Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/3.
Ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đứng trước cơ hội tiếp tục được giảm 50% lệ phí trước bạ trong năm 2023
Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh thị trường ô tô trong nước ảm đạm, khiến tình hình tồn kho tại đại lý và nhà máy sản xuất ở mức đáng báo động. Đồng thời, ảnh hưởng đến dòng tiền doanh nghiệp.
Trước đó, hiệp hội, địa phương và doanh nghiệp đã đã đề xuất cần có các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ, đột phá, kịp thời nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023.
Trong đó, UBND tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) và TC Group đã tập trung vào các đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.
VAMI cũng cho rằng các chính sách trên cần sớm được ban hành và áp dụng từ đầu quý II/2023 để phát huy hết hiệu quả.
Trên thực tế, các đề xuất trên cũng đã từng được áp dụng và mang lại những hiệu quả có thể trông thấy cho thị trường ô tô trong khoảng thời gian Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Các chính sách được Chính phủ kịp thời ban hành từ 2020 - 2022 đã giúp đỡ doanh nghiệp ô tô vượt qua khó khăn
Theo VAMI, trong giai đoạn 2020-2022, các chính sách hỗ trợ như giảm thuế trước bạ, gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đã mang lại hiệu quả rất tích cực giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, từng bước mở rộng quy mô đầu tư, nội địa hóa sản phẩm nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô và ngành cơ khí.
Trong công văn gửi tới Văn phòng Chính phủ và một số Bộ, UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, đối với ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, việc điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đã thúc đẩy tiêu thụ lượng xe tồn kho kể từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, qua đó nối lại chuỗi cung ứng và bán hàng, giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, tạo đà khôi phục lại nhịp độ và cường độ sản xuất kinh doanh. Đồng thời, các chính sách giãn, hoãn nộp các loại thuế và tiền thuê đất đã giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian cân đối nguồn vốn, đảm bảo thu, chi để tập trung sản xuất, vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh gây ra và chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận