Nhóm công tác Công nghiệp ô tô và xe máy cho rằng, Việt Nam phát triển công nghiệp ôtô và công nghiệp hỗ trợ ôtô cần 3 nhóm chính sách trụ cột |
Ông Toru Kinoshita, trưởng Nhóm công tác Công nghiệp Ô tô và Xe máy tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niêm 2017 đã “mách” cách phát triển công nghiệp sản xuất linh kiện ô tô và công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam trong dài hạn.
Ông Toru Kinoshita cho biết, việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ô tô Việt Nam cần phải đặt trong xu hướng hội nhập chung của khu vực.
Trưởng nhóm công tác Công nghiệp Ô tô và Xe máy cũng chỉ ra một số vấn đề then chốt của ngành công nghiệp sản xuất linh kiện ô tô Việt Nam. Đó là năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp sản xuất linh kiện ô tô còn yếu kém do quy mô sản lượng sản xuất còn ở mức thấp. Năng lực đảm bảo các yêu cầu về chất lượng/chi phí/giao hàng (QCD) đang là vấn đề rất lớn đối với các nhà cung cấp của Việt Nam.
“Trên thực tế rất ít nhà cung cấp Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn QCD để tham gia chuỗi cung cấp toàn cầu’, ông Toru Kinoshita khẳng định. Do đó, ông Kinoshita đề nghị Chính phủ cần có các chính sách và cơ chế hợp lý và thực tiễn hơn để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ.
Trưởng nhóm công tác này tin rằng để Việt Nam phát triển công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ô tô cần thực hiện giải pháp đồng bộ dựa trên 3 nhóm chính sách trụ cột chính là: Nhóm chính sách duy trì và thúc đẩy thị trường ô tô tăng trưởng ổn định và dài hạn với điều kiện đối xử công bằng, rõ ràng và có thời gian hợp lý để các doanh nghiệp kịp chuẩn bị kế hoạch kinh doanh; Nhóm chính sách hỗ trợ để giảm chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe và linh kiện sản xuất trong nước và xe và linh kiện nhập khẩu dựa trên nguyên tắc đảm bảo đối xử công bằng, minh bạch và phù hợp với các cam kết quốc tế. Cuối cùng là nhóm chính sách và cơ chế phù hợp thực tiễn hơn nhằm thúc đẩy sự phát triển của các nhà cung cấp
Trên cơ sở các nhóm chính sách này, ông Toru Kinoshita đề xuất cơ quan quản lý cần mời các nhà cung cấp tham gia Tổ công tác liên ngành; khuyến khích các nhà cung cấp nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước mở rộng đầu tư vào sản xuất linh kiện ô tô.
Chuyên gia này cũng cho rằng, các nhà cung cấp cấp 2 hoặc cấp 3 không nên tham vọng “đi tắt” lên thành nhà cung cấp cấp 1 trong ngắn mà nên tập trung đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn QCD. Ngoài ra, các nhà cung cấp nên tham gia các chương trình kết nối cơ sở dữ liệu và kinh doanh, xây dựng thông tin giới thiệu công ty đầy đủ và hấp dẫn.
Đối với nhà sản xuất ô tô, ông Toru Kinoshita cũng khẳng định sẽ tiếp tục cung cấp các hướng dẫn về việc tuyển chọn nhà cung cấp, các điều kiện tuyển chọn và danh sách các linh kiện mà các doanh nghiệp ô tô có kế hoạch nội địa hóa để các nhà cung cấp tiềm năng cân nhắc. “Chúng tôi không phân biệt các nhà cung cấp có vốn nước ngoài hay nhà cung cấp trong nước”, ông Kinoshita cam kết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận