Tham vọng lớn
Đầu năm 2022, một loạt điểm rửa xe tự động tưng bừng khai trương ở các quận trung tâm Hà Nội, với công nghệ rửa xe được quảng bá là của hãng Karcher (CHLB Đức).
Tại các tiệm này, chu trình rửa ngoại thất hoàn toàn do máy móc đảm nhận trong khoảng 8 - 10 phút, sau đó thợ sẽ hút bụi, lau chùi nội thất.
Hệ thống máy rửa tự động nhập khẩu từ Đức được lắp đặt tại điểm rửa xe 316 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội)
Theo quan sát của PV Báo Giao thông, phần việc “tự động” tại các điểm rửa xe này được hiểu là toàn bộ thân vỏ xe được rửa và làm khô bằng máy.
Khi xe vào khoang rửa, người vận hành dây chuyền chỉ bấm nút điều khiển. Khi đó toàn bộ chu trình rửa bắt đầu với hệ thống vòi phun và chổi con lăn tự động làm sạch thân vỏ xe đã được lập trình sẵn.
Mức giá của dịch vụ rửa ô tô tự động này có nhiều gói, thấp nhất là 65 nghìn đồng để rửa thân vỏ cơ bản, gói cao nhất là 208 nghìn đồng, dành cho xe phải ủ hóa chất để tẩy rửa các vết bẩn “cứng đầu”.
Riêng xe bán tải và xe đi off-road có gói riêng cho thân vỏ và xịt gầm, giá 85 nghìn đồng.
Người quản lý điểm rửa xe tự động ở số 2 Lê Đức Thọ (Hà Nội) cho biết, hệ thống rửa tự động làm sạch tới 95% diện tích bên ngoài, chỉ còn khoảng 5% là các khe kẽ và tay nắm cửa, hốc bánh xe buộc phải dùng nhân công, lau chùi bằng tay.
Chủ đầu tư của chuỗi rửa xe này là Công ty TNHH Rửa xe thông minh đặt kỳ vọng sẽ nhân bản lên 222 điểm rửa xe trên cả nước. Không chỉ mỗi việc rửa xe mà họ còn cung cấp thêm các dịch vụ đi kèm như: “Rửa xe thông minh - Cà phê - Điểm đỗ”.
Đơn vị này ước tính con số doanh thu khi đạt 20.000 lượt xe/ địa điểm/ năm (tương đương 55 lượt rửa xe/ ngày) và mỗi tiệm rửa xe sẽ đạt doanh thu 7 tỷ đồng/năm (tính gộp cả rửa xe, cà phê, trông xe), lợi nhuận bình quân 25%/năm.
Một chuyên gia tài chính cho hay, với tính toán của chủ đầu tư về mức lợi nhuận 25%/năm khi đạt doanh thu 7 tỷ đồng/năm, có thể tính được suất đầu tư bình quân cho một điểm rửa xe tự động theo mô hình của Công ty TNHH Rửa xe thông minh đang triển khai vào khoảng 4,5 - 5,25 tỷ đồng/năm.
Ngoài mô hình này, từ năm 2019 một số trạm rửa xe tự động khác do Petrolimex đầu tư cũng triển khai trong khuôn viên các trạm xăng Petrolimex, theo chủ trương bắt buộc tích hợp trạm rửa xe tự động vào cửa hàng xăng dầu của UBND TP Hà Nội, nhằm từng bước loại bỏ các cửa hàng rửa xe tự phát, bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, chuỗi rửa xe tự động của Petrolimex chưa nhân rộng như kỳ vọng do vấn đề thủ tục triển khai mặt bằng, cộng với nguyên nhân 2 năm đại dịch làm trì hoãn kế hoạch nói trên.
Rửa xe truyền thống liệu có còn “đất” sống?
Tiệm rửa xe truyền thống vẫn dùng nhiều nhân công cho các phần việc tỉ mỉ như chùi rửa vành ô tô
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lương Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Rửa xe V-JET Nhật Bản (Hà Nội) cho biết, mô hình rửa xe tự động ở Việt Nam không hề mới, đã từng xuất hiện cách đây gần 30 năm.
Đó là cabin rửa xe tự động được Petrolimex nhập về từ năm 1995, đặt tại trạm xăng nhưng rồi không thành công, sau thành khối sắt vụn.
Theo ông Vinh, lý do công nghệ này chưa thành công và nhân rộng, đầu tiên phải kể đến là do máy rửa tự động cỡ nào thì cũng chỉ rửa được vỏ xe.
Ở Việt Nam, chủ xe quan tâm tới việc dọn nội thất hơn là ngoại thất. Vì vậy rửa nhanh vỏ xe là ưu điểm nhưng ngược lại cũng là nhược điểm. Phải đầu tư một dàn máy tiền tỷ chỉ để rửa vỏ, dù bớt được nhân công nhưng ngược lại phải bỏ vốn rất lớn.
Thêm nữa, máy rửa không sạch bằng người, thậm chí có thể gây xước xe nếu chổi lau và khăn cuộn trên con lăn không tốt. Phần hốc lốp, lốp, vành xe máy móc không rửa được. Tới nay việc rửa vành và lốp xe hơi hoàn toàn chưa có máy nào thay thế được con người.
Bên cạnh đó về mặt thời gian, rửa xe tự động không nhanh hơn rửa bằng tay. Việc dọn nội thất xe chiếm nhiều thời gian nhất trong chu trình rửa (chiếm 2/3 tổng thời gian), khâu này vẫn phải do tay người.
Ngoài ra, rửa xe tự động tốn nước và điện hơn rửa thủ công từ 5 - 10 lần. Đây là mức điện nước tính theo giá kinh doanh, phải tính kỹ nếu không sẽ lỗ.
Ngoài ra, hệ thống máy rửa xe tự động cần được bảo trì máy bơm giàn phun, phải thay chổi thay khăn thường xuyên, khá tốn kém. Chưa kể đó là hệ thống tự động hóa, phần điều khiển tự động nếu hỏng thì sẽ ách tắc dây chuyền dịch vụ nhiều ngày.
“Bởi thế, mức độ hữu dụng thấp và suất đầu tư cao là hai yếu tố cản trở mô hình kinh doanh rửa xe tự động tại Việt Nam, không dễ đánh bật phương cách rửa xe truyền thống trong một sớm một chiều”, ông Vinh nói.
Nhận xét về dịch vụ rửa xe tự động, chị Lê Phương Dung (trú tại Khu đô thị Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, trước Tết chị có thử đi rửa xe tự động một lần cho biết nhưng thực tình “chưa hài lòng lắm”.
Mặc dù loại hình rửa xe này có nhiều dịch vụ như: Rửa thân vỏ, nội thất, rửa chuyên sâu cho xe siêu bẩn hay đánh bóng… nhưng thực tế nhu cầu không có nhiều.
Người dùng xe hiện nay khi mang xe đi rửa phần lớn chỉ là làm sạch thân vỏ và dọn nội thất và những dịch vụ này thì các trạm rửa xe truyền thống đang làm tốt.
Dịch vụ rửa xe tự động rõ ràng là chuyên nghiệp hơn nhưng giá cũng cao hơn nên khó lòng cạnh tranh vào thời điểm này.
Thực tế tại trạm rửa xe tự động số 2 Lê Đức Thọ, PV Báo Giao thông cũng nhận thấy lượng khách sử dụng công nghệ rửa xe mới không nhiều, thậm chí còn vắng khách so với các cơ sở rửa xe truyền thống. Có thể do đây là dịch vụ mới nên nhiều khách hàng chưa quen dùng.
Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy để chinh phục được khách hàng thay đổi thói quen rửa xe truyền thống không phải là câu chuyện một sớm một chiều.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận