Ngày 18/6/2020, một cán bộ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho hay, Bộ Tài chính đã gửi văn bản xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đối với dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 103/2008 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Về cơ bản, dự thảo Nghị định kế thừa phạm vi điều chỉnh như quy định tại Nghị định số 103/2008/NĐ-CP.
Tai nạn chết người, doanh nghiệp bảo hiểm phải tự đi thu thập hồ sơ
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, thủ tục bồi thường đơn giản, tạo thuận lợi cho việc chi trả cho đối tượng được bồi thường bảo hiểm.
Trong trường hợp không may xảy ra tai nạn, hồ sơ bồi thường mà chủ xe phải cung cấp là giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, chứng minh thư hoặc thẻ căn cước, hộ chiếu; giấy chứng nhận bảo hiểm.
Trường hợp thiệt hại về sức khỏe, tính mạng thì phải có bản sao giấy chứng nhận thương tích hoặc hồ sơ bệnh án, giấy báo tử của cơ sở y tế…; thiệt hại về tài sản thì có hóa đơn chứng từ về việc sửa chữa, thay mới tài sản.
Dự thảo cũng quy định chỉ trong trường hợp vụ tai nạn gây tử vong thì hồ sơ bồi thường mới cần phải có tài liệu của cơ quan công an như biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn; sơ đồ hiện trường, bản ảnh (nếu có); thông báo sơ bộ hoặc kết quả điều tra vụ tai nạn.
Tuy nhiên, doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm thu thập các giấy tờ này chứ không phải là người mua bảo hiểm.
Trường hợp chủ xe cơ giới chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại.
Doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện tạm ứng bồi thường ngay tối đa 30% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định đối với thiệt hại về thân thể, tính mạng trong các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Rút ngắn thời gian giải quyết bồi thường
Về thời hạn yêu cầu, thanh toán và khiếu nại bồi thường, dự thảo quy định: Thời hạn yêu cầu bồi thường của chủ xe cơ giới là 1 năm kể từ ngày xảy ra tai nạn, trừ trường hợp chậm trễ do nguyên nhân khách quan và bất khả kháng theo quy định của pháp luật.
Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng), chủ xe cơ giới phải gửi thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm kèm theo các tài liệu quy định trong hồ sơ yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Thời hạn thanh toán bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm là 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ bồi thường trách nhiệm của chủ xe cơ giới và không quá 30 ngày trong trường hợp phải tiến hành xác minh hồ sơ.
Để thuận lợi trong việc thu thập giấy tờ cũng như thanh toán bồi thường, dự thảo nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công an chỉ đạo lực lượng CSGT, CSĐT cung cấp bản sao các giấy tờ liên quan đến vụ tai nạn giao thông trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của doanh nghiệp, sau khi có kết luận điều tra.
Thời hạn hợp đồng bảo hiểm có thể kéo dài đến 3 năm
Về thời hạn hợp đồng bảo hiểm, dự thảo quy định: đối với xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm.
Đối với xe cơ giới khác, thời hạn tối thiểu là 1 năm và tối đa tương ứng với thời gian đăng kiểm định kỳ.
Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là 3 năm kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp.
Đáng chú ý, dự thảo nghị định đề xuất chi bồi thường nhân đạo cho các trường hợp không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm.
Mức chi là 30% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ cho các nạn nhân tử vong.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận