- Giám đốc điều hành VW: Tôi không làm gì sai
CEO Volkswagen Martin Winterkorn tuyên bố từ chức. |
Vụ bê bối của hãng sản xuất ô tô lớn nhất nước Đức Volkswagen không dừng ở lĩnh vực kinh doanh mà bắt đầu lan sang vấn đề chính trị.
Ngày 24/9, tờ Dailymail đưa tin, Đảng Greens, phe đối lập trong Chính phủ Đức cáo buộc Chính phủ của Thủ tướng Merkel dẫn đầu đã biết về hành vi sử dụng phần mềm lừa dối thử nghiệm khí thải của VW và từng thừa nhận trước Quốc hội từ hồi tháng 7, nhưng cố tình che giấu.
Ông Oliver Krischer, Phó Chủ tịch Đảng Greens cho biết: “Chính phủ từng thừa nhận với chúng tôi từ hồi tháng 7 rằng, họ biết về phần mềm này, thậm chí biết rõ nó đang được sử dụng rộng rãi”. Tuy nhiên, ngày 22/9, Bộ trưởng Bộ Giao thông Alexander Dobrindt khẳng định chắc nịch: “Chúng tôi thường xuyên kiểm tra. Nếu có sai phạm, chúng tôi sẽ yêu cầu nhà sản xuất ô tô giải thích ngay theo quy định pháp luật. Ông Dobrindt cũng yêu cầu điều tra ngay lập tức bê bối VW xem “liệu những ô tô dối trá có được lắp ráp và thử nghiệm theo đúng quy định của Đức và châu Âu hiện hành”. Ông Krischer rất ngạc nhiên trước hành động trên của Bộ trưởng Giao thông khi tỏ ra không biết gì. Đồng thời, ông Krischer đổ lỗi: “Bê bối khí thải của VW là hậu quả của chính sách không coi trọng việc bảo vệ môi trường và người tiêu dùng. Các chiêu trò gian dối được chấp nhận chỉ trong một cái nháy mắt”.
Về phía VW, bê bối này buộc Giám đốc điều hành (CEO) Martin Winterkorn từ chức. “Ở vị trí CEO, tôi chấp nhận chịu trách nhiệm về những sai phạm này của công ty. Dù tôi không biết mình đã làm gì sai nhưng tôi quyết định từ chức vì lợi ích của công ty. Đây là cách duy nhất để lấy lại niềm tin khách hàng. Những sự kiện diễn ra vài ngày vừa qua thực sự khiến tôi bị sốc. Tôi không nghĩ rằng, hành vi dối trá ở quy mô như vậy có thể xảy ra tại Tập đoàn VW”. Trước đó, CEO Winterkorn từng hai lần công khai xin lỗi nhưng vẫn không xoa dịu được khủng hoảng.
Vị Giám đốc điều hành 68 tuổi này chịu sức ép từ nhiều phía kể từ sau khi bê bối khí thải tại Mỹ bị phanh phui. VW đối mặt với án phạt có thể lên tới 18 tỷ USD và điều tra nội bộ cho thấy vụ việc có thể liên quan tới 11 triệu chiếc xe động cơ diesel của hãng trên toàn cầu. Riêng chi phí bỏ ra để triệu hồi số xe này phục vụ kiểm tra và sửa chữa dự kiến có thể lên tới 6,5 tỷ euro. Trong khi kể từ lúc xảy ra vụ việc đến nay, giá trị vốn hóa VW mất tới 30 tỷ euro. Các đại lý của VW tại Mỹ đang vô cùng lo lắng.
Một đại lý tại Woodlands, Texas cho biết, trước khi khủng hoảng xảy ra, ngày 19/9, ông bán được 13 ô tô. Còn ngày 23/9 vừa rồi, họ chỉ bán được một chiếc. Ông Mike Jackson, Giám đốc điều hành của Auto Nation - đại lý lớn nhất của VW cho biết, tương lai của VW tại Mỹ nằm ở cách họ xử lý cuộc khủng hoảng này. Ngoài Anh, Pháp, Hàn Quốc yêu cầu điều tra sai phạm của VW, hôm qua, Mexico cũng tuyên bố điều tra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận