.

photo-1694711960025

Anh Giang San (bìa trái) cùng thành viên ban vận động đến nhà ông Đi tuyên truyền chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng.

Bám theo chiếc xe máy của ông Lê Văn Kỳ, trưởng ấp Gò Bà Ký, xã Long Phước, huyện Long Thành, chúng tôi tìm đến nhà ông V.V.T (xã Long Phước). Đây là một trong những hộ vướng mắc về giá bồi thường nên chưa bàn giao mặt bằng.

Căn nhà của gia đình ông T là nhà tầng khang trang, kiên cố, có vị trí đẹp và mới đưa vào sử dụng.

Ông T cho rằng căn nhà được định giá chưa tương xứng nên ông chưa đồng ý di dời. Gia đình ông T cũng cho biết mong muốn được đền bù thỏa đáng để nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Ông Kỳ chia sẻ, đa số người dân chưa chịu bàn giao mặt bằng đều liên quan đến giá bồi thường.

Họ chủ yếu đều có nhà cao tầng, mới xây, rất khang trang. Người dân muốn mức bồi thường phải ngang bằng với số tiền họ bỏ ra xây dựng nhà trước đó để đủ kinh phí xây dựng nơi ở mới.

"Gặp người bức xúc, có khi chúng tôi còn bị la mắng, lớn tiếng, nhưng đành chịu, vì phải đặt mình vào câu chuyện của họ, mới chia sẻ, vận động được. Khi thì chúng tôi đến ban ngày, khi thì đến chiều tối. Nói chung là không có thời gian cố định, cứ khi nào họ đi ruộng, đi rẫy về là mình tới. Đi vận động phải đi theo nhóm để đỡ lời cho nhau, đi một mình sẽ khó ăn nói", ông Kỳ kể.

Giống như ông Kỳ, là một trong những người làm công tác vận động, anh Nguyễn Ngọc Giang San (xã Long An, huyện Long Thành) chia sẻ, nhiều tháng qua ban vận động tiếp tục "nếm mật nằm gai" để có mặt bằng triển khai đường kết nối sân bay. Bất kể thời gian giờ giấc, chưa vận động xong là "còn xách xe chạy dài dài".

Người dân cần an cư lạc nghiệp

photo-1694711960694

Thành viên ban vận động bàn giao mặt bằng đường T1 và T2.

Trong số những hộ thuộc diện di dời, anh Giang San ấn tượng với gia đình ông Đặng Phước Đi (ngụ ấp Xóm Trầu, xã Long An, huyện Long Thành).

Gia đình ông Đi sinh sống tại địa phương đã hơn 40 năm, cuộc sống khấm khá ổn định, nhà cửa khang trang. Khi biết nhà nước sẽ thu hồi toàn bộ 1.000m2 đất của gia đình để làm đường T2 kết nối sân bay Long Thành, ông khá băn khoăn. Nơi này đã gắn bó với gia đình ông hơn nửa đời người nên giờ rời đi sẽ rất tiếc nuối. Ông còn lo bản thân lớn tuổi, không biết nơi ở mới, công việc mới sẽ ra sao nên bất an một thời gian dài.

Trước những lo lắng của ông Đi, anh Giang San cùng nhiều thành viên ban vận động liên tục đến nhà chia sẻ về mức đền bù, về nơi ở mới là khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Khi biết được các thông tin quan trọng, ông Đi mạnh dạn nhường đất.

"Tôi rất ấn tượng với hộ gia đình này, dù nhà cửa khang trang, ở vị trí đắc địa nhưng anh em chỉ đến vài lần đã chịu giao mặt bằng, hi sinh vì lợi ích chung", anh San bày tỏ.

Theo anh San, các thành viên ban vận động thường xuyên gặp gỡ, họp bàn tìm phương án, nhất là những hộ vướng mắc, chậm di dời. Ngoài gõ cửa từng nhà dân, lực lượng còn lồng ghép tuyên truyền vào các cuộc họp tổ nhân dân, đưa người già, người có uy tín tại địa phương đến vận động. "Một lần không được thì đi năm lần, mười lần, miễn sao anh em kiên trì là thành công", anh San đúc kết.

Còn ông Bùi Tuấn Trúc, cán bộ văn hóa Đài truyền thanh xã Long Phước cho biết, bản thân cũng là người địa phương nên ông hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của người dân.

"Thực tế, ai đi khỏi nơi mình gắn bó mấy chục năm mà không nuối tiếc, không lo lắng. Tôi thấy họ cũng có lý của họ, vì ở Long Phước đa số người dân làm ruộng, nuôi vịt, làm rẫy nhưng khi về khu tái định cư thì chưa biết làm gì để mưu sinh", ông chia sẻ và cho rằng, địa phương cần đẩy mạnh đào tạo nghề, tạo việc làm, giúp người dân an cư lạc nghiệp. Được như vậy, họ sẽ mạnh dạn nhường đất rời đi trong vui vẻ.

Đặc biệt đối với tuyến đường T1 và T2, trong những ngày căng thẳng của công tác giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đã đích thân tổ chức một buổi đối thoại với người dân.

Tại cuộc gặp, ông Lĩnh cùng lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã lắng nghe tâm tư nguyện vọng và giải đáp từng thắc mắc của bà con. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng ghi lại toàn bộ những mong muốn, vướng mắc của từng hộ dân. Nhiều vấn đề được giải quyết trực tiếp ngay buổi đối thoại, có những vấn đề được giải quyết sau đó.

Chủ tịch huyện đến tận nhà dân vận động

Hai tuyến đường T1 (dài 3,8km), T2 (dài 3,5 km), tổng mức đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng sẽ giúp kết nối sân bay Long Thành với cao tốc TP.HCM - Dầu Giây và quốc lộ 51.

Hai công trình được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khởi công sáng 14/7, dự kiến hoàn thành sau 2,5 năm. Đây là hạng mục quan trọng thuộc thành phần 3 của dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Theo ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, để triển khai hai tuyến đường kết nối sân bay, địa phương phải thu hồi diện tích đất hơn 126ha tại xã Long An và Long Phước.

Đối với tuyến T1, đến nay địa phương đã bàn giao mặt bằng cho ACV 57,39ha, còn lại 3,17ha. Còn tuyến số 2 đã bàn giao được 7,1ha mặt bằng cho ACV.

"Đối với những hộ dân còn nhiều vướng mắc, tôi trực tiếp cùng cán bộ đến từng nhà để lắng nghe ý kiến nhằm tìm cách tháo gỡ. Ngoài ra hàng tuần tôi đều dành ra một ngày tiếp công dân để kịp thời nắm bắt được tình hình để đưa ra hướng xử lý tốt nhất", ông Tiếp chia sẻ.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.