Bộ KH&CN vừa ban hành thông tư 11/2022/TT-BKHCN bãi bỏ các văn bản quy định về phương pháp xác định tỉ lệ nội địa hóa đối với ô tô, thông tư mới hiệu lực từ ngày 1/10/2022.
Cụ thể, cơ quan này bãi bỏ các Quyết định 28/2004, Quyết định 05/2005 và Thông tư 05/2012 của Bộ KH&CN về phương pháp xác định tỉ lệ nội địa hóa đối với ô tô.
Sản xuất lắp ráp xe ô tô tại nhà máy Thaco Chu Lai tháng 2/2022
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Quang Hà (Phó Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ GTVT) cho biết, đến thời điểm này sản xuất lắp ráp ô tô đã thay đổi, định nghĩa về nội địa hóa, độ rời rạc của linh kiện cũng cần phải đồng bộ với thông lệ quốc tế đang được các nước ASEAN và trên thế giới áp dụng.
Sự khác biệt là thế giới dựa theo tỉ lệ phần trăm về giá trị sản xuất trong nước, trong khi Việt Nam đang sử dụng cách tính tỉ lệ nội địa hóa theo cụm chi tiết được sản xuất trong nước.
Theo các hiệp định hiện hành giữa Việt Nam và các thành viên ASEAN (ATIGA), xe nguyên chiếc được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% nếu đạt tỷ lệ nội địa hóa nội khối từ 40% trở lên.
Trong văn bản góp ý ngày 20/10/2021, Bộ GTVT cho rằng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Nghị định số 116/2017 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
"Căn cứ các quy định hiện hành dẫn trên, thực tiễn phát triển của công nghệ sản xuất ô tô cũng như tính phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, Bộ GTVT nhận thấy các quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô của Bộ KH&CN như hiện nay sẽ gây chồng chéo về quản lý, tạo thêm rào cản cho doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước, do đó cần phải được rà soát bãi bỏ cho phù hợp", trích văn bản.
Ngày 25/10/2021, trong văn bản góp ý của Bộ Công Thương gửi Bộ KHCN về việc rà soát quy định này, Bộ Công thương nêu quan điểm: "Phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa ô tô tại văn bản 28/2004/QĐ-BKHCN đã không còn phù hợp với thực tiễn sản xuất ô tô, định hướng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ".
Về phương pháp xác định độ rời rạc của bộ linh kiện, Bộ Công thương cũng cho rằng Bộ KH&CN cần xem xét sửa đổi hoặc bãi bỏ quy định này cho phù hợp với quy định tại nghị định 57/2020.
Ngày 15/2/2022, Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, văn bản nêu: “Việt Nam vẫn sử dụng phương pháp tính tỷ lệ nội địa hoá theo cụm chi tiết được sản xuất trong nước. Với cách tính này, mỗi cụm linh kiện, phụ tùng chính được áp một điểm số và quy ra một tỷ lệ (%) nội địa hóa nhất định mà không phụ thuộc vào giá trị linh kiện, phụ tùng đó”.
VAMI nhận thấy, các văn bản trên của Bộ KHCN không còn phù hợp quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gây chồng chéo, không phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn sản xuất kinh doanh ô tô.
Trao đổi về nội dung này, ông Phạm Văn Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Ford Việt Nam cũng nhận định: "Hiện nay việc sản xuất lắp ráp các bộ linh kiện rời rạc thành sản phẩm hoàn thiện, cần phải tuân thủ các luật chơi chung của các hiệp định ATIGA mà Việt Nam làm thành viên, do đó việc cập nhật quy định là rất cần thiết, tăng sức cạnh tranh cho nhà sản xuất trong nước".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận