Thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh
Những năm gần đây, nhiều quốc gia đã đưa ra các biện pháp và lộ trình cụ thể để giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Trong đó, thúc đẩy phát triển sản xuất và khuyến khích sử dụng các loại xe ô tô thân thiện môi trường, xe ô tô điện là chủ trương được nhiều quốc gia trên thế giới chú trọng thực hiện, kể cả các nước phát triển và đang phát triển.
Ông Trương Bá Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính)
Tuy nhiên, tùy theo điều kiện cụ thể trong nước mà mỗi quốc gia lựa chọn các hướng đi khác nhau trong việc xây dựng và thực thi các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước cho việc thúc đẩy sản xuất và sử dụng các loại xe thân thiện với môi trường.
Có một số quốc gia đã xây dựng và công bố các lộ trình để chấm dứt việc sử dụng xe ô tô sử dụng năng lượng hóa thạch để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, góp phần thúc đẩy bảo vệ môi trường (BVMT) và phát triển bền vững.
Đối với Việt Nam, để thúc đẩy “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020, tầm nhìn đến năm 2050”, thực hiện cam kết Thỏa thuận Paris về khí hậu tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc (UNFCCC) về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21), hiện nay, các chủ trương và định hướng về thúc đẩy sử dụng các dòng xe ô tô thân thiện môi trường đã được xác định trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng và Nhà nước.
Để hiện thực hóa được các mục tiêu và định hướng nêu trên đòi hỏi Việt Nam phải có các chính sách phù hợp, trong đó có vai trò không thể thiếu của các công cụ kinh tế, trong đó có công cụ chính sách thuế để thúc đẩy việc sản xuất, sử dụng các loại hàng hóa thân thiện với môi trường.
Đồng thời, các chủ trương, định hướng thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững cũng cần phải lồng ghép một cách có hiệu quả vào các chiến lược, kế hoạch phát triển trung và dài hạn của ngành, lĩnh vực có liên quan, trong đó có ngành công nghiệp ô tô.
Trong thời gian qua, hệ thống các chính sách thuế, phí để thúc đẩy ngành ô tô trong nước phát triển đã liên tục được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện.
So với nhiều quốc gia khác, Việt Nam đã sớm ban hành các chính sách về thuế để thúc đẩy việc sản suất, sử dụng các loại xe ô tô thân thiện với môi trường, trong đó có xe ô tô điện
Chính sách ưu đãi về thuế, đất đai cho ô tô thân thiện môi trường
So với nhiều quốc gia khác, Việt Nam đã sớm ban hành các chính sách về thuế để thúc đẩy việc sản suất, sử dụng các loại xe ô tô thân thiện với môi trường, trong đó có xe ô tô điện.
Cụ thể về chính sách thuế TTĐB đối với ô tô điện và các dòng xe ô tô thân thiện với môi trường. Năm 2007, khi nghiên cứu xây dựng đề xuất sửa đổi chính sách thuế TTĐB, lần đầu tiên việc lồng ghép các mục tiêu về BVMT vào trong Luật thuế TTĐB đã được đặt ra.
Trong đó, yêu cầu cần có chính sách ưu đãi về thuế TTĐB đối với xe ô tô điện, xe ô tô thân thiện môi trường đã chính thức được đưa ra để thảo luận và sau đó đã được Quốc hội thông qua.
Theo đó, kể từ khi Luật thuế TTĐB số 27/2008/QH12 có hiệu lực thi hành (ngày 1/4/2009), xe ô tô điện và ô tô chạy bằng năng lượng sinh học đã được áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB thấp hơn đáng kể so với xe ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Cùng với đó, xe ô tô chở người dưới 9 chỗ chạy bằng nhiên liệu hóa thạch có dung tích xi lanh lớn hơn đã phải chịu mức thuế suất thuế TTĐB cao hơn.
Đây là những giải pháp được xem là tiên phong trong quá trình hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, phí vì mục tiêu BVMT, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam.
Để tiếp tục thúc đẩy việc sử dụng các chủng loại xe tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường, trong đó, có xe ô tô điện, tại Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 đã quy định giảm thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô dưới 9 chỗ có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 trở xuống.
Đồng thời, quy định tăng thuế suất thuế TTĐB ở mức cao đối với các dòng xe có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3.
Cùng với đó, đã thực hiện giảm mạnh mức thuế suất thuế TTĐB áp dụng đối với xe ô tô điện để khuyến khích việc sử dụng xe ô tô điện.
Với sự điều chỉnh này, so với trước kia, chênh lệch về mức thuế suất thuế TTĐB giữa xe ô tô điện và các loại xe ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch và giữa loại xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch có dung tích xi lanh nhỏ với dung tích xi lanh lớn đã được nới rộng đáng kể.
Mục đích của việc điều chỉnh này là nhằm tạo động lực thúc đẩy người tiêu dùng sử dụng các dòng xe ô tô có dung tích xi lanh nhỏ và các loại xe ô tô thân thiện với môi trường, bao gồm cả xe ô tô điện.
Cụ thể, giảm thuế suất thuế TTĐB theo lộ trình đối với dòng xe ô tô có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 để thúc đẩy việc sản xuất, sử dụng các dòng xe ô tô tiết kiệm nhiên liệu. Từ ngày 1/1/2018, loại có dung tích xi lanh từ 1.500 cm3 trở xuống áp dụng thuế suất 35% (giảm 10% so với quy định tại Luật số 70/2014/QH13); loại trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3 áp dụng thuế suất 40% (giảm 5% so với quy định tại Luật số 70/2014/QH133).
Đồng thời, thực hiện tăng mức thuế suất thuế TTĐB đối với xe có dung tích xi lanh lớn để khuyến khích sử dụng xe ô tô tiết kiệm nhiên liệu, dung tích xi lanh nhỏ.
Trong đó, mức thuế suất thuế TTĐB lên đến 150% được áp dụng đối với xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xi lanh trên 6.000 cm3.
Tiếp theo là giảm mức thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô điện so với mức thuế đã quy định tại Luật thuế TTĐB số 70/2014/QH13.
Theo đó, loại chở người từ 9 chỗ trở xuống áp dụng thuế suất 15% (giảm 10%); loại chở người từ 10 đến dưới 16 chỗ: áp dụng thuế suất 10% (giảm 5%); loại chở người từ 16 đến dưới 24 chỗ: áp dụng thuế suất 5% (giảm 5%).
Cùng với đó, còn quy định áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB thấp hơn đối với xe ô tô thân thiện với môi trường, cụ thể, xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học, trong đó tỷ trọng xăng sử dụng không quá 70% số năng lượng sử dụng thì mức thuế suất thuế TTĐB bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe có dung tích cùng loại.
Đối với xe ô tô chạy bằng năng lượng sinh học, mức thuế suất thuế TTĐB bằng 50% mức thuế suất áp dụng cho xe có dung tích cùng loại.
Như vậy, đến nay, có thể thấy pháp luật về thuế TTĐB đã có những chính sách ưu đãi riêng, ở mức cao để thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng xe ô tô thân thiện môi trường, trong đó có ô tô điện.
Qua các lần điều chỉnh, hiện hành, mức thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô điện đang được quy định khá thấp, trong khoảng từ 5% đến 15% tùy theo số chỗ ngồi, trong khi đó mức thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô chạy bằng năng lượng hóa thạch (xăng, dầu) nằm trong khoảng từ 10% đến 150%, tùy theo số chỗ ngồi và dung tích xi lanh.
Cụ thể, từ ngày 1/7/2016 đến nay, ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống chạy bằng xăng dầu có mức thuế suất thuế TTĐB từ 35-150%, tuỳ dung tích xi lanh; nếu chạy bằng điện sẽ có mức thuế là 15%.
Mức thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô chở người từ 10 đến dưới 16 chỗ ngồi, nếu chạy bằng xăng, dầu là 15% còn chạy bằng điện là 10%.
Đối với ô tô chở người từ 16 đến dưới 24 chỗ ngồi, mức thuế suất thuế TTĐB dành cho xe chạy bằng xăng, dầu là 10% còn xe chạy điện là 5%.
Với loại xe thiết kế vừa chở người vừa chở hàng, nếu chạy bằng xăng, dầu sẽ chịu mức thuế suất thuế TTĐB là 15-25% tuỳ dung tích xi lanh còn nếu là xe chạy điện thì mức thuế là 10%.
Trạm sạc thường AC 11kW dành cho ô tô điện của VinFast
Chính sách ưu đãi hiện có đối với xe điện
Về chính sách thuế nhập khẩu. Theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư thì sản xuất ô tô, phụ tùng ô tô thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư.
Theo đó, dự án sản xuất ô tô, phụ tùng ô tô được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu tạo tài sản cố định của dự án theo quy định tại khoản 11 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2016).
Ngoài ra, để thúc đẩy việc sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, trong đó xe ô tô điện, chính sách thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng đã được quy định trên cơ sở các nguyên tắc ban hành biểu thuế, thuế suất được quy định tại Điều 10 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13.
Mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN) trung bình của cả bộ linh kiện theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi của các chủng loại xe hiện nay được quy định thấp hơn mức thuế của xe ô tô nguyên chiếc.
Gần đây, để tiếp tục thúc đẩy ngành ô tô phát triển phù hợp với bối cảnh mới, năm 2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ (Nghị định số 57/2020/NĐ-CP).
Theo đó, đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước được ban hành năm 2017 cho phù hợp với các yêu cầu mới. Trong đó đã bổ sung các chủng loại xe ô tô chạy điện, xe ô tô sử dụng pin nhiên liệu, xe ô tô hybrid vào đối tượng áp dụng ưu đãi của Chương trình để thúc đẩy phát triển các dòng xe thân thiện với môi trường trong nước.
Doanh nghiệp sản xuất xe các dòng xe ô tô này nếu đáp ứng các điều kiện của Chương trình sẽ được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với linh kiện ô tô nhập khẩu thuộc loại trong nước chưa sản xuất được.
Bên cạnh đó, thực hiện định hướng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 20454, tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP nêu trên, bên cạnh Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô được áp dụng từ năm 2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ bổ sung Chương trình ưu đãi thuế CNHT ô tô.
Theo đó, quy định nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô (gọi tắt là sản phẩm CNHT ô tô) quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển CNHT5 được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Thời gian thực hiện của Chương trình là 5 năm
Ngoài ra còn có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác như: Về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có các quy định về ưu đãi thuế TNDN áp dụng đối với dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô.
Trong đó, thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất, lắp ráp ô tô tại các địa bàn ưu đãi đầu tư (bao gồm cả khu kinh tế; khu công nghệ cao; khu công nghiệp...) được hưởng các mức ưu đãi về thuế TNDN (thuế suất ưu đãi và thời gian miễn, giảm thuế...) tương ứng với địa bàn thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về thuế TNDN.
Về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và tiền thuê đất, sản xuất ô tô, phụ tùng thuộc Danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư. Theo đó, các dự án sản xuất, ô tô được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và pháp luật về đất đai.
Về lệ phí trước bạ (LPTB), thực hiện Luật phí và lệ phí năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 về LPTB (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017)
đã có quy định về miễn LPTB đối với phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng sạch, trong đó có xe buýt chạy bằng điện (Mức thu LPTB đối với các loại xe buýt khác hiện hành là 2%).
Đề xuất các giải pháp thúc đẩy việc sản xuất, sử dụng xe điện
Gần đây, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra quy định yêu cầu có lộ trình chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, tại Điều 65 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có quy định: “Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích phát triển phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông sử dụng năng lượng tái tạo, mức tiêu hao nhiên liệu thấp, phát thải thấp hoặc không phát thải; lộ trình chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường.”
Tương tự như nhiều quốc gia trên thế giới, đối với Việt Nam, công nghiệp ô tô có vai trò và vị trí rất quan trọng đối với sự phát triển tổng thể của ngành công nghiệp trong nước. Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra định hướng: “Lựa chọn một số ngành công nghiệp để ưu tiên phát triển theo hướng phải đáp ứng các nguyên tắc: Dựa trên kết quả phân tích khách quan lợi thế của đất nước; là ngành có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; có ý nghĩa nền tảng, có tác động lan toả cao đến các ngành kinh tế khác; sử dụng các công nghệ sạch, thân thiện môi trường; có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao…”.
…. Giai đoạn đến năm 2030, tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như:….. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực cơ khí như: Ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế…”.
Cùng với đó, Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp: “... thúc đẩy phát triển các phương tiện giao thông sử dụng điện năng phù hợp với xu thế chung trên thế giới.”
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 cũng đã đề ra định hướng: “Xác định và thiết lập đối tác chiến lược, khuyến khích đầu tư các dự án đủ lớn để tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ. Khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện...), đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.
Tuy nhiên, từ thực tiễn phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, để có thể phát triển được ngành công nghiệp ô tô một cách hiệu quả, bền vững đòi hỏi cần phải có những giải pháp đồng bộ với tầm nhìn trung và dài hạn.
Các giải pháp đưa ra cũng cần được cân nhắc, tính toán kỹ trên nhiều mặt, nhất là trong bối cảnh công nghệ liên tục phát triển, quá trình quốc tế hóa và phân công lao động quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Những quốc gia đi sau như Việt Nam bên cạnh các yếu tố thuận lợi cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, việc sử dụng các giải pháp về thuế, phí, lệ phí để thúc đẩy sử dụng xe ô tô thân thiện môi trường đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện.
Trong đó, nhiều quốc gia đã có các chính sách về miễn, giảm một số khoản thuế, phí (thuế TTĐB, thuế đăng ký, phí sử dụng đường bộ...).
Tuy nhiên, tùy theo điều kiện, cấu trúc của hệ thống thuế ở từng nước mà các chính sách hỗ trợ cũng rất khác nhau. Trong đó, cũng có nhiều quốc gia áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô điện thấp hơn mức thuế suất đối với xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch tương tự như quy định của Việt Nam hiện nay, ví dụ như ở Malaisia, Thái Lan, Indonesia hay Argentina.
Thậm chí có một số nước còn có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người mua xe ô tô điện. Tuy nhiên, đối với Việt Nam trong xu thế hội nhập hiện nay, việc tham khảo, vận dụng các kinh nghiệm quốc tế là cần thiết, song cũng cần phải phù hợp với bối cảnh, đặc điểm của tình hình kinh tế - xã hội cũng như hiện trạng phát triển ngành ô tô trong nước hiện nay và định hướng phát triển trong tương lai.
Trong bối cảnh này, việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô nói chung, xe ô tô thân thiện môi trường nói riêng trong thời gian tới cần phải dựa trên các yêu cầu sau:
Đảm bảo phù hợp với các mục tiêu, quan điểm và định hướng đã được nêu tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 nêu trên của Bộ Chính trị. Trong đó, cần có những chính sách phù hợp để duy trì sự tăng trưởng ổn định của thị trường ô tô trong nước.
Xe buýt điện đầu tiên tại Việt Nam
Sẽ có chính sách ưu đãi về thuế phí đối với xe điện
Với một thị trường ô tô có quy mô còn nhỏ, đang được chia ra cho quá nhiều phân khúc, chủng loại xe thì sẽ rất khó cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô khai thác được các lợi thế về quy mô để giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm ô tô nhập khẩu.
Việc xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ cho việc sản xuất, sử dụng ô tô thân thiện môi trường nói chung, xe ô tô điện nói riêng phải có tầm nhìn dài hạn và được gắn với các nguyên tắc của thị trường, phù hợp với đặc thù về điều kiện, bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước.
Đồng thời, phải đảm bảo tuân thủ đúng, đầy đủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã đưa ra trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với vai trò và vị trí của từng công cụ chính sách. Ví dụ, đối với thuế TTĐB thì bên cạnh tạo nguồn thu cho NSNN, sắc thuế này còn có vai trò quan trọng trong việc điều tiết, định hướng tiêu dùng của xã hội.
Thực hiện hỗ trợ có chọn lọc, có điều kiện và lộ trình cụ thể để tạo nền tảng cho ngành công nghiệp ô tô phát triển vững chắc, có khả năng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và khai thác hiệu quả các lợi thế mà xu hướng ô tô hóa dự kiến đem lại trong thời gian tới đây khi mà mức sống người dân trong nước ngày càng được cải thiện.
Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí đối với xe ô tô thân thiện môi trường cần được xác định dựa trên mức độ phát thải, mức độ gây ô nhiễm môi trường của từng loại xe, trong đó, loại xe ô tô chạy hoàn toàn bằng pin (ô tô điện chạy pin) cần có sự ưu đãi cao hơn các chủng loại xe khác, ví dụ xe hybrid.
Việc xây dựng các chính sách thúc đẩy việc sản xuất, sử dụng ô tô thân thiện môi trường, ô tô điện trong nước cần đảm bảo nhất quán với việc thúc đẩy sự phát triển tổng thể của ngành công nghiệp ô tô. Trong đó, cần xử lý hài hòa giữa việc thúc đẩy sử dụng ô tô thân thiện môi trường, ô tô điện với chủ trương phát triển các dòng xe ô tô chiến lược khác đã được xác định trong định hướng phát triển dài hạn của ngành công nghiệp ô tô trong nước. Để không lãng phí nguồn lực cần phải có một lộ trình chuyển đổi phù hợp từ việc sản xuất xe ô tô sử dụng nhiện liệu hóa thạch sang ưu tiên sản xuất các chủng loại xe ô tô thân thiện môi trường, xe ô tô điện.
Đảm bảo sự đồng bộ với các chính sách khác có liên quan. Hiệu quả của chính sách khuyến khích sản xuất, lắp ráp xe ô tô thân thiện môi trường, trong đó có xe ô tô điện, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ sở hạ tầng, thị hiếu tiêu dùng của người dân và giá thành xe.
Hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng (đường giao thông, nhà ở, chung cư, trung tâm thương mại, văn phòng…) ở nước ta hầu hết chưa được xây dựng để tích hợp hệ thống sạc cho xe ô tô điện. Hệ thống bãi đỗ xe ô tô để có thể tích hợp được trạm xạc pin hiện nay cũng chưa nhiều.
Cùng với đó, tình trạng tắc nghẽn giao thông ở một số thành phố lớn nơi mà thị trường ô tô điện có thể hướng đến ngày càng trầm trọng cũng sẽ ảnh hướng đến sự yên tâm cũng như tâm lý của người dân trong việc sử dụng xe ô tô điện.
Việc có những chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất, sử dụng xe ô tô thân thiện môi trường trong bối cảnh hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, bên cạnh việc thúc đẩy sử dụng xe ô tô điện trong nước, việc áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế, phí hay các chính sách ưu đãi tài chính khác (nếu có) đối với xe ô tô thân thiện môi trường cũng sẽ khuyến khích sử dụng các dòng xe này từ nguồn nhập khẩu.
Theo đó, các giải pháp thúc đẩy việc sản xuất, sử dụng ô tô điện cũng cần phải được nhìn nhận, đánh giá từ các định hướng phát triển tổng thể của ngành công nghiệp ô tô trong nước và với một tầm nhìn dài hạn như đề cập ở trên.
Ngoài ra, việc sử dụng xe ô tô điện, bên cạnh những lợi ích mang lại cũng đang đặt ra một số vấn đề có liên quan cần phải được cân nhắc, xử lý hài hòa, ví dụ như khả năng hấp thụ của hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là ở các thành phố lớn hay ảnh hưởng đến môi trường của pin ô tô đã qua sử dụng hay từ quá trình sử dụng nguồn điện để sạc pin.
Lợi ích mà việc sử dụng xe ô tô điện mang lại là giảm phát thải, thúc đẩy bảo vệ môi trường nhưng việc sử dụng xe ô tô điện cũng sẽ gián tiếp phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nếu quá trình sạc điện cho hệ thống pin của xe lại được lấy từ nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà không phải là nguồn điện “sạch”.
Theo đó, cần phải có các chính sách, cơ chế đồng bộ để đảm bảo các dòng xe này thực sự là xe “sạch” và không làm phát sinh các hệ lụy đối với môi trường trong tương lai.
Bên cạnh đó, ngoài các chính sách ưu đãi về thuế, phí, để khuyến khích sản xuất, sử dụng xe ô tô thân thiện môi trường, kinh nghiệm các nước cho thấy bên cạnh chính sách thuế, phí có thể sử dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác như các khoản hỗ trợ về tín dụng cho người sử dụng.
Ngoài ra, cũng cần phải có những chính sách phù hợp để phát triển cơ sở hạ tầng cho xe ô tô điện (hạ tầng giao thông, quỹ đất để bố trí trạm sạc…); phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp nguồn điện sạch cho các trạm sạc điện hay phát triển ngành CNHT để cung cấp linh kiện, phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp xe ô tô điện.
Đồng thời, cũng cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông về vai trò của việc BVMT trong bối cảnh hiện nay và sự cần thiết phải chuyển hướng sang sử dụng các phương tiện, hình thức vận tải thân thiện với môi trường như xe ô tô điện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận