Hàng nghìn tỷ đồng thiệt hại tài sản, xe cộ, tàu thuyền
Tính đến chiều ngày 11/9, các doanh nghiệp bảo hiểm ước tính khoảng 1.754 vụ bảo hiểm nghiệp vụ tài sản kỹ thuật và bảo hiểm cơ giới.
Với bảo hiểm kỹ thuật, các doanh nghiệp ghi nhận 684 vụ tai nạn (trong đó, Bảo Việt 220 vụ, VBI 150 vụ, PVI 134 vụ, Bảo Minh 44 vụ, ABIC 29 vụ, PJICO 107 vụ).
Về nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, doanh nghiệp ghi nhận 1.070 vụ tổn thất (gồm: Bảo Việt 315 vụ, VBI 91 vụ, PTI 273 vụ, PJICO 219 vụ).
Thống kê sơ bộ đến ngày 11/9, Bảo hiểm Quân đội (MIC) ghi nhận 900 vụ tổn thất bao gồm nghiệp vụ tài sản, xe cơ giới và hàng hải, ước tính tổng bồi thường 230 tỷ đồng. Số liệu đang tiếp tục được cập nhật trong ngày 12/9.
Bảo hiểm PVI cho biết đã ghi nhận hơn 500 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 2.000 tỷ đồng; con số này không bao gồm tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người.
Đây có thể là tổn thất lịch sử không mong muốn của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và từng doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng.
Ghi nhận nhanh, tạm ứng sớm
Bão tan nhưng lũ rút chậm, nhiều tài sản xe cộ còn nằm trong nước lũ, bởi vậy các hãng bảo hiểm đang dồn lực rà soát hiện trường, thống kê và có phương án hỗ trợ khách hàng về thủ tục và chi tạm ứng bồi thường.
Đại diện Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, ngay sau bão số 3 triển khai hoạt động hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng, tạm ứng bồi thường. Bảo Việt huy động đội ngũ chuyên viên giám định hiện trường, giám định tổn thất, đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ bồi thường.
Bảo Việt chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng địa phương và làm việc trực tiếp với khách hàng để ghi nhận nhanh, kiểm đếm tài sản và xác định mức độ thiệt hại.
Bảo hiểm PVI cũng lưu ý với khách hàng ngay sau khi xảy ra sự cố, thông báo cho công ty bảo hiểm qua điện thoại, email, hoặc các kênh liên lạc chính thức phù hợp các thông tin ban đầu như: địa điểm xảy ra sự cố, mô tả ngắn gọn về thiệt hại; ảnh chụp hiện trường thiệt hại ban đầu (nếu có).
Giám định viên của Bảo hiểm PVI hoặc đơn vị giám định được chỉ định sẽ tiếp cận hiện trường để trao đổi chia sẻ thông tin, kiểm tra hiện trường đánh giá tổn thất đồng thời kết hợp hướng dẫn khách hàng cung cấp hồ sơ chi tiết.
Bảo hiểm Quân đội cho biết, đội ngũ giám định viên MIC đang trực 24/24h, phối hợp chặt chẽ cùng khách hàng trong công tác khắc phục tổn thất sau bão.
Công tác thống kê, giám định và xử lý bồi thường cho khách hàng đang được chỉ đạo khẩn trương để nhanh chóng hỗ trợ bồi thường để giảm tải bớt khó khăn, nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh là ưu tiên hàng đầu lúc này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận