Công nhân Hyundai tại nhà máy sản xuất ở Ulsan trong một cuộc đình công |
Đầu tuần này, khoảng 50 nghìn công nhân Tập đoàn Hyundai Motor thực hiện cuộc đình công lớn nhất trong 12 năm trở lại đây gây thiệt hại hàng tỷ USD, khiến Hyundai nói riêng và ngành Công nghiệp sản xuất ô tô Hàn Quốc nói chung lo sốt vó.
Thiệt hại 2,26 tỷ USD
Ngày 26/9, 50 nghìn công nhân Tập đoàn Hyundai Motor biểu tình trên quy mô toàn quốc vì đàm phán về lương không đi đến kết quả. Những ngày tiếp theo, Công đoàn Hyundai thực hiện kế hoạch lãn công trong 6 giờ/ngày và có thể kéo dài cho tới tuần sau, tùy thuộc vào phản ứng của công ty - người phát ngôn Liên đoàn Lao động Jang Chang-yeal khẳng định. Cuộc đình công toàn thời gian đầu tiên sau 12 năm nổ ra sau khi công nhân Hyundai thực hiện hàng loạt cuộc lãn công rải rác suốt từ năm 2012.
Trong đó, riêng năm nay, Hyundai thực hiện 20 cuộc bãi công đòi cải thiện phúc lợi. Hoạt động này làm cho giới chức Hyundai vô cùng e ngại, bởi các cuộc biểu tình từ tháng 7 - 26/9 khiến sụt giảm năng suất 114 nghìn phương tiện, trị giá lên tới 2,5 nghìn tỷ won (2,26 tỷ USD). “Đình công năm nay kéo dài hơn dự kiến. Lợi nhuận quý III chắc chắn sẽ gây thất vọng”, nhà phân tích ô tô Eim Eun-young đến từ Tập đoàn Chứng khoán Samsung nhận định.
Hyundai là nhà sản xuất ô tô lớn thứ 5 trên thế giới (sở hữu Kia Motors) cho biết, rất thất vọng đối với hành động đình công và đang tiếp tục làm việc cùng Liên đoàn Lao động để giải quyết mâu thuẫn. Yêu sách mới nhất từ công đoàn là tăng 7,2% lương cùng tiền thưởng cho công nhân; Tổng cộng, lương bổng sẽ chiếm 30% trong 5,4 tỷ USD lợi nhuận ròng năm 2015 của Hyundai.
Theo tập đoàn này, năm 2015, công nhân lắp ráp tại các nhà máy đặt tại Hàn Quốc được trả lương trung bình khoảng 84 nghìn USD/năm (1,8 tỷ VND/năm), bao gồm thời gian làm thêm giờ, thời gian làm thứ bảy, chủ nhật, thưởng, phúc lợi xã hội. Mức lương này tăng gần gấp đôi so với năm 2004 - lần diễn ra đình công toàn thời gian gần đây nhất. Mặt khác, mức lương của công nhân Hyundai cao gấp 2,5 lần lương trung bình của người dân Hàn Quốc (33.110 USD/năm tính trong năm 2015).
Gáo nước lạnh cho khôi phục xuất khẩu
Bộ trưởng Thương mại Joo Hyung-hwan chỉ trích cuộc đình công dội “gáo nước lạnh vào công cuộc khôi phục xuất khẩu” của Hàn Quốc. Bởi, từ tháng 1 - 7 năm nay, Ấn Độ lật đổ Hàn Quốc vươn lên vị trí nước sản xuất ô tô lớn thứ 5 thế giới. Lần đầu tiên trong hàng chục năm, Ấn Độ vượt mặt Hàn Quốc với năng suất 2,57 triệu chiếc trong 7 tháng đầu năm xứ sở kim chi mất ghế với 2,55 triệu chiếc. Nếu xu hướng này tiếp tục, Hàn Quốc có nguy cơ mất vị trí thứ 5 tính trên cả năm.
Về doanh số, ngành Sản xuất ô tô Hàn Quốc đang đối mặt tình hình sụt giảm doanh số xuất khẩu và nội địa ở mức thấp nhất, trong 7 năm, chỉ bán được 250 nghìn xe trong tháng 8. Trong bối cảnh này, cuộc đình công tại Hyundai và Kia như “đổ thêm dầu vào lửa”. Nhà phân tích công nghiệp Cho Soo-hong đến từ Tập đoàn Chứng khoán và Đầu tư NongHyup dự đoán, doanh số toàn cầu của Hyundai bao gồm cả Kia sẽ sụt giảm 0,6% trong năm 2016. Lợi nhuận của Hyundai từ tháng 4 - 6 liên tiếp sụt giảm và dự kiến sẽ giảm sâu trong quý III này.
Về xuất khẩu, Bộ Thương mại Hàn Quốc dự đoán, nếu Hyundai không thể giải quyết mâu thuẫn với người lao động, kéo dài tình hình lãn công tới cuối tuần, xuất khẩu ô tô sẽ giảm 1,3 tỷ USD. Thêm nữa, tờ The Detroit Bureau của Mỹ nhận định, cuộc đình công nổ ra đúng thời điểm xấu nhất với cả Hyundai và Hàn Quốc.
Vấn đề này sẽ làm phức tạp thêm tình hình kinh tế Hàn Quốc vốn đang rối ren với sự cố triệu hồi hàng triệu điện thoại Note 7 của Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Vận tải Hanjin phá sản, ba công ty đóng tàu của nước này đang đối mặt nguy cơ tái cơ cấu để trả nợ. Bộ trưởng Bộ Thương mại Joo Hyung-hwan cho rằng, mối quan hệ không linh hoạt trong ngành công nghiệp này, mức lương cao hơn sẽ làm giảm tính cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô nội địa Hàn Quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận