Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các hãng xe, đại lý đã liên tiếp đưa ra các chương trình ưu đãi, thậm chí giảm giá sâu các mẫu xe nhưng doanh số vẫn không mấy lạc quan.
Xe cũ, xe mới đều giảm giá sâu
Bước sang tháng 3/2020, dường như nhận thấy ảnh hưởng từ dịch bệnh nên các hãng xe liên tiếp tung ra các chương trình giảm giá, ưu đãi để kích thích mua sắm ô tô. Với các mẫu xe có giá dưới 500 triệu đồng, VinFast Fadil đang đi đầu khi mẫu xe này được các đại lý giảm giá từ 41 - 64 triệu đồng tùy phiên bản.
Giảm giá mạnh thứ 2 trong phân khúc xe hạng A, Honda Brio 2020 cũng được các đại lý khuyến mãi từ 25 - 45 triệu đồng tùy phiên bản, bao gồm giảm giá tiền mặt và phụ kiện. Tiếp đó, Hyundai Grand i10 cũng được hãng giảm giá 15 triệu đồng…
Ở phân khúc cao hơn, Toyota Vios đang được giảm thêm 10 triệu đồng dù trước Tết mẫu xe này đã được các đại lý giảm tới 30 triệu đồng. Cùng phân khúc này, Honda City cũng giảm giá 30 triệu đồng tất cả các phiên bản trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát.
Mức giảm giá sâu nhất đang tập trung ở những mẫu xe tầm giá 1 tỷ đồng. Chevrolet Trailblazer vừa tạo cú sốc chớp nhoáng trên thị trường khi giảm giá tới 366 triệu đồng. Theo đó bản thấp nhất của mẫu xe này đang có giá 1,066 tỷ đồng sau khi giảm giá chỉ còn chưa tới 700 triệu đồng.
Cũng ở phân khúc này, Toyota Fortuner cũng ghi nhận mức giảm giá cao nhất tại đại lý, lên tới 100 triệu đồng, tặng kèm phụ kiện. Hay Mazda CX-8 giảm giá từ 50 - 100 triệu đồng theo chương trình từ hãng; Honda CR-V giảm giá cao nhất 80 triệu đồng theo thông tin từ đại lý (tháng trước ưu đãi từ 30 - 60 triệu đồng)...
Không chỉ xe mới, thị trường xe cũ cũng bị ảnh hưởng dịch Covid nên giá xe cũng giảm. Trước tình thế đó, nhiều cửa hàng kinh doanh xe cũ, chỉ tập trung bán hàng sẵn có, hạn chế không “ôm hàng” mới. Đồng thời, để đảm bảo dòng tiền kinh doanh, nhiều chủ cửa hàng xe cũng mạnh tay giảm giá các mẫu xe phổ biến để kích cầu, mặc dù giá xe ô tô cũ cuối năm 2019 đã giảm giá kịch sàn. Trước kia, giảm giá trên thị trường xe cũ diễn ra mạnh ở xe hatchback và sedan nhưng nay chuyển sang cả xe SUV, MPV từ 5 - 7 chỗ. Xu hướng này đang được nhiều người mua xe ô tô cũ hưởng ứng.
Theo khảo sát của phóng viên, hầu hết các mẫu xe cũ đều giảm giá ít nhiều tùy vào từng phiên bản, đời xe và tình trạng xe. Những mẫu xe phổ biến nhất như Kia Morning, Hyundai Grand i10 hay các mẫu xe SUV và MPV của Toyota giảm giá trung bình từ 30 - 80 triệu đồng so với thời điểm 2 tháng trước Tết.
Đại lý loay hoay tìm cách xả hàng
Theo Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết tháng 2/2020, lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam là 14.523 chiếc, giảm 43,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống là 10.768 chiếc, giảm 39,6%; ô tô vận tải là 3.425 chiếc, giảm 53,3%.
Lam Anh
Theo báo cáo từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), dù trong tháng 2/2020, nhiều hãng xe đưa ra các chương trình ưu đãi, giảm giá nhưng so với dịp ra Tết năm ngoái (tháng 3/2019), doanh số ô tô lại đang có chiều hướng sụt giảm mạnh. Báo cáo VAMA cho thấy, trong tháng ra Tết năm 2020 các thành viên VAMA chỉ bán được 17.616 chiếc, giảm khoảng 46% so với cùng kỳ năm trước.
Một nhân viên đại lý Toyota Hà Đông cho hay, tình hình bán xe hiện tại không mấy khả quan hơn so với tháng trước, thậm chí còn thấp hơn so với tháng 2/2020. Ngay cả các mẫu xe đang được giảm giá mạnh như Toyota Fortuner hay Innova cũng không thu hút được nhiều khách hàng hơn.
Một số chuyên gia nhận định, theo quy luật thị trường, nếu nhu cầu xe vẫn tiếp tục thấp thì các doanh nghiệp buộc phải hạ giá sản phẩm để kích cầu. “Theo kế hoạch phải bắt đầu đến tháng 4 thì lượng xe mới 2020 mới về nhiều nên thời điểm này các hãng, đại lý phải tranh thủ xả hàng xe đời cũ tồn kho. Vì vậy, trong giai đoạn thấp điểm hiện tại, chỉ có giảm giá sâu mới có thể kích thích được sức mua của người tiêu dùng”, giám đốc một đại lý kinh doanh ô tô tại Hà Nội cho biết.
Chủ một showroom ô tô cũ trên đường Dương Đình Nghệ (Hà Nội) cũng cho biết: “Do nhiều người trong trạng thái tâm lý chờ đợi mùa dịch qua đi, không dám xuống tiền mua xe trong thời điểm này nên doanh số cửa hàng năm nay giảm chỉ còn khoảng 60% so với thời điểm sau Tết năm ngoái. Trước tình thế đó, nhiều cửa hàng kinh doanh xe cũ cho biết, chỉ tập trung bán hàng sẵn có, tuyệt đối không “ôm hàng” mới. Đồng thời, để đảm bảo dòng tiền kinh doanh, nhiều chủ cửa hàng xe cũng mạnh tay giảm giá các mẫu xe phổ biến để kích cầu, mặc dù trước đó, dịp cuối năm 2019, giá xe ô tô cũ đã giảm kịch sàn.
Một chuyên gia trong ngành ô tô nhận định, có thể dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người mua xe, ngại đến đại lý xem xe. Tuy nhiên để ứng phó, các đại lý cũng có thể tìm cách bán hàng mà khách hàng không cần phải đích thân tới đại lý mới mua được xe, có thể ngồi nhà vẫn chốt được hợp đồng và đặt lịch giao xe tận nhà.
“Như tại Trung Quốc vừa qua, do sụt giảm doanh số bởi dịch Covid-19, hãng xe Geely đã tung ra thị trường dịch vụ mua bán xe ô tô trực tuyến và giao hàng tận nhà tại thị trường nội địa. Bên cạnh đó, Geely cũng cung cấp các dịch vụ như hoàn thiện thủ tục giấy tờ, bảo hiểm, vay vốn cho khách hàng. Sau khi ra mắt dịch vụ riêng, hãng cho biết đã có sự tăng trưởng chưa từng thấy. Trong tuần đầu tiên ra mắt, đơn đặt hàng trực tuyến đã tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán hàng từ website của Geely cao hơn 75 lần”, vị chuyên gia này gợi ý về cách bán ô tô mới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận