Hệ thống đua xe giả lập có giá hàng trăm triệu đồng xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam. Kỹ năng đua giả lập mang đến trải nghiệm chân thực gần như cầm lái một chiếc xe đua ngoài đời.
Chi phí đầu tư ngang mua xe hơi
Một dàn đua xe giả lập phục vụ nhu cầu luyện tập, thi đấu chuyên nghiệp có giá trên dưới 150 triệu đồng
Một hệ thống đua xe giả lập gồm phần mềm và phần cứng. Trong đó, phần mềm là các trò chơi điện tử (video game) thuộc thể loại giả lập hay mô phỏng đua xe.
Thể loại game này hướng tới việc mô phỏng trải nghiệm cầm lái và đua xe giống ngoài đời thực nhất. Từ đặc tính riêng của mỗi mẫu xe, tác động vật lý và môi trường lên chiếc xe, cho tới hàng trăm chi tiết, bộ phận có thể tùy chỉnh đều được mô phỏng như thật.
Theo anh Lê Thành Long, Chủ nhiệm CLB LT9 Esport (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), phần cứng của hệ thống này gồm máy tính hoặc máy chơi game, màn hình, bộ điều khiển gồm: Vô-lăng, bàn đạp ga/phanh, hộp số. Đầy đủ hơn sẽ thêm khung và ghế đua như trong khoang lái. Cao cấp nhất hiện nay là loại có cả hệ thống mô phỏng lực G và kính thực tế ảo (VR).
Màn hình và máy chơi game có tổng chi phí đầu tư khoảng 50 triệu đồng tùy cấu hình. Bộ điều khiển (vô-lăng, bàn đạp…) loại bình dân giá trên dưới 10 triệu đồng, phân khúc cao cấp có những mẫu giá 70 triệu đồng. Khung và ghế giá khoảng 30 triệu đồng. Ngoài ra, còn khoản tiền từ 4 - 5 triệu đồng cho việc mua phần mềm.
“Một bộ đua xe giả lập ở mức đáp ứng nhu cầu luyện tập, thi đấu chuyên nghiệp có giá khoảng 140 - 150 triệu đồng. Để đầy đủ nhất thì tốn thêm 200 triệu đồng cho hệ thống mô phỏng lực G, 30 triệu đồng cho kính thực tế ảo, máy tính cũng cần mạnh hơn. Lúc này, số tiền bỏ ra có thể lên tới 400 - 500 triệu đồng”, anh Long cho biết.
Anh Nguyễn Thế Hiển, Tổng thư ký CLB xe hơi thể thao Saigon United Motorsports (quận 1, TP.HCM) cho biết, sự chênh lệch về giá bán giữa các mẫu vô-lăng, bàn đạp bình dân và cao cấp chủ yếu đến từ công nghệ, độ trễ khi điều khiển, khả năng truyền tải phản hồi, chất lượng hoàn thiện…
“Hiện tại, bộ đua giả lập giá từ 40 - 80 triệu đồng được nhiều người chơi lựa chọn nhất cho nhu cầu sử dụng tại gia. Thời gian lắp đặt khoảng 2 tiếng. Với người mới bắt đầu, để tiết kiệm chi phí có thể tận dụng laptop, TV có sẵn, mua vô-lăng, bàn đạp đã qua sử dụng hoặc loại bình dân giá 6 - 10 triệu đồng gắn vào bàn, dùng ghế sẵn ở nhà thay vì mua khung, mua ghế riêng”, anh Hiển nói.
Lái xe ảo nhưng cần kỹ năng thật
Anh Trương Vĩnh Phúc (ngụ quận 4, TP.HCM), VĐV đua xe go-kart thuộc đội đua DNK chia sẻ, đã biết đến đua xe giả lập từ lâu nhưng mới tập luyện và có sự đầu tư từ hơn năm nay.
Đua xe giả lập đã phổ biến trên thế giới, với hàng loạt đội chuyên nghiệp và các giải đua có phần thưởng lên đến hàng trăm nghìn USD. Song tại Việt Nam, phong trào này mới bắt đầu phát triển từ khoảng năm 2020.
Anh Nguyễn Thế Hiển, Tổng thư ký CLB xe hơi thể thao Saigon United Motorsports
Theo anh Phúc, hình thức này tiết kiệm hơn nhiều lần so với đua thật: “Kỹ năng đua giả lập hoàn toàn có thể áp dụng thực tế vì các tựa game hiện nay đều mang đến trải nghiệm chân thực gần như cầm lái một chiếc xe ngoài đời. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghĩ đua xe giả lập như một trò chơi thay vì bộ môn thể thao điện tử với tính cạnh tranh rất cao. Ngay cả những tay đua F1 vẫn thường xuyên tập luyện trên dàn giả lập để làm quen với đường chạy thật”.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Thế Hiển đánh giá, đua xe giả lập hiện nay giống đua thật tới 80 - 90%.
Độ nặng/nhẹ, rung lắc của vô-lăng được thể hiện chi tiết để người lái có thể hình dung bánh xe đang đi qua loại địa hình nào trong trò chơi.
“Ví dụ khi xe bị văng đuôi trên đường đua, các thao tác với vô-lăng, bàn đạp ga/phanh của dàn giả lập để lấy lại kiểm soát cần chuẩn xác giống như với xe thật. Nhờ đó, người chơi thuần thục có thể hình thành phản xạ tự nhiên để xử lý nếu tình huống xảy ra ngoài đời. Những kỹ năng như vậy khó có điều kiện luyện tập thực tế”, anh Hiển cho biết.
Theo VĐV đua ô tô thể thao chuyên nghiệp Nguyễn Hồng Vinh, đua xe giả lập không thể tái tạo trọn vẹn trải nghiệm thực tế do cảm giác lái còn những thiếu sót. Tuy nhiên, đây là một phương thức tốt để học thuộc đường đua, hiểu rõ và tính toán trước những tình huống có thể xảy ra khi đua thật.
Mặt khác, dù là game, đua xe giả lập vẫn cần tới thể lực bởi vô-lăng có độ giằng, siết lớn và nhiều tình huống cần đánh lái nhanh, dùng lực mạnh. Bàn đạp côn/phanh/ga cũng tương đối nặng và gây mỏi chân nếu sử dụng nhiều.
Theo anh Lê Thành Long, do yêu cầu cả về sức khỏe, sự tập trung và phản xạ, bộ môn này khó có thể chơi liên tục nhiều giờ đồng hồ: “Tương tự đua xe thật, người chơi để đạt thành tích cao cần ghi nhớ kỹ từng khúc cua, điểm phanh và thuần thục các thao tác xử lý của cơ thể đến mức thành phản xạ”.
Sự chân thật là yếu tố góp phần lớn làm nên sức hấp dẫn của đua xe giả lập, song đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều người “cả thèm chóng chán”. Lý do, để thuần thục một mẫu xe trong đua giả lập cần tới hàng trăm giờ luyện tập, trước khi nghĩ đến việc xếp hạng cao trong một chặng đua.
Anh Long cho biết, tại CLB LT9 Performance, nhiều người đến tìm hiểu, trải nghiệm đua xe giả lập, thậm chí mua gói đăng ký thành viên theo năm. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 2 tuần, không hiếm người nản lòng.
“Đăng ký thành viên theo năm đều là những người đã rất hứng thú với bộ môn này, song cũng chỉ khoảng 25% trong số này theo đuổi nghiêm túc, lâu dài”, anh Long nhẩm tính.
Trong khi đó, anh Vĩnh Phúc nhận định đua xe giả lập ở TP.HCM những năm gần đây đã có sự phát triển rõ nét hơn, không ít giải đua được tổ chức để kết nối những người đam mê với nhau. Tuy nhiên, vấn đề tài chính và kiến thức về đua xe vẫn là rào cản lớn cho bộ môn này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận