Kiếm tiền từ bán tín chỉ các-bon
Tại buổi tọa đàm "Xu hướng sử dụng xe điện kinh doanh taxi tại Việt Nam" do Báo Giao thông tổ chức sáng nay (24/5), nhiều đề xuất, kiến nghị giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang taxi điện được nêu ra.
Đáng chú ý, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Phan Thanh Uy kiến nghị cần có cơ chế hỗ trợ về mặt tư vấn chính sách, giúp các doanh nghiệp taxi điện có thêm tiền khi chuyển đổi.
Ông Phan Thanh Uy cho biết, Hiệp hội thông qua kênh chính thống đã có kiến nghị để doanh nghiệp vận tải có niềm tin hơn khi chuyển đổi sang sử dụng ô tô điện.
"Riêng về mảng này hiện đang thiếu rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách. Bởi tiến đến sau này các doanh nghiệp vận tải đều có hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên văn bản quy định hạn ngạch thế nào, ai là người cấp, ai kiểm định, cấp tín chỉ các-bon… thì chúng tôi đang có ý kiến.
Cụ thể sau này khi có hạn ngạch, các đơn vị taxi, vận tải bằng xe xăng dầu vượt quá hạn ngạch thì phải bỏ tiền ra mua tín chỉ các-bon. Đơn vị nào sử dụng 100% xe điện, chắc chắn theo hạn ngạch thì nhỏ hơn sẽ được tiền, nội bộ không hết hạn ngạch có thể bán ra ngoài.
Tiến đến thị trường trao đổi tín chỉ các-bon, doanh nghiệp nào chuyển đổi taxi điện thì sau này sẽ được bù trừ, nhận tiền. Các doanh nghiệp chạy xăng dầu chắc chắn sẽ phải bỏ tiền ra mua. Nói ra để các đơn vị chuẩn bị đầu tư, chuyển đổi sang xe năng lượng sạch chắc chắn rằng sau này sẽ được hưởng lợi. Chúng tôi cũng đề nghị mọi việc đăng ký, tín chỉ phải thật dễ dàng để giao dịch được", ông Uy nói thêm.
Đầu tư xe điện kinh doanh taxi sao cho hiệu quả?
Được xem là doanh nghiệp taxi còn non trẻ vì mới chỉ xuất hiện được hơn 1 năm song Xanh SM đã nhanh chóng chiếm lĩnh hơn 40% thị trường taxi (bao gồm cả taxi truyền thống lẫn công nghệ". Chia sẻ kinh nghiệm, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty GSM nhấn mạnh đầu tiên, phải xác định được khu vực địa lý sử dụng xe và tệp khách hàng là gì khi đầu tư.
Phương án đầu tư thì đầu tiên phải tính đến các yếu tố phù hợp với địa lý, phù hợp với khách hàng và phù hợp với khả năng tài chính.
"Thường trong các khu du lịch, chúng tôi sẽ dùng xe lớn, cốp rộng vì có hành lý. Còn người dân địa phương có thể sẽ dùng xe nhỏ hơn. Tính chi phí đầu tư ban đầu của một cái xe thì phải tính chi phí lăn bánh, quy đổi ngang với xe xăng cùng phân khúc mới ra giá trị đầu tư. Sau đó phải tính thêm chi phí vận hành của vòng đời xe thì mới thấy giá trị ở đâu hợp lý", ông Thanh chia sẻ.
Ông Thanh cũng cho biết, hiện GSM có các hình thức cho đối tác là thuê cả xe lẫn pin, mua xe và thuê pin, cuối cùng là mua cả xe lẫn pin. Tuỳ vào các đơn vị sẽ có những tính toán để phù hợp với chi phí đầu tư.
Ban đầu có đơn vị mua xe thuê pin, có những đơn vị thuê xe lẫn pin và sau đó chuyển sang mua luôn. Thậm chí có đơn vị như Lado đang tiến đến mua cả xe lẫn pin. Họ sẽ tính ra cái nào phù hợp hơn.
Ông Phan Thanh Uy cũng nói thêm, với một doanh nghiệp vận tải, để tối ưu cho hoạt động vận tải có rất nhiều yếu tố, phương tiện là một trong số đó.
Doanh nghiệp cần lựa chọn loại phương tiện phù hợp với đối tượng kinh doanh, có nơi đầu tư xe 4 chỗ mới hiệu quả nhưng có nơi phải đầu tư xe 7 chỗ.
Ngoài ra, chi phí đầu tư phương tiện cũng cần hợp lý, tính toán sao cho sau 5-7 năm có thể thu hồi vốn.
Bên cạnh đó, để lựa chọn phương tiện, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc đến chi phí bảo dưỡng phương tiện, hiện nay, chi phí xe điện thấp hơn xe xăng do xe điện không cần phải thay dầu động cơ, dầu máy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận