Công nghệ pin phát triển rất nhanh kể từ sau giải Nobel hóa học
Chia sẻ về công nghệ pin tại cuộc họp báo sau lễ ký hợp tác chiến lược giữa Công ty năng lượng Sơn Hà và Công ty VinES ngày 27/4, ông Hoàng Mạnh Tân, Phó TGĐ Tập đoàn Sơn Hà cho hay: “Kể từ năm 2019, khi ba nhà hóa học John B. Goodenough, M. Stanley Whittingham và Akira Yoshino cùng nhận giải Nobel hóa học về những đóng góp của họ trong quá trình phát triển pin Lithium-ion, từ đó đến nay công nghệ pin trên thế giới đang thay đổi rất nhanh”.
Ông Hoàng Mạnh Tân, Phó TGĐ Tập đoàn Sơn Hà phát biểu tại lễ ký thỏa thuận chiến lược với VinES. Ảnh: Lam Anh
Theo ông Tân, hiện tiêu chuẩn pin do VinES làm ra đã tương đương pin của Tesla, mật độ tích điện vào khoảng 275Wh/kg pin, nhưng sắp tới có một thế hệ pin mật độ cao, gọi là pin siêu công suất của CATL sẽ đạt mật độ 500Wh/kg pin.
Ông Hoàng Mạnh Tân cho hay, dự báo của Đại học Stanford (Mỹ) là mật độ pin trong khoảng từ 3-5 năm tới sẽ tăng gấp 4 lần hiện nay, tức sẽ đạt mật độ tích điện 1000Wh/kg pin. Như vậy nghĩa là khối pin có thể nhẹ bớt 75%; hoặc cùng khối lượng như hiện nay thì mật độ năng lượng tăng gấp 4 lần.
“Điều bất ngờ nữa là họ dự báo, giá thành sản xuất pin lúc đó sẽ về khoảng 50 USD/kWh, tức là bằng một phần ba hiện nay (xấp xỉ 150 USD/kWh), tuổi thọ pin lên đến 10 nghìn lần nạp xả. Tức là ngày nào cũng sạc mà tuổi thọ pin vẫn đạt khoảng 30 năm”, ông Tân cho hay.
Hiện nay, mật độ năng lượng tích lũy vào pin là một trong các thước đo trình độ của các hãng xe điện, yếu tố này thậm chí được coi trọng hơn cả thiết kế hay công nghệ trên xe.
Các chuyên gia về pin đều cho rằng mật độ pin tỷ lệ nghịch với thời gian sạc, tức là mật độ càng cao thì thời gian sạc càng nhanh, vấn đề chỉ là mạng lưới trạm sạc DC có đáp ứng được nhu cầu hay không.
Các sáng chế mới nhằm tăng mật độ pin, rút ngắn thời gian sạc luôn nhận được mối quan tâm lớn của các hãng xe hay từ cộng đồng các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn.
Theo các khảo sát người dùng ô tô toàn cầu, khoảng 20% người dùng sẵn sàng chuyển đổi sang xe điện nếu như thời gian sạc được rút ngắn hơn nữa.
Việt Nam có bao nhiêu trạm sạc siêu nhanh?
Ô tô điện có 3 cấp độ sạc: sạc thường, sạc nhanh và sạc siêu nhanh. Những bộ sạc được gọi là sạc siêu nhanh là loại sạc có tốc độ sạc từ 100 kW trở lên, giúp ô tô điện nạp đến 80% dung lượng pin chỉ trong vòng 15 phút.
Tại Việt Nam, hiện mới có vài mẫu xe điện hạng sang cao cấp được đưa về để trình diễn như Porsche Taycan (giá 4,8 tỷ đồng) có thể chạy được 100km với khoảng 4,5 phút sạc siêu nhanh tại trụ DC công suất 270kW.
Audi e-tron (giá 5,2 tỷ đồng) cũng là chiếc xe điện tại Việt Nam được công bố có thể sạc 5 phút chạy được 100 km tại trụ sạc AC 3 pha; sạc siêu nhanh từ 5% lên 80% pin trong 23 phút ở điều kiện lý tưởng tại các trạm sạc nhanh DC chính hãng.
BMW i7 xDrive60 (giá 7,2 tỷ đồng) vừa được Thaco trình làng hôm 26/4 có thể chạy thêm được 128 km chỉ với 10 phút sạc, với điều kiện trụ sạc nhanh công suất 195 kW.
Mercedes-Benz EQS phiên bản cao cấp (giá 5,9 tỷ đồng) bán tại Việt Nam cũng trang bị công nghệ sạc nhanh, mang lại cho EQS khả năng vận hành thêm 300 km chỉ sau 15 phút sạc nhanh DC tại trụ công suất 200 kW.
Công nhân kiểm tra sản phẩm tấm che phía trên nắp vỏ pin sau khi sản phẩm rời khỏi máy dập tự động ở nhà máy VinFast Hải Phòng. Ảnh: Lam Anh
Hiện nay, sạc nhanh tại trụ sạc có hai phiên bản là sạc bằng dòng điện xoay chiều (AC) và sạc bằng dòng điện một chiều (DC).
Pin ô tô điện phải được sạc bằng dòng điện một chiều DC, do đó để chuyển từ điện xoay chiều AC sang DC, xe điện cần có bộ chuyển đổi năng lượng.
Bộ sạc AC cần có bộ chuyển đổi để biến dòng điện xoay chiều thành dòng điện một chiều. Còn bộ sạc nhanh DC cung cấp thẳng dòng điện một chiều đến pin ô tô mà không cần bộ chuyển đổi.
Vấn đề của các trụ sạc siêu nhanh là lưới điện và chi phí đầu tư bộ chuyển đổi khá tốn kém, bởi thế cuộc đua tăng mật độ pin sẽ là trọng tâm phát triển của các hãng pin trong tương lai gần.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận