Bình dân cũng gần trăm triệu
Chiếc Ford Ranger Raptor của anh Đặng Khoa Vũ có giá 1,2 tỷ đồng nhưng chi phí độ dàn âm thanh trong và ngoài xe lên tới 1,8 tỷ đồng
Bắt đầu từ những chiếc radio chỉ bắt được sóng AM lắp trên ô tô đầu thập niên 1930, dàn âm thanh nay đã là thứ không thể thiếu với mọi mẫu xe, bất kể phân khúc, tầm tiền nào.
Tại Việt Nam, thú chơi âm thanh xe hơi xuất hiện hơn 10 năm trước và từng có giải thi đấu được tổ chức, song chỉ thực sự nở rộ trong khoảng từ 5 - 6 năm trở lại đây và đang dần trở nên bài bản, chuyên nghiệp hơn.
Nhiều người sáng 8h ra khỏi nhà đi làm, tối 20h về, việc này việc kia xong đã đến khuya, chẳng còn thời gian nghe nhạc. Thay vào đó, quãng đường 30 - 40km trên ô tô mỗi ngày mới là lúc họ được nghe nhiều nhất. Trong khi chất lượng dàn âm thanh theo xe thường không cao, đặc biệt với xe phổ thông.
Anh Nguyễn Huy Hoàng, chủ xưởng độ âm thanh tại Hà Nội
Là chủ một xưởng độ âm thanh xe hơi trên phố Dương Văn Bé, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) và đã có gần 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, anh Nguyễn Huy Hoàng nhận định, những năm gần đây, số người dùng ô tô tăng lên và thời gian ngồi trên xe cũng nhiều hơn, kéo theo nhu cầu nghe được chú trọng hơn.
Hiện nay, hệ thống âm thanh độ trên ô tô được chia làm hai loại. Đầu tiên là dàn lắp ở nội thất để nghe trong xe, thường có giá trị cao và được lựa chọn nâng cấp nhiều hơn do đây là nhu cầu thường xuyên nhất.
Loại thứ hai là dàn bên ngoài đặt ở cốp (hoặc thùng xe bán tải) với thiết kế bắt mắt, phục vụ cả mục đích “khoe” lẫn nghe ngoài trời, trong các buổi dã ngoại, cắm trại…
Dù ít dùng nhưng thi công có khi mất cả tháng trong khi với dàn nội thất, những cấu hình lớn cũng chỉ tốn từ 7 - 10 ngày.
Anh Đặng Khoa Vũ, chủ một gara độ âm thanh ô tô chuyên nghiệp hoạt động từ năm 2007 tại quận 10 (TP.HCM) cho biết, dàn âm thanh độ trên xe hơi gồm các bộ phận chính là loa, ampli, loa siêu trầm (sub), bộ xử lý tín hiệu (DSP), đầu phát. Ngoài ra còn có tụ bù, cầu chì, dây loa, dây ampli…
Trong đó, bộ loa đóng vai trò quyết định vì trực tiếp phát âm thanh tới tai người nghe. Việc đầu tiên là chọn được bộ loa ưng ý, rồi sau đó mới tìm ampli, DSP để khai thác hết dàn loa này. Đầu phát cũng là thành phần rất quan trọng.
Tùy chi phí mà một dàn âm thanh độ sẽ có đủ tất cả, hoặc thiếu một vài món kể trên. Theo anh Hoàng, một hệ thống bình dân hiện nay giá khoảng 20 triệu đồng, gồm loa cánh, sub và ampli.
Ngân sách cao hơn có thể thay đầu phát, lắp thêm bộ xử lý tín hiệu, sub hơi, lên loa 3-way với 3 đường tiếng trầm (bass), trung (mid), cao (treble) riêng biệt.
“Mỗi món giá bình dân khoảng 5 - 10 triệu đồng, cao hơn thì 20 - 30 rồi lên đến 50 - 70 triệu đồng cho một món. Nếu là dòng high-end (dòng cao cấp nhất - PV), giá loa lên đến tiền tỷ, ampli có những “con” 300 - 500 triệu đồng. Một bộ loa 3-way tầm 50 triệu đồng thì tiền cho hệ thống ampli, DSP, đầu phát, nguồn, dây, sửa lại cột A, làm cách âm, lắp bình ắc quy phụ, tụ bù… phải gấp 2, gấp 3 lần.
Thế nên chuyện bỏ tiền tỷ, thậm chí 2 - 3 tỷ đồng để độ âm thanh xe hơi, rồi tiền độ ngang bằng, thậm chí hơn cả giá trị xe không phải hiếm”, anh Hoàng cho hay.
“Nghề chơi” cũng lắm công phu
Các xe tham dự một giải thi đấu âm thanh ô tô chuyên nghiệp tại TP.HCM năm 2022
“Chốt” được dàn âm thanh ưng ý xong sẽ đến bước tìm vị trí phù hợp trong nội thất cho thiết bị. Nếu là loa 3-way thì phải độ, chế lại cột A cho vừa rồi chọn hướng đặt loa chuẩn. Sau đó tới công đoạn lắp đặt, đi dây. Cuối cùng là căn chỉnh âm thanh, với những hệ thống lớn sẽ dùng mic thu âm đặt ở các vị trí trên xe.
Với các dàn cao cấp, sau khi lắp đặt xong, âm thanh sẽ được căn chỉnh theo đúng vị trí ghế và tư thế lái thường xuyên của chủ xe, sao cho tạo được âm trường rộng như sân khấu, người nghe cảm nhận rõ, đúng vị trí ca sĩ và từng nhạc cụ ở đâu, xa hay gần.
Anh Đặng Khoa Vũ cho biết thêm, việc lắp đặt chuẩn xác, đúng kỹ thuật cũng quan trọng không kém khi độ âm thanh xe hơi, đặc biệt với hệ thống điện. Để làm được điều này, người thợ đóng vai trò quyết định.
Dàn âm thanh hơn 200 triệu đồng trên chiếc xe hiện có giá thị trường chưa đến 300 triệu đồng của anh Nguyễn Huy Hoàng
“Có một bộ loa cực xịn mà người thợ thi công không bài bản thì chất lượng âm thanh cũng sẽ không hay, không khai thác hết khả năng của bộ loa. Lắp đặt chuẩn xác, an toàn cũng là một tiêu chí được chú trọng hàng đầu trong những giải thi đấu âm thanh xe hơi chuyên nghiệp”, anh Vũ kết luận.
Không gặp vướng mắc về mặt đăng kiểm do không ảnh hưởng kết cấu xe, song tùy quy mô từng dàn âm thanh mà một mẫu ô tô lắp cả 2 dàn trong - ngoài sẽ phải “cõng” thêm khoảng 200 - 300kg thiết bị dẫn đến tốn nhiên liệu hơn. Có những xe độ xong còn phải nâng giảm xóc lên vì nặng quá. Có xe khi chở đủ người thì “kênh” cả đầu, rõ ràng để đèn chiếu gần mà ô tô đi ngược chiều cứ nháy đèn nhắc tắt pha.
Chưa kể đến việc xe độ âm thanh còn phải hy sinh không gian cốp, khả năng chở đồ nặng, bỏ lốp dự phòng để nhường chỗ cho ampli, DSP, bình ắc quy phụ… Nhiều xe 5 chỗ nhưng chỉ để 2 ghế. Khi đi bảo dưỡng, sửa chữa cũng phải nhớ dặn thợ lưu ý kỹ tránh chạm mát, có thể gây hư hỏng nặng.
Thú chơi của những người thích “nhảy hố vôi”
Dàn âm thanh bên ngoài tốn nhiều thời gian thi công do đòi hỏi về thẩm mỹ
Trên các diễn đàn về xe phổ biến cụm từ “nhảy hố vôi”, thường được dùng để nói về việc nhảy vào cuộc chơi ô tô hạng sang đời sâu, sản xuất cách đây cả chục năm. Tiền mua ban đầu rẻ nhưng càng về sau càng tốn kém do chi phí bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế linh kiện cao và tốn nhiều thời gian.
Với độ âm thanh xe hơi và thú chơi audio nói chung, không hiếm gặp những người “nhảy hố vôi” như thế. Nhu cầu ban đầu có khi thay cặp loa cánh vài triệu đồng nghe hay hơn là đã đủ. Một thời gian sau quen tai, đổi đầu phát mới lại thấy khác, lại muốn thêm bộ ampli, cục sub hơi để hay hơn nữa. Thỉnh thoảng đi giao lưu, nghe thử dàn âm thanh xe “nhà người ta” rồi về tự dưng thấy chán đồ mình, cũng lại rút ví tiếp.
“Ở gara của tôi, phải tới hai phần ba lượng khách chọn gói độ bình dân là những người sau đó quay trở lại, tiếp tục dần dần nâng cấp dàn âm thanh, lên cao đến đâu thì còn tùy vào điều kiện kinh tế và đôi tai của chính chủ xe.
Có những người khách đầu tiên chỉ thay cặp loa rồi cứ thế lên dần, sau mấy lần thì tiền “nhảy hố vôi” cũng đã quá 200 triệu đồng”, anh Nguyễn Huy Hoàng nói.
Anh Hoàng cho biết thêm, với những việc như độ một bộ bodykit, lắp màn hình Android hay camera hành trình, làm xong cho khách là xong, còn độ âm thanh xe hơi không như vậy. Âm thanh là thú chơi về cảm nhận, lại dễ gây “nghiện”, vì thế mà giữa người thợ và khách hàng có sự chia sẻ, kết nối sâu sắc và lâu dài hơn.
“Có khách cứ mua xe mới là mang qua xưởng nhà tôi, từ năm 2009 đến nay. Còn cả những khách bây giờ thành anh em thân thiết, nhà người ta có công việc gì hay làm giỗ, làm đám cưới là mình thuộc diện phải sang”, anh Hoàng vui vẻ kể lại.
Bản thân những người độ âm thanh ô tô cũng thường xuyên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về những dàn âm thanh phối ghép hay, cách sửa chữa, lắp đặt hợp lý nhất cho từng mẫu xe cụ thể. Một số giải thi đấu chuyên nghiệp tổ chức trong nước thời gian gần đây, có sự tham gia của cả ba miền, cũng góp phần không nhỏ phổ biến, thúc đẩy bộ môn này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận