Vụ bê bối của Daihatsu liên quan đến các vi phạm, bất thường trong hoạt động chứng nhận xe tại nước ngoài của Công ty ô tô Daihatsu Nhật Bản trên phạm vi toàn cầu đang nổi sóng ngành ô tô khắp thế giới. Các vi phạm liên quan đến mẫu xe thử nghiệm phục vụ công tác chứng nhận ở nước ngoài trên nhiều dòng xe của Daihatsu và Toyota trên thế giới.
Vụ việc càng được nghiêm trọng hóa hơn vì Daihatsu là một thương hiệu con của Công ty Toyota – một thương hiệu ô tô dẫn đầu ngành công nghiệp ô tô thế giới và được biết đến là biểu tượng của sự uy tín và chỉn chu.
Để hiểu bản chất câu chuyện, trước tiên cần tìm hiểu về mối quan hệ thực sự giữa Daihatsu và Toyota. Ít ai biết Daihatsu từng là một trong những nhà sản xuất động cơ lâu đời nhất Nhật Bản. Tuy nhiên từ năm 1967, Toyota và Daihatsu bắt đầu hợp tác và đến năm 2016 Toyota chính thức nắm toàn quyền sở hữu. Kể từ đó, Daihatsu được giao nhiệm vụ tập trung phát triển các dòng xe cỡ nhỏ cho những thị trường mới nổi. Một số sản phẩm do Daihatsu phát triển khi bán ra thị trường sẽ được gắn mác thương hiệu Toyota.
Quay lại vụ bê bối mới nhất liên quan đến việc thử nghiệm các mẫu xe do Daihatsu phát triển. Vụ việc nổi sóng khi kết quả của cơ quan điều tra độc lập công bố, trong quá trình thử nghiệm.
Trong danh sách các mẫu xe ảnh hưởng thì có mẫu xe Avanza Premio MT (số sàn) có bất thường trong quy trình thử nghiệm khí thải, tiêu thụ nhiên liệu ở thị trường nước ngoài. Việt Nam có nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp mẫu xe Avanza Premio MT.
Qua những thông tin công bố từ Nhật Bản, các cơ quan truyền thông quốc tế và những nguồn tin từ những báo cáo ban đầu với các cơ quan quản lý tại Việt Nam, bản chất vụ việc xuất phát từ việc bộ phận thử nghiệm và chứng nhận của Daihatsu đã vi phạm quy trình của Toyota.
Theo quy định quốc tế UNECE, việc thử nghiệm được thực hiện theo nguyên tắc lựa chọn phiên bản xe có độ khó nhất trong một "họ" xe để thử (Worst case selection). Nếu phiên bản này đạt tiêu chuẩn thì tất cả các phiên bản xe cùng "họ" cũng được đánh giá là đạt tiêu chuẩn
Chẳng hạn như hai mẫu xe Avanza MT và Veloz MT được xác định là cùng "họ" vì có nền tảng cơ bản giống nhau, chỉ khác ở một số thiết kế bên ngoài được tinh chỉnh để phù hợp với điều kiện và thị hiếu của các thị trường khác nhau.
Trong quá trình thử nghiệm, bộ phận kỹ thuật của Daihatsu đã tự ý chế thêm một số chi tiết để tăng thêm cản gió vào đuôi và nhô ra khỏi thân xe để tăng mức tiêu hao nhiên liệu và mức độ phát thải khí thải (tăng độ khó của việc thử nghiệm khí xả, tức là làm tình trạng xe xấu đi) nhằm đảm bảo sức cản gió có tình trạng tương tự tình trạng của loại xe xấu nhất của "họ" xe được chứng nhận đó (các loại xe tương tự có cùng những đặc điểm, tính năng nhất định sẽ được xếp vào cùng họ xe trong chứng nhận).
Tuy nhiên, theo quy định của Việt Nam, đối với các mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước thì việc thử nghiệm khí thải và tiêu thụ nhiên liệu sẽ được thực hiện trên mẫu xe đại diện thực tế được sản xuất tại Việt Nam (không phải là mẫu xe đã được thay đổi của Công ty Daihatshu). Mẫu xe Avanza Premio MT đã được thử nghiệm và đáp ứng đầy đủ các quy định tại QCVN.
Theo một số nhận định, dù chắc chắn đã làm sai quy trình thử nghiệm của Toyota nhưng kết quả kiểm tra thử nghiệm lại các mẫu xe đó vẫn đạt các yêu cầu. Trong trường hợp này nếu bộ phận thử nghiệm báo cáo và thống nhất cách làm với các bên liên quan thì có lẽ đã không gây ra bê bối.
Câu chuyện ở đây cũng giống như việc các thí sinh vào phòng thi và được nghe phổ biến quy định chỉ được làm bài bằng bút mực nhưng có những thí sinh lại làm bài thi bằng bút bi. Như vậy là sai quy chế thi dù không ảnh hưởng đến kết quả đúng hay sai của bài thi đó. Cái sai ở đây là vi phạm quy chế thi, tương tự như việc Daihatsu vi phạm quy trình của hãng mẹ Toyota.
Tuy nhiên, việc Daihatsu thực hiện sai quy trình là điều không thể chấp nhận với hãng mẹ Toyota – một tập đoàn ô tô lớn nhất thế giới vốn đặt văn hóa tuân thủ lên hàng đầu. Không những thế, việc tùy tiện phá vỡ nguyên tắc có thể sẽ dẫn tới những hậu quả khó kiểm soát.
Một câu hỏi được nhiều người đặt ra trong những ngày qua là xe Toyota do Daihatsu sản xuất và bán tại Việt Nam ảnh hưởng như thế nào về vụ bê bối nói trên? Qua nhiều nguồn tin từ các cơ quan quản lý và chuyên gia ô tô bước đầu có thể khẳng định chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự tác động của vụ bê bối trên liên quan đến các mẫu xe bán tại Việt Nam như: Avanza, Veloz, Vios.... vì tất cả các xe khi phân phối tại Việt Nam đều phải vượt qua các thử nghiệm rất chặt chẽ của cơ quan quản lý.
Cụ thể tại Việt Nam hiện vẫn đang áp dụng kiểm tra và thử nghiệm theo các hạng mục bắt buộc của QCVN 09:2015/BGTVT và QCVN 109:2021/BGTVT. Bên cạnh đó là các quy định kiểm tra hệ thống quản lý chất lượng tại nhà máy sản xuất, hệ thống chứng nhận chất lượng linh kiện, quy định đánh giá ngẫu nhiên, định kỳ… đảm bảo sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho các loại xe bán mới ra thị trường.
Như vậy, tất cả các mẫu xe liên quan đến vụ bê bối của Daihatsu khi nhập khẩu hoặc sản xuất lắp ráp tại Việt Nam đều đã phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, trong đó có việc kiểm tra khí thải và mức tiêu thụ nhiên liệu của các mẫu xe trước khi được cấp giấy chứng nhận bán ra thị trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận