Một đặc điểm chung của loài chim là chúng luôn tìm nơi sạch sẽ để thả phân, đây cũng là lý do vì sao nóc xe và nắp ca pô luôn là vị trí thường xuyên bị dính phân chim. Trong phân chim có axit uric, axit photphoric, kali carbonat và đặc biệt hàm lượng muối nitrat khá cao, chính hỗn hợp muối và axit này sẽ mau chóng tàn phá lớp sơn của xe khi không được nhanh chóng lau sạch.
Mới đây, giám đốc kỹ thuật của Ford châu Âu, ông Andre Thierig cho biết: “Với những chiếc xe để lâu ở nơi không có mái che, nhất là trong mùa dịch như hiện nay, những chú chim có nhiều cơ hội để lại “dấu ấn” của mình lên xe hơn bình thường. Việc này ngoài khiến ô tô trông không sạch sẽ về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của lớp sơn”.
Các kĩ thuật viên của hãng sẽ xịt một hỗn hợp axit photphoric và chất tẩy rửa cùng phấn hoa nhân tạo lên bề mặt của thân xe, sau đó làm khô ở nhiệt độ xung quanh lên mức từ 60 – 80 độ C. Được biết “thử nghiệm phân chim” này là một trong những thử thách khó khăn trong quá trình tạo ra loại sơn mới.
Video "thử nghiệm phân chim” của Ford
Bằng kết quả của các buổi thử nghiệm, Ford sẽ đưa ra những giải pháp phù hợp để phát triển lớp sơn xe như tinh chỉnh chất tạo màu, nhựa thông và các chất phụ gia khác, qua đó đảm bảo lớp sơn phủ trên bề mặt xe có chất liệu tốt nhất để chống lại các chất bẩn gây ra bởi môi trường tự nhiên hay dưới tác động của nhiệt độ.
Ngoài bài thử có phần lạ kỳ trên, thương hiệu Mỹ cũng hé lộ rằng họ còn một bài test khác là bắn phá sơn bằng tia cực tím liên tục trong 250 ngày để mô phỏng điều kiện môi trường ở các khu vực tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều nhất trên thế giới.
Bên cạnh đó, Ford cũng thách thức loại sơn mình sử dụng bằng nhiều cách khác nhau chẳng hạn từ nhiệt độ âm, môi trường độ ẩm cao, tiếp xúc thường xuyên với muối hay bị nhuốm bẩn bởi xăng hoặc dầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận