Doanh số thấp kỷ lục
Theo báo cáo doanh số từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, tháng 8/2021, các thành viên bán ra tổng cộng 8.884 ô tô các loại, ghi nhận mức sụt giảm 45% so với tháng trước và 57% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tháng thứ 5 liên tiếp thị trường sụt giảm doanh số bán lẻ.
Doanh số thị trường ô tô tháng 8/2021 ghi nhận mức thấp kỷ lục trong khoảng 6 năm trở lại đây
Cụ thể, doanh số tháng 8/2021 được ghi nhận là thấp kỷ lục của thị trường ô tô Việt Nam kể từ năm 2015 đến nay. Mức thấp nhất trước đó được ghi nhận vào tháng 2/2016 (tháng Tết Nguyên đán), thị trường bán ra 11.718 xe. So với con số này thì tháng 8/2021 bán ít hơn tới gần 3.000 xe.
Đại diện VAMA cho biết, kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát vào ngày 27/4 đến nay, nhiều nhà máy của thành viên VAMA đã có những quãng thời gian phải tạm dừng sản xuất.
Với những doanh nghiệp đã có thể hoạt động trở lại và các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất bình thường thì lại gặp một trở ngại khác khi số lượng xe tồn kho rất lớn do việc dừng hoạt động của các đại lý.
Ước tính khoảng hơn 200 đại lý ô tô thuộc thành viên VAMA vẫn đang đóng cửa và chưa thể mở cửa trở lại. Cùng với đó là hơn 200 xưởng dịch vụ cũng không thể hoạt động. Có thể nói chuỗi cung ứng và các hoạt động phân phối đã bị đình trệ và bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều công ty đã ghi nhận mức sụt giảm doanh số trên 60%.
Không chỉ các thành viên VAMA ghi nhận mức sụt giảm mà TC Motor cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Theo đó, tháng 8/2021, TC Motor chỉ bán ra 2.182 xe, giảm gần 50% so với tháng trước và 60% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy cộng dồn từ đầu năm 2021, tổng doanh số của TC Motor vẫn được xem là gần tương đương so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, chỉ có VinFast lại đang tăng trưởng doanh số nếu xét 8 tháng đầu năm 2021 khi đã bán ra tổng cộng 22.030 xe. Con số này cùng kỳ năm trước chỉ là 14.450 chiếc. Ghi nhận mức tăng trưởng năm 2021 khoảng 52%.
Honda CR-V giảm giá tới 152 triệu đồng thế nhưng cũng chỉ bán ra 330 xe trong tháng 8/2021
Giảm giá cũng không có khách
Trong tháng 8/2021, để kích cầu mua sắm ô tô trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều hãng xe, đại lý đã tung ra các chương trình ưu đãi, giảm giá mạnh tay.
Ví dụ như Toyota Vios hỗ trợ lệ phí trước bạ từ 20 – 30 triệu đồng, Mitsubishi giảm 50% lệ phí trước bạ cho hầu hết các mẫu xe,… Thậm chí, Honda CR-V còn được ưu đãi 100% lệ phí trước bạ hoặc giảm tiền mặt cao nhất tới 152 triệu đồng (ghi nhận tại đại lý). Thế nhưng, doanh số vẫn sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nguyên nhân chính do hai thị trường lớn nhất là Hà Nội và TP. HCM khách hàng dù có thể đặt cọc, mua xe để giữ ưu đãi trong tháng 8 nhưng lại không thể nhận xe, làm các thủ tục đăng ký, lăn bánh ô tô mới. Vì thế chương trình ưu đãi dù có tốt nhưng khách hàng có thể vẫn sẽ rụt rè khi để một khoản tiền lớn nằm tại đại lý mà chưa rõ khi nào có thể nhận xe.
Để kích thích nhằm hồi phục thị trường ô tô, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Trong đó, yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá tác động để xem xét việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo thời gian phù hợp với tình hình dịch Covid-19.
Tuy nhiên, nếu chính sách này thực sự đi vào thực tế, không phải chỉ Chính phủ hỗ trợ giảm mà còn cần doanh nghiệp cũng phải chung tay, ưu đãi, giảm giá thì mới đạt được hiệu quả thực sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận