Sản xuất ô tô Lux SA2.0 tại nhà máy của Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh VinFast ở huyện Cát Hải, Hải Phòng
Hai điểm nghẽn kìm hãm công nghiệp ô tô
Ngày 30/6/2021, Bộ Công Thương công bố báo cáo tình hình công nghiệp ô tô và đề xuất giải pháp tháo gỡ. Báo cáo này đã chỉ ra 2 điểm nghẽn của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay.
Theo Bộ này, dung lượng thị trường và chênh lệch giá thành giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đang là hai điểm nghẽn, thách thức lớn nhất hiện nay của ngành công nghiệp ô tô nước ta.
Hiện tại, quy mô thị trường ô tô Việt Nam mới chỉ bằng 1/3 của Thái Lan và 1/4 của Indonesia.
Thị trường nhỏ, bị phân tán bởi nhiều hãng lắp ráp và nhiều model khác nhau, khiến cho các công ty sản xuất (cả sản xuất ô tô và sản xuất linh kiện phụ tùng) rất khó đầu tư phát triển sản xuất quy mô lớn.
Mặt khác, GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện tại chưa đủ để đa số người dân có thể sở hữu ô tô cũng như thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển, tạo ra lợi nhuận.
Hệ thống giao thông yếu kém (mà chủ yếu do tổ chức giao thông kém) cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới cầu của thị trường, làm cho nhu cầu sử dụng ô tô của nền kinh tế chưa lớn.
Bên cạnh điểm nghẽn về thị trường, hiện nay chi phí sản xuất ô tô trong nước cao hơn các quốc gia trong khu vực từ 10 - 20% khiến giá thành xe sản xuất trong nước chịu nhiều bất lợi so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN.
Các linh kiện, phụ tùng để sản xuất, lắp ráp ô tô hầu hết phải nhập khẩu từ nước ngoài - phải chịu thêm các chi phí đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo hiểm…, từ đó ảnh hưởng đến giá thành của xe lắp ráp trong nước.
Xe du lịch Kia Sedona do Thaco sản xuất, chuẩn bị đóng thùng container tại cảng Chu Lai để xuất khẩu sang Thái Lan
Giải pháp tạo dựng thị trường
Theo Bộ Công Thương, các giải pháp để tháo gỡ những điểm nghẽn nói trên sẽ gồm:
Có các biện pháp hợp lý bảo đảm sự phát triển minh bạch, lành mạnh của thị trường ô tô trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại.
Đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước trong vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, có thể xem xét, cân nhắc một số giải pháp khác để phát triển thị trường như chính sách cho vay ưu đãi mua ô tô trong nước; rà soát các loại thuế, phí liên quan đến ô tô trên toàn chuỗi giá trị để điều chỉnh theo hướng thuận lợi hoá sản xuất và tiêu dùng ô tô, phát triển lành mạnh thị trường ô tô trong nước.
Về giải pháp tháo gỡ vướng mắc về chênh lệch chi phí sản xuất giữa ô tô trong nước và ô tô nhập khẩu, Bộ Công Thương đề xuất:
Tiếp tục duy trì và triển khai có hiệu quả Chương trình ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng cho hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô.
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng áp dụng chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô kèm theo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp nâng cao sản lượng sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận