Người lái xe có nồng độ cồn sinh lý
Ngày 15/3/2023, TAND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) ban hành Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2023/DSST tuyên buộc bị đơn là Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (Bảo hiểm BSH) phải bồi thường cho nguyên đơn là ông Tạ Văn Phong (chủ xe Mitsubishi Xpander BKS 30G-873.47) số tiền 299,3 triệu đồng và lãi trả chậm 29,1 triệu đồng.
Tổng số tiền bảo hiểm BSH phải bồi thường cho khách hàng Tạ Văn Phong là 328,5 triệu đồng. Ngoài ra, do thua kiện nên bảo hiểm BSH phải chịu toàn bộ án phí sơ thẩm là 16,4 triệu đồng, tương ứng 5% giá trị phải bồi thường.
Xe Xpander bị tai nạn tự gây ngày 2/10/2021 tại thị trấn Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội) dẫn đến vụ kiện bảo hiểm BSH
Vụ kiện khởi nguồn từ một tai nạn giao thông ngày 2/10/2021 tại địa điểm Km 54+200 thuộc địa bàn thị trấn Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), chiếc Xpander do lái xe Lê Tiến Dũng điều khiển (được chủ xe Tạ Văn Phong cho mượn) bị tai nạn tự gây, tông vào một nhà dân bên phải đường do trời mưa và tầm nhìn lái xe bị ảnh hưởng.
Hậu quả, chiếc xe bị hư hỏng nặng, lái xe bị thương và được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì.
Quá trình cấp cứu, bệnh viện đã xét nghiệm nồng độ cồn của lái xe Lê Tiến Dũng. Kết quả nồng độ cồn trong máu lái xe là 1.85mmol/L, dưới ngưỡng bình thường của người sử dụng rượu, bia.
Căn cứ pháp lý của “ngưỡng bình thường không uống rượu bia” được tòa án dẫn chiếu là Quyết định số 320/QĐ-BYT ban hành ngày 23/1/2014, theo đó nồng độ cồn sinh lý của người bình thường không uống rượu bia là dưới 10,9mmol/L.
Trên cơ sở xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa Ba Vì, ngày 30/11/2021 cơ quan CSGT TP Hà Nội thông báo kết luận điều tra xác minh, theo đó CSGT không kết luận lái xe vi phạm nồng độ cồn, mà nguyên nhân là do lái xe Lê Tiến Dũng thiếu tập trung chú ý quan sát, vi phạm Khoản 23, Điều 8, Luật Giao thông đường bộ.
Chiếc xe bị nạn được bảo hiểm bởi Công ty Bảo hiểm BSH Hà Thành (công ty con thuộc Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội) và trong thời hạn bảo hiểm, nên chủ xe đã liên hệ bảo hiểm BSH để làm thủ tục đòi bồi thường.
Theo bản án, sau khi tai nạn xảy ra BSH đã không thực hiện nghĩa vụ giám định để xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại của xe Xpander bị nạn theo quy định ở Điều 48, Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Ngày 24/3/2022, Bảo hiểm BSH ra văn bản từ chối bồi thường thiệt hại cho chủ xe Xpander với lý do lái xe Lê Tiến Dũng có nồng độ cồn trong máu là 1.85mmol/L, thuộc điểm loại trừ trong quy tắc bảo hiểm do BSH ban hành.
Sau 2 lần khiếu nại đòi bồi thường nhưng bị BSH từ chối với cùng lý do “lái xe dính nồng độ cồn”, chủ xe Tạ Văn Phong quyết định khởi kiện Bảo hiểm BSH, dẫn đến bản án sơ thẩm như đã nêu trên.
Bảo hiểm không nên lợi dụng số "0" tuyệt đối về nồng độ cồn
Theo chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Khắc Xuân (Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn bảo hiểm InFair), có hai điểm rất đáng lưu ý trong vụ kiện này:
Thứ nhất, BSH đã căn cứ vào điều khoản loại trừ không có trong hợp đồng bảo hiểm để từ chối bồi thường.
Hợp đồng bảo hiểm số 042-KD04/21/2G/HD/0278889 bao gồm 6 trang không có điều khoản nào quy định điểm loại trừ nồng độ cồn như BSH nêu, hợp đồng này cũng không có quy tắc bảo hiểm số 2758/2018/QĐ-BSH-QLNV1 nên theo quy định tại các Điều 13,16,19 Luật Kinh doanh bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm này không có điểm loại trừ nồng độ cồn và không có điểm loại trừ nào khác.
Việc BSH dẫn chiếu điểm loại trừ trong Quy tắc bảo hiểm số 2758/2018/QĐ-BSH-QLNV1 không được đính kèm và hợp đồng bảo hiểm là trái với hợp đồng và vi phạm luật kinh doanh bảo hiểm.
Trích trang 11, phần nhận định của tòa án thuộc bản án dân sự sơ thẩm ngày 15/3/2023 của TAND Hoàn Kiếm
Thứ hai, BSH đã dẫn chiếu sai quy định của pháp luật. Mặc dù Điều 8, Luật Giao thông đường bộ có quy định nghiêm cấm điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở, nhưng Điều 8 đã bị thay thế bằng Điều 35, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia.
Theo ông Xuân, bản thân cái tên "Luật Phòng chống tác hại của rượu bia" đã thể hiện yếu tố duy nhất bị cấm là "rượu, bia", nghĩa là cấm mọi người điều khiển xe cơ giới khi có cồn trong máu do rượu, bia sinh ra, không đề cập đến trường hợp có nồng độ cồn do sinh lý hoặc chuyển hóa thức ăn.
Do vậy trong các vụ tai nạn giao thông, cơ quan CSGT không vội vàng kết luận lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, nếu chỉ số xét nghiệm dưới ngưỡng bình thường - theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế là 10,9mmol/L máu.
“Thời gian qua, nhiều vụ kiện liên quan đến việc bảo hiểm từ chối bồi thường lái xe có nồng độ cồn sinh lý, các doanh nghiệp bảo hiểm nên tuân thủ theo tiêu chí của ngành y để xây dựng bộ quy tắc phù hợp với khoa học thực chứng, rằng cơ thể con người có thể tự sinh ra nồng độ cồn sinh lý. Bảo hiểm không nên lạm dụng số "0" tuyệt đối về nồng độ cồn để từ chối bồi thường”, ông Xuân nhấn mạnh.
Trước đó, ông Tạ Văn Phong - chủ xe Mitsubishi Xpander BKS 30G-873.47 đã gửi đơn đến Báo Giao thông phản ánh sự việc ngày 2/10/2021, xe của ông do lái xe Lê Tiến Dũng (sinh năm 1980, trú tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội) điều khiển gặp tai nạn giao thông trên QL32 đoạn qua địa phận thôn Tây Đằng (huyện Ba Vì, Hà Nội).
Hậu quả vụ tai nạn khiến một phụ nữ tên là Nguyễn Thị Ngọc đi xe đạp điện qua đường và lái xe Lê Tiến Dũng bị thương phải nhập viện, các phương tiện gồm 1 ô tô và 2 xe đạp hư hỏng.
Kết quả điều tra tai nạn của CSGT ghi nhận: “Đang di chuyển trên đường lúc trời mưa, điện thoại di động của anh Dũng để ở ghế phụ bên phải có chuông, anh Dũng ngoảnh mặt sang phải để nhìn và thiếu tập trung quan sát phía trước, đâm vào xe đạp điện do chị Ngọc điều khiển, làm chị Ngọc bị thương”.
Theo hồ sơ do Đội CSGT số 9 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cung cấp, biên bản cuộc làm việc giữa Đội CSGT số 9 với Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, trực tiếp do bác sỹ Nguyễn Việt Hà - Trưởng khoa Xét nghiệm sinh hóa của bệnh viện làm việc, ghi biên bản như sau:
“Tiến hành xét nghiệm nồng độ cồn (máu) của người bệnh Lê Tiến Dũng, chỉ định xét nghiệm lúc 13h35 ngày 2/10/2021. Kết quả 1,85mmol/L, chỉ số bình thường <10. Qua kết quả đo như trên, bác sỹ Nguyễn Việt Hà kết luận chỉ số nồng độ cồn của anh Lê Tiến Dũng là 8,53miligam/100ml máu (quy đổi từ 1,85mmol/L = 8,53miligam/100ml)”, trích biên bản làm việc.
Tuy nhiên, quá trình thu thập hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm, chủ xe Tạ Văn Phong bị Bảo hiểm BSH từ chối bồi thường với lý do “người điều khiển xe ô tô 30G-873.47 có nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận