Thực tế cho thấy, mặc dù là xe mới nhưng khi nhận bàn giao xe, khách hàng vẫn cần phải kiểm tra tổng thể xe và các thủ tục, tránh các rủi ro ngoài ý muốn.
Kiểm tra giấy tờ, hồ sơ pháp lý của xe
Thủ tục đầu tiên của hầu hết đại lý là bàn giao toàn bộ giấy tờ cho khách hàng. Giấy tờ sẽ được chia thành hai loại là đã hoàn thành thủ tục đăng ký và chưa hoàn thành thủ tục đăng ký xe.
Đối với giấy tờ đã hoàn thành thủ tục đăng ký, người dùng cần kiểm tra các giấy tờ như: đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự và bảo hiểm thân vỏ xe (nếu có). Tất cả giấy tờ cần được nhất quán về tên, địa chỉ của chủ sở hữu và thông tin của chiếc xe.
Còn với giấy tờ chưa đăng ký, chủ xe cần kiểm tra có đầy đủ giấy chứng nhận nguồn gốc xe và hóa đơn giá trị gia tăng từ đại lý. Tất cả phải đảm bảo là bản gốc có dấu mộc đỏ và chữ ký tươi của cơ quan có thẩm quyền.
Có nhiều người thường bỏ qua khâu kiểm tra này, nhưng đây là thủ tục bắt buộc vì giấy tờ pháp lý đảm bảo chủ xe là người sở hữu hợp pháp, tránh việc tranh chấp pháp luật về sau.
Đối với mỗi đại lý sẽ có những chương trình ưu đãi riêng cho khách hàng với những món quà tặng khác nhau. Chủ xe cũng cần lưu ý để đảm bảo quyền lợi đại lý dành riêng cho mình.
Kiểm tra tổng thể và vận hành của xe
Để một chiếc xe tới tay người tiêu dùng cần trải qua quá trình vận chuyển từ nhà máy về đại lý và lưu kho. Nên việc xe bị xước xát do quá trình vận chuyển hay lưu kho là khó tránh.
Do vậy khi nhận bào giao xe mới người dùng cần kiểm tra tổng quát toàn bộ xe để đảm bảo chiếc xe không có lỗi.
Đối với phần ngoại thất, cần đảo bảo màu sơn đồng nhất không loang lổ, đồng thời cần thay đổi nhiều góc nhìn để xác nhận không có những vết lồi lõm bất thường trên thân vỏ. Các chi tiết mạ crom cũng rất dễ bị ố do yếu tố thời tiết nên người dùng cần phải kiểm tra cẩn thận.
Anh Nguyễn Văn Ngọc, tư vấn bán hàng của một đại lý Toyota ở Hà Nội cho biết, các xe nhập khẩu thường được dán một một lớp nilong bảo vệ phần nắp capo và nóc xe nên khi để lưu bãi lâu ngày sẽ bị nước mưa làm ố các phần sơn khác, nếu không được xử lý thì vết ố này rất khó rửa sạch.
Tiếp theo nên kiểm tra khoang động cơ, đầu tiên là kiểm tra xem khoang máy có sạch sẽ hay không? Tiếp đến là kiểm tra các hệ thống nước làm mát, nước lau kính, dầu phanh... xem có cần phải bổ sung hay không? Điều này sẽ đảm bảo các hệ thống hoạt động trong điều kiện tốt nhất.
Sau đó cần kiểm tra các cửa kính không có vết nứt, ố hay các vết xước. Cần gạt mưa cũng cần được kiểm tra chạy thử để đảm bảo không phát ra tiếng ồn và chức năng gạt mưa hoạt động tốt. Các hệ thống đèn, còi, động cơ, điều hòa cũng phải đảm bảo điều kiện hoạt động bình thường.
Nội thất cần kiểm tra ghế và da phải đảm bảo không bị nhăn, nhàu, không có nếp nhăn của người ngồi lên. Phần nhựa, đặc biệt là nhựa tối màu, cần đảm bảo độ đen, bóng, không bạc màu. Bên cạnh đó, các chức năng của ghế cũng cần hoạt động trơn tru, không có tiếng ồn từ phần khớp ghế.
Sau đó, chủ xe có thể đóng mở cửa để kiểm tra độ khớp của bản lề, ngoài ra cần kiểm tra phần gioăng các cửa xem chúng có đủ độ mềm, độ êm cần thiết không.
Cuối cùng là hoàn thiện biên bản bàn giao xe, đây là thủ tục bị bỏ quên nhiều nhất khi bàn giao xe mới. Người mua nên kiểm tra và đánh dấu những hạng mục bình thường, không bình thường và những giấy tờ nhận được.
Biên bản này thường được chia làm hai bản, đại lý giữ một bản và người mua giữ một bản. Cần xác nhận đầy đủ chữ ký của những bộ phận có liên quan để đảm bảo quyền lợi sau này nếu có phát sinh những vấn đề ngoài ý muốn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận