Malaysia
Ngày 5/6/2020, Thủ tướng Malaysia Tan Sri Muhyiddin Yassin đã công bố một loạt các biện pháp nhằm kích thích nền kinh tế của đất nước vốn bị ảnh hưởng xấu bởi đại dịch Covid-19.
Đối với lĩnh vực ô tô, biện pháp cứu trợ là miễn 100% thuế doanh thu (một dạng tương tự thuế thu nhập doanh nghiệp) cho các doanh nghiệp ô tô lắp ráp trong nước (CKD) và miễn 50% thuế doanh thu cho xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU). Quy định này bắt đầu thực thi từ ngày 15/6 đến hết ngày 31/12/2020.
Hiện nay, mức thuế doanh thu tại Malaysia áp dụng mức 10% (dựa trên giá bán đã xuất hóa đơn) cho xe ô tô chở người - cả xe lắp ráp (CKD) lẫn xe nhập khẩu (CBU).
Do đó, đối với xe lắp ráp, việc loại bỏ hoàn toàn thuế suất 10% doanh thu bán hàng sẽ giúp xe sản xuất nội địa giảm giá 10%. Trong khi đối với xe nhập khẩu, mức giảm giá là 5%, sau khi thuế suất được giảm một nửa.
Sản lượng ô tô hàng năm của Malaysia là khoảng 700 nghìn xe và tiêu thụ nội địa khoảng 600 nghìn xe mỗi năm, đứng thứ ba trong khu vực ASEAN, sau Thái Lan và Indonesia.
Indonesia
Hiệp hội sản xuất ô tô Indonesia (Gaikindo) thông báo hôm 20/6/2020, doanh số bán xe ô tô (từ các nhà máy đến các đại lý) trong tháng 5 của đất nước đông dân nhất Đông Nam Á chỉ là 3.551 chiếc và chưa bao giờ ngành công nghiệp ô tô rơi vào tình thế nguy cấp đến vậy.
Vì lý do này, Gaikindo đã gửi thư thỉnh cầu đến Chính phủ và thống đốc các địa phương, thỉnh nguyện giảm thuế sở hữu xe hơi (hiện đang là 12,5% giá bán lẻ) xuống mức 6% trong một khoảng thời gian nhất định.
"Chúng tôi có tổng công suất 2,5 triệu chiếc xe/năm nhưng chỉ sản xuất và tiêu thụ được 1,3 - 1,4 triệu xe mỗi năm, gồm cả xuất khẩu. Vì vậy, vẫn có tiềm năng để phát triển và Indonesia hy vọng sẽ phục hồi nhanh chóng", ông Kukuh, Tổng thư ký Gaikindo nói.
Sản lượng ô tô hàng năm của Indonesia vào khoảng 1,3 triệu xe, trong đó tiêu thụ nội địa năm 2019 là xấp xỉ 1 triệu xe.
Thái Lan
Đầu tháng 5/2020, Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) đề xuất lên Chính phủ nước này 3 biện pháp hỗ trợ ô tô, bao gồm giảm thuế tiêu thụ đặc biệt 50% cho đến cuối năm nay, đổi xe cũ lấy xe mới với món trợ cấp 100.000 baht/xe do nhà nước trả, và hoãn thực thi bộ tiêu chuẩn khí thải Euro 5 thêm một thời gian.
Các nhà sản xuất ô tô hy vọng nếu được thông qua sẽ tạo động lực vực dậy thị trường ô tô Thái Lan trong khoảng thời gian còn lại của năm 2020.
Tuy nhiên, đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô đến hết năm 2020 của FTI đã không được Cục Quản lý Thuế tiêu thụ đặc biệt (thuộc Bộ Tài chính Thái Lan) chấp thuận, theo tờ Bangkok Post.
Ngày 2/6, ông Patchara Anuntasilpa, người đứng đầu Cục Quản lý Thuế tiêu thụ đặc biệt (thuộc Bộ Tài chính Thái Lan) cho biết, các nhà sản xuất kinh doanh ô tô đang áp dụng chính sách ưu đãi, giảm giá cao hơn so với mức cắt giảm thuế theo đề xuất. Can thiệp vào thị trường bằng cách cắt giảm thuế là không phù hợp trong khi nhà nước tiếp tục trợ cấp tiền mặt cho người đổi xe cũ lấy xe mới.
Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô đóng góp khoảng 100 tỷ baht (3,14 tỷ USD) mỗi năm cho ngân sách Thái Lan.
Thái Lan đứng đầu Đông Nam Á về sản xuất ô tô (khoảng 2,2 triệu xe mỗi năm) cũng như đứng đầu khu vực về tiêu thụ nội địa (khoảng 1,1 triệu xe/năm) và xuất khẩu.
Ngoài Việt Nam mới chính thức giảm 50% lệ phí trước bạ (một dạng thuế tài sản) cho xe lắp ráp trong nước đến hết năm 2020, các quốc gia khác trong khu vực ASEAN như Philippines, Singapore, Myanmar hay Campuchia chưa có động thái cụ thể hỗ trợ thị trường ô tô đang “nguội lạnh” do đại dịch Covid-19.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận