Quản lý

TP.HCM sẽ chọn vị trí đắc địa phát triển đô thị dọc metro, Vành đai 3

15/09/2023, 11:51

Lãnh đạo UBND TP.HCM chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, chuẩn bị nội dung chi tiết về nguồn vốn, giải pháp bồi thường hỗ trợ tái định cư khi khai thác TOD (lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch đô thị).

Văn phòng UBND TP.HCM vừa truyền đạt kết luận chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi về việc khai thác quỹ đất xung quanh, vùng phụ cận nhà ga các tuyến metro, vành đai 3, 4. 

Chủ tịch UBND TP.HCM cơ bản thống nhất với kiến nghị của các địa phương. Trong đó, lãnh đạo TP giao UBND TP Thủ Đức rà soát, chọn vị trí đắc địa, thuận lợi của các khu đất dọc tuyến metro số 1, Vành đai 3 để triển khai TOD.

UBND quận Tân Phú chọn 2 khu đất trên đường Trường Chinh (phường Tây Thạnh) dọc tuyến metro số 2.

UBND huyện Hóc Môn nghiên cứu, thực hiện đầu tư công đối với khu đất công có quy mô 220ha; dọc tuyến Vành đai 3 để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương và khu giáp ranh. 

TP.HCM sẽ chọn vị trí đắc địa dọc metro, vành đai 3 làm TOD - Ảnh 1.

TP.HCM dự kiến chọn những vị trí đắc địa dọc nhà ga các tuyến metro, vùng phụ cận Vành đai 3, 4 làm quy hoạch TOD. (Trong ảnh là đoạn đi qua metro số 2, dọc đường Cách Mạng Tháng 8). Ảnh: Chí Hùng

UBND huyện Bình Chánh được giao nghiên cứu thực hiện đầu tư dự án những khu đất công có vị trí thuận lợi. Đồng thời, địa phương bố trí tái định cư tại các khu đất dọc Vành đai 3 - nơi dự kiến khai thác, phát triển.

Các địa phương chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở GTVT lập kế hoạch triển khai với lộ trình cụ thể. Các đơn vị chuẩn bị nội dung chi tiết về nguồn vốn, giải pháp bồi thường hỗ trợ tái định cư... để dự án sớm triển khai.

Chủ tịch Phan Văn Mãi nhận định việc rà soát khai thác các quỹ đất quanh nhà ga, dọc các tuyến metro là nội dung rất rộng. Việc này đòi hỏi cần có sự nghiên cứu, phối hợp, thống nhất của nhiều sở, ngành, địa phương.

Lãnh đạo thành phố lưu ý trong quá trình đề xuất thực hiện, các đơn vị nghiên cứu các giải pháp kết nối đồng bộ với không gian ngầm tại khu vực. Riêng UBND quận Tân Phú tiếp tục nghiên cứu giải pháp di dời các khu đất hiện là nhà xưởng sản xuất không phù hợp quy hoạch trên địa bàn. 

Các quận, huyện còn lại chưa có báo cáo đề xuất như: Bình Thạnh, Tân Bình, Củ Chi, Nhà Bè khẩn trương nghiên cứu. Căn cứ hiện trạng và nhu cầu quy hoạch của địa phương, các địa phương đề xuất chọn những khu đất cụ thể, đưa ra kế hoạch đầu tư lâu dài; đánh giá thứ tự ưu tiên từng lô đất. 

Trước 15/9, Sở Quy hoạch kiến trúc có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đề xuất của các đơn vị, trình đề xuất lộ trình, kế hoạch tổng thể cho UBND TP.HCM. Đồng thời, đơn vị tham mưu UBND TP đề xuất các chỉ tiêu quy hoạch cơ bản cho các khu đất khai thác TOD; các khu đất phát triển các khu công nghiệp dọc tuyến vành đai, cao tốc; giải pháp kết nối không gian ngầm để có cơ sở triển khai, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch. 

Transit Oriented Development (TOD) - mô hình lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị sẽ là tương lai phát triển của TP.HCM.

Mô hình đô thị TOD được kỳ vọng giải quyết các vấn đề giao thông cấp bách trong nội đô, đồng thời, thúc đẩy việc mở rộng không gian phát triển cho thành phố ra khu vực ngoại vi.

Thí điểm mô hình TOD cũng là cơ chế đặc biệt trong Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM chính thức áp dụng hồi đầu tháng 8.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.